Hai từ khóa bật ra trong đầu tôi ngay khi vừa xem xong Bẫy ngọt ngào: flashy (hào nhoáng) và shallow (nông, hời hợt). Đó cũng là hai từ khóa mà tôi hay nghĩ về showbiz, về giới giải trí, về phim ảnh, đặc biệt là ở Việt Nam: càng hào nhoáng càng hời hợt.
Nhưng tôi không nghĩ đó là một điểm yếu mà là một thuộc tính của giải trí hay của thế giới showbiz khi ngành công nghiệp này của Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ. Nội lực chưa đủ mạnh, cá tính riêng chưa rõ nét trong khi dễ bị cuốn theo các trào lưu, các xu hướng thịnh hành trên thế giới khiến các sản phẩm giải trí của Việt Nam cứ bắt chước nhau hoặc na ná một màu.
Có lần tôi đi xem một show ca nhạc hoành tráng và chứng kiến lần lượt gần chục cô/anh ca sĩ lên sân khấu luôn kéo theo một vũ đoàn và trình diễn y chang nhau. Phim ảnh cũng vậy, hầu hết được kể rất khuôn mẫu, rất công thức với những motif, những lớp layer quá cũ kỹ và quen thuộc. Bẫy ngọt ngào vừa nỗ lực vượt thoát những điều này, nhưng đồng thời vẫn dính mắc những thứ vốn rất cliché này.
Đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư (thứ hai từ trái sang) cùng dàn diễn viên của phim. |
Cho dù vậy đi nữa, Bẫy ngọt ngào là một bộ phim giải trí được làm hấp dẫn và lôi cuốn, khiến việc thưởng thức bộ phim này tại rạp với tôi khá dễ chịu.
Đinh Hà Uyên Thư, vốn là một đạo diễn MV đã tạo được "signature" (nhận diện đặc trưng - PV) riêng trong làng ca nhạc nên với màn ra mắt trong điện ảnh, cô có được một lợi thế (đồng thời cũng là hạn chế): tái hiện đời sống của giới thượng lưu, giới giải trí lên phim rất hào nhoáng và bắt mắt. Tạo hình, phục trang của các nhân vật, bối cảnh và ngôn ngữ thoại đều rất bắt mắt, bắt tai. Làm được điều này không hề đơn giản bởi hầu hết các bộ phim làm về giới nhà giàu, giới thượng lưu ở Việt Nam rộ lên gần đây đều gồng mình lên để phô trương theo kiểu giàu xổi nhưng lại rất vụng về và đôi khi còn quê mùa.
Lợi thế đó còn được thể hiện ở sự linh hoạt trong những cú máy, nhịp điệu và tiết tấu nhanh gọn, mang lại cho bộ phim một nguồn năng lượng mới mẻ và trẻ trung. Nhưng hạn chế cũng nằm ở đó. Bộ phim đôi lúc bỏ rơi nhân vật, không cho họ những cơ hội để giải bày nội tâm hoặc những khoảng lặng để khán giả kịp đồng cảm với họ.
Và chính ở đó, bộ phim bắt đầu bộc lộ những điểm hở sườn khi cuốn vào kịch tính: cái bẫy được dựng lên quá sơ sài, quá đơn giản, quá truyền thống. Đây cũng là lúc mà sự nông cạn và hời hợt bắt đầu xuất hiện. Khi không có một bệ đỡ tâm lý vững vàng hoặc được khai thác sâu hơn về mặt nội tâm, nhân vật phản diện khi bị dồn vào chân tường hành xử trăm phát như một không trượt phát nào: mắt cứ long sòng sọc hoặc trợn trừng lên, răng nghiến chặt lại. Khổ thân Quốc Trường, đóng hai vai phản diện trong hai bộ phim điện ảnh (Đôi mắt âm dương và Bẫy ngọt ngào) với cách biểu cảm cơ mặt gần như y chang!
Cách phát triển kịch bản khuôn mẫu và xây dựng nhân vật dễ dãi đó cũng khiến bộ phim đánh mất một lợi thế mà họ dám táo bạo để khai phá: chủ đề bạo hành tình dục trong đời sống hôn nhân gia đình. Vì vậy mà những màn tình dục nóng bỏng trên phim mới chỉ dừng lại ở khía cạnh trình diễn chứ chưa thấy được những ẩn ức và hệ lụy của các hành vi tình dục gây ra sự đau đớn (và khoái cảm) này.
Một trong những phim (mini-series thì đúng hơn) khai thác cực tốt chủ đề bạo hành tình dục rồi tạo ra bạo hành tình dục trong đời sống hôn nhân gia đình là Big littles lies nổi tiếng vài năm trước. Series này kể về đời sống thượng lưu của những người phụ nữ giàu có, nhưng đằng sau lớp vỏ hào nhoáng của họ là những bi kịch, những lời nói dối và những chiếc mặt nạ mà họ luôn phải đeo lên mặt, cho đến khi giọt nước tràn li và phơi bày toàn bộ sự thật trần trụi của nó.
Nhân vật nữ luật sư Celeste (Nicole Kidman đóng) dường như có tất cả mọi thứ mà mọi người phụ nữ ao ước, nhưng cô lại là nạn nhân của bạo hành tình dục do chính người chồng thành đạt Perry (Alexander Skarsgård) gây ra. Trong một lần đến gặp bác sĩ trị liệu, Celeste phải thú nhận rằng, sau mỗi lần bị bạo hành, khoái cảm tình dục của của cô và chồng càng tăng lên. Và chính điều đó khiến cô trở thành một nạn nhân tự nguyện của gã chồng thích chơi trò bạo hành tình dục hết lần này đến lần khác. Chỉ qua một lời thú nhận thôi, ta hiểu sâu hơn về nội tâm của nhân vật, về cái "Bẫy ngọt ngào" mà cô ta trở thành một nạn nhân tự nguyện.
Sở dĩ tôi lấy ví dụ về Big little lies vì thấy Bẫy ngọt ngào có nhiều điểm khá tương đồng, nhưng biên kịch và đạo diễn mới chỉ dừng lại ở mức phác họa chủ đề nhạy cảm này. Điều này, một mặt cho thấy họ còn quá an toàn, nhưng mặt khác họ chưa có sự nghiên cứu sâu về chủ đề hấp dẫn này.
Minh Hằng và Bảo Anh trong phim Bẫy ngọt ngào. |
Điểm sáng duy nhất về xây dựng nhân vật và ít nhiều có thể coi là một "character study" (Nghiên cứu nhân vật - PV) của điện ảnh giải trí Việt là nhân vật Quỳnh Lam do Minh Hằng đóng.
Cho dù là một nhân vật thứ chính, nhân vật nhà thiết kế thời trang Quỳnh Lam của Minh Hằng lại chiếm điểm sáng và gần như thu hút hoàn toàn sự chú ý mỗi lần cô xuất hiện. Đó là một nhân vật luôn ở thế chủ động ở trong mọi cuộc chơi: từ trên giường cho đến trên đường (đời).
Hai nhân vật Camy của Bảo Anh và Quỳnh Lam của Minh Hằng là một cặp nhân vật nữ khá thú vị trong bộ phim này. Một hoàn toàn thụ động, một chủ động, một quá yếu ớt bạc nhược, một quá tự tin và kiêu hãnh. Các cảnh tình dục của cả hai luôn thể hiện rõ điều này. Nhân vật Camy luôn nằm ở thế bị khống chế; trong khi Quỳnh Lam luôn cầm cương mọi cuộc chơi. Quỳnh Lam chỉ duy nhất một lần rơi vào thế bị động, nhưng đó lại là sự chủ động của cô, chủ động để đưa con mồi vào bẫy.
Sự thú vị và mới mẻ trong tính cách nhân vật khiến Minh Hằng gần như lột xác với vai diễn này. Cô được giải phóng toàn bộ cơ thể với dáng đi đầy kiêu hãnh, có cảnh y như một con báo đốm chuẩn bị săn mồi. Đây là lần đầu tiên tôi thấy Minh Hằng diễn hay và diễn tốt. Điều đó một lần nữa cho thấy, nếu các biên kịch đủ sức đủ tài xây dựng một nhân vật đủ hay chắc chắn họ sẽ tìm được một diễn viên đủ giỏi. Nên tôi nghĩ đừng nên đổ tội cho diễn viên diễn dở, diễn nông. Một đạo diễn giỏi chắc chắn sẽ tạo ra được những diễn viên giỏi.
Tôi xem Bẫy ngọt ngào và có nói với đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư rằng bộ phim cho thấy cô có quá nhiều tiềm năng để trở thành một đạo diễn thời thượng và ăn khách của điện ảnh Việt. Nhưng đừng bao giờ buông tay và thỏa hiệp để trở thành một đạo diễn ăn khách kiểu hàng chợ, bởi thế nó phí lắm cho tiềm năng của cô.
Và muốn vậy, hãy thật sự nghiêm khắc từ khâu đầu tiên, nền móng vững chắc của một bộ phim hay: kịch bản, kịch bản và kịch bản.
Nhà phê bình Lê Hồng Lâm
Quốc Trường 'suýt gãy cột sống' vì cảnh nóng trong ô tô với Minh Hằng
Quốc Trường nói vui "xém chút gãy cột sống" sau cảnh nóng bạo liệt với Minh Hằng trong không gian chật hẹp của ô tô 4 chỗ.
Quốc Trường: Đóng cảnh nóng với Minh Hằng cảm xúc hơn Bảo Anh!
"Ngày xưa, tôi từng yêu đơn phương Bảo Anh. Khi tình cảm ấy qua đi, cảm xúc trong tôi dành cho cô ấy bị chai sạn và đóng băng vĩnh viễn. Nó mãi mãi không quay lại được nữa...", Quốc Trường nói.