Một nguồn tin thân cận với hãng sản xuất máy bay riêng Dassault Falcon xác nhận có 2 doanh nhân quốc tịch Việt Nam đang sở hữu máy bay riêng do thương hiệu này sản xuất.
Nguồn tin này cho biết 2 chiếc Falcon 8X và Falcon 2000S được bàn giao về Việt Nam từ tháng 12/2018. Vị này từ chối tiết lộ giá mua máy bay, quốc tịch tàu bay đăng ký và danh tính 2 đại gia trên.
Máy bay Falcon 8X có sức chứa 14 hành khách với tầm bay gần 11.900 km. Trong khi đó, tàu bay Falcon 2000S có sức chứa 8 hành khách với tầm bay 6.200 km. Giá mỗi chiếc Falcon 8X, theo Aviationweek, khoảng 58 triệu USD còn Falcon 2000S là 30 triệu USD. Vị này còn cho biết thêm có tổng cộng 6 máy bay riêng được sở hữu bởi các doanh nhân người Việt.
Máy bay riêng, cuộc chơi "đốt tiền" của đại gia Việt |
Sở hữu máy bay riêng không còn là chuyện xa lạ ở Việt Nam. Ông Đoàn Nguyên Đức là người đầu tiên công khai chuyện mua máy bay riêng. Năm 2008, ông Đức đã bỏ 5,1 triệu USD mua chiếc máy bay hãng Beechcraft King Air 350. Thời điểm đó, bầu Đức là một trong những doanh nhân có số tài sản “khủng” nhất, là người đứng đầu trong top 100 người giàu trên sàn chứng khoán Việt.
Đường bay chủ yếu của King Air 350 là kết nối từ TP.HCM đến các dự án của Hoàng Anh Gia lai ở trong nước và các quốc gia lân cận như Lào, Campuchia, Myanmmar với tầm bay hơn 2.000 km.
Bầu Đức từng chia sẻ trên báo chí, trước khi quyết định mua, ông đã tham khảo ý kiến rất nhiều người. Bản thân ông cũng tìm hiểu rõ quy định Việt Nam để biết cái gì Luật pháp cấm, cái gì được phép làm. Ngay cả việc lựa chọn máy bay nào hạng nhỏ hay cỡ to để phục vụ yêu cầu công việc cũng được vị đại gia này tính đến.
Bầu Đức cho hay sau gần 5 năm sử dụng máy bay riêng, ông tiết kiệm được khá nhiều thời gian cho việc đi lại. Trên không cũng như đường bộ, đôi khi cảnh "tắc" đường hàng không cũng xảy ra nhưng thời gian chờ đợi trên không chỉ khoảng 5-10 phút.
Ông Đức cho rằng máy bay cũng giống như ôtô, sau 3 năm liên tục sử dụng, người ta cũng có nhu cầu sắm mới. Ông Đức cũng đang có kế hoạch đặt mua một chiếc khác thiết kế theo ý mình để thuận tiện hơn cho công việc.
Chiếc máy bay của ông Trần Đình Long - Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát |
Chủ nhân chếc máy bay riêng thứ 2 tại Việt Nam là ông Trần Đình Long - Chủ tịch HĐQT tập đoàn Hòa Phát, người lọt top 5 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt khi đó. Vị doanh nhân này đã bỏ ra hơn 17,4 tỷ đồng để sắm cho mình một chiếc máy bay phục vụ nhu cầu công việc. Đến cuối năm 2011, ông chủ Hòa Phát đã đổi chiếc máy bay 6 chỗ sang loại 12 chỗ.
Sở hữu máy bay riêng là một cuộc chơi tốn kém. Nếu các ông chủ liên tục gặp khó khăn thua lỗ thì việc nuôi máy bay chẳng khác nào đốt tiền. Chiếc chuyên cơ riêng được bầu Đức “đánh tiếng” sang nhượng từ năm 2013. Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đã ngỏ ý mua lại để sử dụng vào mục đích bay kiểm tra thiết bị thu - phát sóng trên các đường bay... nhưng sau đó, thương vụ này lại về tay Vietstar Airlines là hãng bay hoạt động trong lĩnh vực hàng không chung. Giá bán chiếc King Air350 không được tiết lộ.
Chiếc máy bay mà ông Đoàn Nguyên Đức từng sử dụng |
Thực tế, để đưa vào khai thác, ông chủ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) còn tốn thêm khoảng 2 triệu USD nộp thuế, thuê tổ lái, bảo dưỡng kỹ thuật... Mỗi tháng, Bầu Đức bỏ khoảng 300 triệu đồng cho chiếc phi cơ riêng.
Gần đây nhất, bầu Đức mua máy bay nhưng không để đi mà phục vụ nông nghiệp. Ông chi 1,3 triệu USD để mua máy bay nông nghiệp có lái đầu tiên ở Đông Dương. Chiếc máy bay đã được nhập về Việt Nam, chuẩn bị đưa đưa sang Campuchia, phục vụ trang trại của bầu Đức.
Thông tin từ nhà sản xuất cho thấy, dòng Thrush 510P có chiều dài cơ sở là 9,85m, chiều cao thân 2,84m, sải cánh 14,47m. Thể tích bình nhiên liệu là 863l, đủ để hoạt động liên tục trong 5 tiếng.
Cuối năm 2011, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát đã bán lại máy bay cho chính công ty mà ông đã mua. Sau đó, ông Long đã mua máy bay trực thăng mới thuộc dòng EC155B1.
Ông Long ký hợp đồng cho Công ty Trực thăng miền Bắc thuê lại máy bay của mình, khi nào cần sử dụng EC135Pi thì ông Long sử dụng theo giờ. Do đó, Công ty Trực thăng miền Bắc là đơn vị khai thác chiếc EC155B1. Đây là hình thức thuận lợi hoá việc sử dụng máy bay riêng ở Việt Nam vì dòng máy bay trực thăng ít thông dụng đối với hoạt động hàng không dân dụng.
Đông Sơn