Với những lời hứa hẹn lãi ròng gấp đôi, gấp ba số tiền đầu tư, chỉ trong một thời gian ngắn bọn chúng đã khiến bao nhà đầu tư trắng tay, bao gia đình khốn đốn...
Mở mắt là... có tiền
Có thể nói, "ăn theo" sự phát triển chóng mặt của đồng tiền điện tử Bitcoin, nhiều đối tượng lừa đảo đã rủ rê các nhà đầu tư trực tiếp hoặc gián tiếp đổ tiền vào các đồng tiền "mới" của bọn chúng để nhằm kiếm lợi nhuận. Và đã có không ít người dân tin lời chúng.
Anh Nguyễn Thanh H. (trú tại quận Long Biên, Hà Nội) kể lại cú đầu tư đắng chát mà anh vừa học được. Vốn chỉ là viên chức bình thường, anh được bố mẹ cho một mảnh đất gần 100m2. Đầu năm 2020, dịch COVID-19 bùng phát, giá đất cũng có chiều hướng tăng nên anh H. đã bán đi để lấy vốn kinh doanh. Nghe tin anh bán đất, người bạn tên Thắng đã đến rủ rê anh tham gia đầu tư vào sàn trade...
Một buổi hội thảo đầu tư tiền ảo có rất đông người tham gia. |
Thắng khoe rằng gã đã đầu tư được một thời gian, thấy rất có triển vọng. Mỗi tháng, nhà đầu tư được trả lãi từ 5-10% (tùy theo số tiền đầu tư). Hoặc nếu như không đầu tư trực tiếp thì có thể ủy thác cho người khác đầu tư giúp, lợi nhuận cũng tương đương. Cụ thể với 1.000 USD đầu tư thì sẽ nhận được 1.000 coin trong tài khoản. Mỗi tháng nhà đầu tư nhận được 50-100 coin, nếu đầu tư tiếp sẽ nhận được thêm 5-10% nữa.
Chỉ cần làm phép tính đơn giản sau khoảng 6 tháng thì số tiền lãi đã gần bằng với số tiền lúc đầu bỏ ra. "Nói chung là chỉ cần nạp tiền vào tài khoản rồi mỗi ngày tài khoản sẽ nhảy thêm %. Tóm lại cứ "mở mắt ra là có tiền" - Thắng ba hoa. Gã cũng mở tài khoản ra cho anh H. xem và đúng là thấy số tiền có tăng thêm so với ban đầu thật. Anh H. có hỏi đã rút được tiền chưa thì Thắng bảo đợi nó thành một cục sẽ rút một thể.
Vậy là anh H. liền lập lệnh chuyển hàng tỷ đồng vào tài khoản để đổi ra coin. Số tiền chảy vào tài khoản của anh H. đều đặn hằng ngày. Tuy nhiên, gần đến ngày rút được gốc và lãi thì đột nhiên tài khoản không thể truy cập được nữa. Hỏi Thắng thì anh ta lúc đầu thì bảo không biết. Sau thì không thể liên lạc được nữa.
Tương tự anh H., chị Thu tham gia Dự án Skynet 4fx. Cuối năm 2019, chị được người quen vồn vã giới thiệu tham gia Dự án Skynet 4fx, được quảng cáo là sàn ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo), blockchain với 6 hệ sinh thái gồm đầu tư, bảo hiểm, game online... Dự án cho lợi nhuận 18-28%/tháng, riêng gói đầu tư tiền ảo sẽ cho lợi nhuận 8%/ngày (tối đa 200%/tháng), nếu giới thiệu người tham gia thì được hưởng hoa hồng thêm 8% nữa. Dự án sẽ trả tiền lãi bằng token do sàn tự tạo ra. Khi hoa hồng hoặc tiền lời đủ 30 USD thì tiền sẽ tự động chuyển về ví và nhà đầu tư có thể rút ra được.
“Tin lời người bạn thân, tôi đã đầu tư hàng chục ngàn USD nhưng mới chỉ rút ra được khoảng 5 triệu đồng thì sàn bị đánh sập, liên tục báo lỗi không thể truy cập tài khoản, đồng nghĩa với việc mất sạch tiền. Khi tôi liên hệ thì người quen quay ngoắt 180 độ, chối bỏ trách nhiệm, cho rằng đầu tư là phải chịu rủi ro”, chị Thu nói mà mắt đỏ hoe.
Cũng phải ngậm trái đắng vì tham gia kinh doanh mạng, chị Hoàng Thị K. (trú tại Thanh Xuân, Hà Nội) nghe theo lời giới thiệu của người quen chị đã đầu tư gần 70 triệu đồng cho một chân rết của Công ty Modern Tech - là công ty chuyên đầu tư kinh doanh tiền ảo. Chị K. đã đầu tư 3 gói Ifan, Devor và Pincoin với hy vọng “nằm trong chăn ấm bấm điện thoại chờ tiền chảy về”. Nhưng chưa đầy 1 tháng, số tiền đã biến mất, chị chỉ nhận lại được 7 triệu đồng. Người quen của chị cũng đã khóa luôn các kênh liên lạc với nhà đầu tư.
Theo thống kê chưa đầy đủ, Công ty Modern Tech được cho đã lừa đảo khoảng 32.000 người, với số tiền huy động lên tới 15.000 tỷ đồng, thông qua hình thức đa cấp tiền ảo. Hàng nghìn nhà đầu tư đã viết đơn kiện, đi đến tận công ty để đòi lại tiền của mình, tuy nhiên công ty này đã ngưng hoạt động, đội ngũ nhân viên đã biến mất.
Những thủ đoạn tinh vi
Có thể nói, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhiều nhà đầu tư muốn tham gia vào thị trường tiền điện tử, tiền ảo với những công nghệ mới, đánh vào lòng tham khi trả lãi rất cao nhiều đường dây lừa đảo đã hình thành và tung hoành khắp nơi.
Nhiều nhà đầu tư căng băng rôn tố cáo dự án đầu tư tiền ảo iFan lừa đảo. |
Cuối năm 2020, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá một đường dây lừa đảo đầu tư tiền ảo lớn. 2 trong 3 đối tượng trong đường dây thường trú tại Hà Nội gồm Vũ Đức Đạt (SN 1985, thường trú tại Láng Hạ, quận Đống Đa), Trần Văn Thành (SN 1989, trú tại phường Cổ Nhuế, quận Bắc Từ Liêm). Đối tượng còn lại là Nguyễn Vĩnh Khiêm (SN 1985, thường trú tại xã Bảo Bình, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai).
Trước đó Cơ quan công an nhận được đơn trình báo của nhiều người dân về việc nhóm đối tượng điều hành sàn thương mại Tradenew.io có dấu hiệu lừa đảo. Rất nhiều người đã bỏ tiền thật vào để mua tiền ảo trên sàn, với hy vọng sẽ nhanh chóng trở thành "đại gia". Song họ gần như đều mất trắng.
Qua điều tra, Cơ quan công an đã làm rõ: Khoảng cuối năm 2019, Trần Văn Thành thuê Nguyễn Vĩnh Khiêm lập trình website: Tradenew.io dưới dạng là sàn giao dịch ngoại hối có sử dụng tiền ảo. Ngoài các chức năng giao diện tương tự các sàn đầu tư tài chính khác, Thành yêu cầu Khiêm lập trình thêm chức năng can thiệp và kết quả giao dịch trên sàn sao cho sàn sẽ được hưởng lợi một tỷ lệ % theo mong muốn của người quản lý (admin).
Để che giấu hành vi phạm tội của mình, các đối tượng đã thuê máy chủ dữ liệu (data sever) cho trang website: Tradenew.io tại Mỹ để hợp lý hóa nguồn gốc sàn đầu tư tài chính từ nước ngoài với các nhà đầu tư. Sau khi hoàn thành xong website: Tradenew.io, Khiêm bàn giao tài khoản admin cho Thành quản lý và sử dụng từ đầu tháng 1-2020 và đến tháng 4-2020 thì bán lại cho Vũ Đức Đạt.
Sau đó, bằng nhiều thủ đoạn, Đạt đã thu hút những người tham gia phát triển hệ thống và các bị hại đóng tiền để tham gia giao dịch trên sàn Tradenew.io. Tại đây, Đạt tìm các đầu mối F1 hay còn gọi là "Leader" cho họ hưởng các chính sách tỷ lệ % "hoa hồng" chiết khấu để họ tìm người đầu tư F2, F3, F4... Đạt và các đối tượng trong đường dây này đã quy ước sử dụng tiền điện tử USDT ($) để giao dịch trên sàn Tradenew.io.
Số tiền ảo trên sàn được Khiêm tạo ra không giới hạn, tùy theo yêu cầu của Thành và Đạt và được sử dụng để bán cho người đầu tư với giá 23.500 đồng/1 USDT và mua lại từ người đầu tư với giá 22.500 đồng/1 USDT. Để hợp thức hóa việc chiếm đoạt tài sản của các bị hại, Đạt đã sử dụng khả năng tin học của mình để can thiệp vào các tài khoản của người đầu tư trên sàn Tradenew.io làm cho những người này bị mất hết số tiền ảo trên sàn, sau đó tiếp tục dùng các thủ đoạn gian dối khác để trốn tránh trách nhiệm trả tiền cho các bị hại (hứa hoàn lại 90% vốn cho nhà đầu tư nếu xảy ra rủi ro) nhằm chiếm đoạt tài sản của họ.
Cho đến khi bị phát hiện đã có khoảng 50 bị hại ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước là nạn nhân của nhóm tội phạm công nghệ cao này đã làm đơn tố giác bọn chúng đã chiếm đoạt tổng số tiền hơn 5 tỷ đồng của họ.
Cơ quan công an còn phát hiện tổng số tài khoản user đăng ký trên sàn Tradenew.io là 3.626 tài khoản với tổng số lượng tiền ảo USDT tương đương 1.089 tỷ đồng. Cơ quan công an đã khởi tố 3 đối tượng về tội "Sử dụng mạng máy tính, viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản" đồng thời tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.
Theo một điều tra viên Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội, thủ đoạn của các đối tượng trong đường dây kêu gọi đầu tư tiền ảo thường là hứa hẹn về những khoản đầu tư siêu lợi nhuận: chỉ cần bỏ ra 1 đồng sẽ thu về tới 5 đồng và luôn lấy tốc độ tăng giá phi mã của đồng Bitcoin làm ví dụ.
Thêm vào đó các đối tượng cũng mang những thuật ngữ mới, nghe choang choang như "tiền ảo chính là tương lai của tiền tệ thế giới, nào là công nghệ blockchain, sử dụng trí tuệ nhân tạo...". Và họ đưa ra kết luận: “Tiền ảo là cơ hội để những người “đi tiên phong” kiếm lợi nhuận. Sự phát triển của đồng tiền chính là nguồn sinh lợi, không cần làm gì, tiền cũng sẽ “đổ về ầm ầm, đếm mỏi tay...".
Chỉ vì muốn mở mắt là có tiền, nhiều nhà đầu tư đã sập bẫy đa cấp tiền ảo và mất trắng. |
Những "ông trùm" tiền ảo cũng thường tự "đánh bóng" hình ảnh của mình với vẻ hệt như các doanh nhân trẻ thành đạt. Những bộ cánh bóng bẩy, phụ kiện chất ngời, xe cộ, điện thoại thuộc hàng luxury... Trên mạng xã hội cũng toàn là hình ảnh checkin sang chảnh của cá nhân, tràn ngập những status quảng cáo về hình thức đầu tư tiền ảo siêu lợi nhuận, những lời có cánh và lợi nhuận mê hoặc lòng người...
Một chiêu độc không kém là trước kia các đối tượng thường nhắm vào các "đại gia" trọc phú có tiền để rủ rê lôi kéo đầu tư vào các sàn tiền ảo, thì nay chúng đang chuyển sang nhắm vào tầng lớp trung lưu, các công chức viên chức nhà nước - đặc biệt là những người có uy tín, đang nắm các vị trí lãnh đạo. Khi có một người có uy tín tham gia là lập tức các đối tượng có thể kéo theo hàng chục hàng trăm người khác. Khi có thêm người tham gia vào "nhánh" của mình hoặc "thuyền" của mình thì sẽ được chia thêm %. Do đó cũng vì lòng tham mà người trước rủ người sau, người sau rủ người sau nữa tham gia vào đường dây đầu tư tiền ảo để "chỉ nằm trong chăn ấm bấm điện thoại cũng có tiền". Cuối cùng khi đường dây vỡ thì kẻ bỏ trốn do sợ bị quy trách nhiệm, người thì mất trắng.
Thực sự các đường dây lừa đảo đa cấp núp bóng tiền ảo thời gian qua đã khuynh đảo từ thành thị đến nông thôn, miền xuôi lên miền ngược. Cơ quan chức năng đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo song vẫn còn rất nhiều con thiêu thân...
(Theo An Ninh Thế Giới)