Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy rằng các cử tri Mỹ vẫn còn do dự giữa hai ứng cử viên.

Chỉ còn vài ngày nữa cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra. Cho tới lúc này chưa có gì được quyết định cả, đặc biệt trong bối cảnh cuộc cải tổ nhân sự cùng các bài phát biểu chính sách quan trọng trong chiến dịch của ông Trump.

Các phương tiện truyền thông và công chúng đã tập trung vào vấn đề nhập cư, khủng bố, chính sách đối ngoại, và đặc điểm cá nhân với những rắc rối tiềm tàng của mỗi ứng cử viên, nhưng ít bàn tới chính sách kinh tế, trong khi có sự khác biệt đáng kể giữa các cương lĩnh chính sách kinh tế của hai ứng viên.

Đầu tiên, hãy xem xét vấn đề chi tiêu công. Bà Clinton ủng hộ các chi phí phúc lợi như mở rộng các phúc lợi an sinh xã hội (các khoản nợ không có nguồn chi trả của quỹ này đã vượt quá nợ quốc gia), miễn học phí tại các trường đại công lập và giảm nợ vay cho sinh viên, cũng như một “lựa chọn công” được thêm vào Luật Chăm sóc y tế giá phải chăng năm 2010 (2010 Affordable Care Act), còn được gọi là Obamacare. Bà cũng nói rằng bà sẽ ủng hộ chính sách công nghiệp năng lượng xanh tốn kém của Tổng thống Barack Obama, trong đó ưu tiên một số nguồn năng lượng, và thậm chí một số doanh nghiệp cụ thể, với thiệt  hại được đẩy sang cho các doanh nghiệp  khác.
{keywords}
Ảnh:Political

Trái lại, Trump cho biết ông sẽ giữ nguyên an sinh xã hội như hiện nay, bãi bỏ và thay thế Obamacare, và khiến cho chi tiêu chính phủ hiệu quả hơn (mặc dù ở đây ông đã không đưa ra những chi tiết cụ thể).

Về thuế, bà Clinton nói rằng bà sẽ làm cho hệ thống thuế của Mỹ mang tính lũy tiến hơn, mặc dù nó đã là hệ thống lũy tiến nhất trong số các nền kinh tế phát triển. Cụ thể, bà Clinton đã kêu gọi tăng thuế bất động sản và thuế suất cá nhân đối với những người có thu nhập cao nhất – điều cũng ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ – đồng thời đặt mức giới hạn đối với các khoản khấu trừ chi tiết. Bà hầu như không thể hiện khuynh hướng sẽ giảm các loại thuế doanh nghiệp.

Ông Trump đang đề xuất mức thuế suất thấp hơn đối với cá nhân và các doanh nghiệp Mỹ. Nước Mỹ hiện có mức thuế doanh nghiệp liên bang là 35%, cao nhất trong khối OECD. Trump đang kêu gọi giảm xuống dưới mức trung bình 15%, với các khoản đầu tư kinh doanh trong năm đầu có thể được khấu trừ toàn bộ.

Về thương mại, bà Clinton đã bất ngờ phản đối Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại đa quốc gia được đàm phán bởi chính quyền Obama và 11 quốc gia Thái Bình Dương khác. Khác với chồng mình, người đã ủng hộ và ký kết những thỏa thuận thương mại tự do trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông, bà Clinton đang nhích gần hơn sang phe những người theo chủ nghĩa bảo hộ của Đảng Dân chủ.

Lập trường thương mại của bà Clinton không có gì nhiều để ủng hộ, nhưng của ông Trump thậm chí còn tệ hơn. Trong đó, ông Trump đã đe dọa một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc và Mexico, đồng thời nói rằng ông sẽ đàm phán lại những hiệp định thương mại hiện có của Mỹ. Có thể hiểu là bà Clinton và ông Trump đang trao tiếng nói cho những người lao động ở tầng lớp trung lưu và thấp hơn, những người đã bị bỏ lại phía sau bởi toàn cầu hóa. Nhưng phản hồi chính sách tốt nhất là không nên áp dụng chủ nghĩa bảo hộ (điều sẽ khiến cho cuộc sống của nhiều người còn trở nên tồi tệ hơn), mà nên hỗ trợ tốt hơn cho những người lao động bị mất việc làm.

Cuối cùng, bà Clinton và ông Trump khác nhau trên phương diện thâm hụt ngân sách và nợ quốc gia. Việc mở rộng an sinh xã hội và các chi tiêu khác cùng những kế hoạch của bà Clinton nhằm duy trì lâu dài hệ thống chăm sóc sức khỏe Obamacare mà không kiềm chế các chi phí phúc lợi trong tương lai – vốn được dự đoán sẽ tăng vọt, cho thấy những khoản thâm hụt lớn sẽ tiếp tục tăng lên trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của bà. Điều này khác quá xa với những điều chồng bà đã làm: ông Bill Clinton đã làm việc với một Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát để cân bằng ngân sách trong những năm cuối cùng nhiệm kỳ tổng thống của mình.

Trump mới đây đã giảm bớt chi phí ngân sách trong đề xuất cắt giảm thuế của mình để đem chúng đến gần hơn với các mục tiêu của các nghị sĩ đảng Cộng hòa. Kể cả khi thu ngân sách có gia tăng nhờ tăng trưởng kinh tế, thì ông vẫn sẽ cần cân bằng lại những khoản cắt giảm thuế của mình bằng cách kiểm soát chi tiêu, đặc biệt là về các phúc lợi. Nếu không, một nhiệm kỳ tổng thống của Trump cũng có thể có những vấn đề nghiêm trọng về nợ.

Một đề xuất mà cả hai ứng cử viên đều đồng ý là chi tiêu mạnh tay cho cơ sở hạ tầng. Thật không may, trong khi phần nào điều này là hợp lý đối với chính phủ liên bang, không ứng cử viên nào đảm bảo được rằng tiền sẽ không bị chi tiêu sai lệch thông qua chính trị hóa hay chủ nghĩa thân hữu. Nước Mỹ không cần lặp lại những việc làm vô ích nhằm kích thích chi tiêu thông qua xây dựng cơ sở hạ tầng dưới thời chính quyền Obama.

Về tổng thể, bà Clinton sẽ ưu tiên phân phối lại thu nhập hơn so với tăng trưởng kinh tế, trong khi ông Trump ưu tiên hơn cho tăng trưởng. Tăng trưởng của nước Mỹ là mối quan tâm toàn cầu vì nó thúc đẩy tăng trưởng ở mọi nơi khác thông qua nhu cầu của người tiêu dùng và thương mại với Mỹ. Nhưng hai nguồn chính của tăng trưởng, tăng năng suất và đầu vào lao động (chẳng hạn như tổng số giờ công lao động), đều đã giảm đi đáng kể trong những năm gần đây. Nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng với tốc độ trung bình hàng năm là 3% trong những thập kỷ sau Thế chiến II, nhưng nó thậm chí đã không đạt được ba quý nào liên tiếp tăng trưởng ở mức 3% trong suốt thập niên qua.

Có những lý giải khác nhau cho việc tăng trưởng năng suất chậm. Nhà kinh tế Robert Gordon thuộc Đại học Northwestern chỉ ra rằng đổi mới công nghệ hiện nay góp phần nhỏ hơn vào tăng trưởng kinh tế so với những đột phá (về công nghệ) trước đây như điện, đầu máy xe lửa, hàng không, và điện toán. Nhà kinh tế Lawrence Summers thuộc Đại học Harvard đã nhắc tới “tình trạng trì trệ trường kỳ” (secular stagnation), một thuật ngữ được nhà kinh tế Alvin Hansen đưa ra vào những năm 1930 để mô tả tình trạng nhu cầu ảm đạm và thiếu cơ hội đầu tư có lợi nhuận dài hạn. Quan điểm riêng của tôi là chính sách kinh tế yếu kém đã không khuyến khích được đầu tư, kinh doanh và làm việc.

Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy rằng các cử tri còn đang do dự giữa hai ứng cử viên. Để được bầu và thực sự có quyền đưa ra chương trình nghị sự của mình, bà Clinton sẽ cần phải minh bạch và trung thực hơn về những sai lầm trong quá khứ. Đồng thời về chính sách kinh tế, bà nên trung dung hơn, hướng tới các biện pháp tập trung vào tăng trưởng, đồng thời nên xa rời lập trường thiên tả mà bà áp dụng trong chiến dịch tranh cử sơ bộ chống lại Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders. Ông Trump, về phần mình, sẽ cần phải thể hiện một chút khiêm tốn và sự bao dung, và cởi mở hơn với lời khuyên từ những người khác trong những vấn đề mà ông thiếu kinh nghiệm.

Trong khi Đảng Cộng hòa đang ở trong một cuộc chiến căng thẳng với Đảng Dân chủ để tiếp tục giữ quyền kiểm soát Thượng Viện, họ có thể vẫn sẽ duy trì được đa số trong Hạ viện. Kết quả là, trên nhiều vấn đề chính sách, mọi con mắt sẽ đổ dồn vào Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, người có khả năng sẽ đóng vai trò là một đối trọng, và đôi khi là đối tác, của bà Clinton, hoặc là một cố vấn và một đối tác thường xuyên hơn của ông Trump.

Michael J. Boskin/ Project Syndicate

Michael J. Boskin,  giáo sư kinh tế học của đại học Stanford, là thành viên cấp cao của Viện Hoover. Ông cũng là chủ tịch hội đồng cố vấn kinh tế của George H. W. Bush từ năm 1989 đến năm 1993 và đứng đầu Uỷ ban Boskin – một bộ phận tham mưu của Quốc hội giúp chỉ ra các sai sót trong dự báo lạm phát chính thức ở Mỹ.

Chuyên mục hợp tác cùng Chuyên trang Nghiên cứu Quốc tế (nghiencuuquocte.net)

Tuần Việt Nam lược trích và đặt lại tiêu đề.