Đôi guốc mộc nhỏ bé, mộc mạc đã có một thời gắn bó mật thiết trong đời sống của người Việt Nam. Từ già trẻ gái trai, ai ai cũng đi guốc mộc với tiếng kêu lộc cộc, lộc cộc trong nhà ngoài ngõ.

Dường như bây giờ rất hiếm người đi guốc mộc, có chăng lại là những đôi guốc cách tân và thời thượng hơn. Nhưng ai biết có thời kì, đôi guốc mộc là một phần không thể thiếu của người Việt, in dấu ấn bền bỉ suốt hàng ngàn năm trong hành trang văn hóa dân tộc.

Không thể xác định rõ nguồn gốc ra đời cũng như vị chủ nhân đã sáng tạo nên đôi guốc mộc, chỉ biết rằng đó là sản phẩm do người Việt sáng tạo từ rất xa xưa. Đôi guốc vừa dùng để bảo vệ đôi chân khỏi mưa nắng vừa là một sản phẩm mang tính thẩm mĩ cao. Nó làm tôn lên vẻ đẹp duyên dáng, nhẹ nhàng của người phụ nữ hay khẳng định phong cách, gu thẩm mĩ của người chủ nhân. Sang thì dùng những đôi guốc làm từ gỗ trầm hương, gỗ thông có sơn son thiếp vàng, có chạm khảm còn bình dân thì dùng đôi guốc gỗ xoan đơn giản.

Những mảnh gỗ xoan, gỗ mít, gỗ thông… tưởng như xù xì, thô ráp, nhưng qua bàn tay đẽo gọt của người thợ đã trở nên nhẵn và bóng bẩy lạ thường. Phải vô cùng cẩn trọng và cầu kì trong từng công đoạn thì người thợ mới có thể tạo ra một đôi guốc hoàn chỉnh.

Lộc cộc guốc mộc khắp làng trên ngõ dưới, đôi guốc đã trở thành một dấu ấn thiêng liêng khó phai nhòa trong tâm hồn người Việt Nam bao thế hệ. Tiếng lộc cộc, chậm chạp của những cụ già; tiếng guốc bước đi đĩnh đạc của những ông đồ xưa; tiếng guốc thẹn thùng, nhẹ nhàng của các chị, các cô hay tiếng guốc loẹt quẹt, rộn ràng đuổi nhau của đám trẻ nhỏ… tất cả tạo nên tiếng làng quê quen thuộc tự bao đời.

(Theo VTV)