- Háo hức lên thủ đô xem diễu binh từ sớm, không ngờ đi được nửa đường, xe khách quay đầu vì tắc đường, cả nhóm bị thả xuống đi bộ. Không nản, 12 bác bắt xe ôm từ Phủ Lý lên tận Hà Nội để xem diễu binh 2/9.

Tiếc ngẩn ngơ vì đến muộn

Sáng 2/9, Hà Nội đông nghẹt thở. Dòng người từ khắp các cửa ngõ đổ dồn về tuyến phố trung tâm nơi đoàn diễu binh, diễu hành đi qua.

Trong biển người ken đặc, nhiều người may mắn chen chân xem được trọn vẹn lễ diễu binh, diễu hành nhưng cũng có không ít người ngậm ngùi tiếc nuối vì đến muộn.

Ngồi bệt trước cửa đền Thê Húc, gương mặt đầy tiếc nuối, bác Nguyễn Văn Thắng (Yên Phú, Ý Yên, Nam Định) kể, nhóm của bác gồm 12 người, lọ mọ dậy bắt xe khách từ hơn 4h sáng với hy vọng 7h sẽ có mặt tại Hà Nội để tận mắt xem lễ diễu binh nhiều năm mới có một lần này.

{keywords}
Nhóm của bác Thắng thẫn thờ vì đến trễ, không kịp xem diễu binh

Tuy nhiên khi đến TP.Phủ Lý (Hà Nam), chiếc xe khách đột ngột quay đầu, thả khách vì tắc đường.

Không bắt được taxi, 12 bác quyết định bắt xe ôm từ Phủ Lý, mỗi người mất 500 nghìn đồng vượt quãng đường 60km lên Hà Nội, nhưng khi đến nơi đã 9h, màn diễu binh, diễu hành đã kết thúc.

“Tiếc quá cô ạ. Từ bé đến giờ đây là lần đầu tiên được đi xem mít tinh 2/9, vậy mà lại bị muộn giờ”, bác Thắng thở dài.

Dù vậy, nhóm bác Thắng quyết định sẽ ngồi đợi bên hồ Hoàn Kiếm đến tối để xem bắn pháo hoa, sau đó thuê nhà nghỉ ngủ lại sáng mai mới bắt xe về.

Cũng háo hức chuẩn bị từ tối hôm trước, 2 bố con anh Ngô Đức Hạnh đi tàu từ TP.Thái Nguyên xuống ga Long Biên lúc 8h sáng, nhưng khi đi bộ đến phố Tràng Tiền, 2 bố con hụt hẫng khi biết đoàn diễu binh, diễu hành đã đi qua.

{keywords}
2 bố con anh Hạnh tiếc nuối vì đến muộn

Anh Hạnh cho biết, trong lễ kỷ niệm 60 năm ngày Quốc khánh 2/9/2005, anh vinh dự có mặt trong đoàn diễu hành, đại diện cho tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam.

Sau 10 năm, trở lại trong ngày đặc biệt cùng cô con gái 12 tuổi, anh muốn nhớ lại thời khắc hân hoan của đất nước và mong muốn gieo vào lòng con niềm tự hào, khí phách hiên ngang của dân tộc.

“2 bố con đã đi chuyến sớm nhất rồi mà vẫn lỡ. Tiếc thật. 10 năm nữa tôi sẽ quay lại. Tối nay dù phải trực, nhưng có thể 2 bố con sẽ ở lại để xem pháo hoa xong rồi mới về”, vừa nói, anh Hạnh vừa mỉm cười với con gái.

Tự hào đến rơi nước mắt

Trong dòng người nối tiếp nhau xem diễu binh, diễu hành có rất nhiều cựu chiến binh, những người đã sống, chiến đấu trong mưa bom bão đạn, hơn ai hết họ thấu hiểu và cảm nhận sâu sắc nhất không khí thiêng liêng của ngày Quốc Khánh.

Để xem lễ diễu binh, diễu hành, ông Nguyễn Văn Sỹ (70 tuổi, Thọ Xuân, Thanh Hoá) đã có mặt tại Hà Nội từ cách đây 2 ngày.

{keywords}
Hình ảnh người lính che nắng cho cháu nhỏ khiến nhiều người cảm động. Ảnh: Phạm Mỹ

Ông kể, ông đã từng có 10 năm chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên, giờ nhìn thấy đoàn diễu binh đi qua, mọi cảm xúc dồn nén trỗi dậy, vỡ oà như thấy hình ảnh mình cách đây hơn 40 năm trước.

“Tôi vui lắm. Sau hơn 40 năm thống nhất, giờ mới có dịp được xem trực tiếp một lễ Quốc Khánh trang nghiêm, hoành tráng đến vậy. Cảm xúc thật khó tả”, ông Sỹ rưng rưng nói.

Giọng nói hào sảng, ông bảo nếu còn sức khoẻ, Quốc khánh 75 năm, 80 năm ông sẽ tiếp tục ra Hà Nội.

Tại ngã tư Tràng Tiền, cựu chiến binh Nguyễn Khắc Toàn (84 tuổi), ngồi lặng lẽ chờ giây phút đoàn diễu binh đi qua. Cách đây 70 năm, ông may mắn được hoà cùng dòng người có mặt tại Quảng trường Ba Đình nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập.

Cũng ở góc phố này, một người lính trẻ đứng lặng lẽ sau nhiều người, chăm chú dõi theo bước chân của đồng đội. Khi thấy một cháu nhỏ đang chịu nắng, anh đứng sau âm thầm lấy mũ của mình che cho cháu trong suốt buổi diễu binh. Một hình ảnh vô cùng đẹp về người lính thời bình.

Không chỉ có những người lính, người dân thủ đô, nhiều nông dân từ các vùng quê khác cũng náo nức về Hà Nội từ sớm để xem lễ diễu binh, diễu hành.

{keywords}
Bác Phùng Thị Đâng cùng 2 con dâu và 4 cháu ngồi nghỉ bên Hồ Gươm sau khi xem diễu binh, diễu hành

Dắt theo 4 đứa cháu và 2 cô con dâu, bác Phùng Thị Đâng (50 tuổi, Thanh Cốc, Thanh Sơn, Phú Thọ) cho biết, 6 người xuống Hà Nội từ chiều hôm qua rồi thuê nhà nghỉ ngủ lại, sáng nay 5h đã có mặt trên phố Tràng Thi để ngồi đợi đoàn diễu binh qua.

“Mọi năm chúng tôi chỉ xem qua tivi, năm nay thấy bảo hay lắm nên quyết tâm dành dụm tiền bắt xe xuống tận nơi xem. Đúng là hoành tráng thật”, bác Đâng thật thà chia sẻ.

Ngoài bác Đâng, còn có một tốp nông dân từ Sóc Sơn bắt xe bus từ 5h sáng, có bác Nguyễn Văn Bắc từ Lục Nam, Bắc Giang lọ mọ dậy từ 3h, có bác Đặng Thị Xuân từ Triệu Sơn, Thanh Hoá... Tất cả đều lần đầu đến thủ đô, lần đầu tận mắt chứng kiến lễ Quốc Khánh trang nghiêm và hào hùng đến thế.

“Đứng xem mà tôi nổi hết da gà, thấy khí thế thật hào hùng. Vừa vỗ tay vừa hát mà thấy hồi hộp, run run không tả xiết. Cảm thấy thật tự hào khi mình là người Việt Nam”, bác Bắc xúc động chia sẻ.

T.Hạnh