Những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người có diễn biến phức tạp. Phần lớn các vụ án mua bán người đều do các đường dây tội phạm thực hiện, có sự cấu kết chặt chẽ giữa đối tượng trong và ngoài nước với nhiều thủ đoạn tinh vi, nhiều nạn nhân là học sinh, sinh viên.
Huyện Bát Xát là một trong những “điểm nóng” của tệ nạn mua bán người ở tỉnh Lào Cai. Điển hình, cuối năm 2023, Đồn Biên phòng Trịnh Tường, Bộ đội Biên phòng tỉnh Lào Cai đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “Mua bán người” xảy ra tại xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát.
Quá trình điều tra xác định, đối tượng chủ mưu, cầm đầu trong đường dây mua bán người này là Tẩn Ông Cao (SN 1993), trú thôn Phìn Ngan, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát. Cao đã câu kết với Lý Láo San (SN 2000) và Lý A Hồng (SN 2003) cùng trú thôn Bản Lầu, xã Trịnh Tường lừa, đưa 5 nạn nhân để nhận tiền và lợi ích vật chất khác.
Các nạn nhân, trong đó có S.A.L, trú tại thôn Ngải Thầu Thượng, xã A Lù, huyện Bát Xát bị đánh đập trong 5 ngày; sau đó bị quay video gửi về gia đình đòi 450 triệu đồng tiền chuộc.
Thủ đoạn của các đối tượng trong đường dây rất tinh vi. Lợi dụng người lao động không biết đường đi và tính chất công việc, các đối tượng đã tổ chức đưa trái phép người lao động sang Lào và giao cho một nhóm người Trung Quốc đưa vào Đặc khu kinh tế Tam Giác Vàng tại tỉnh Bokeo/Lào. Tại đây, các nạn nhân bị ép phải ký kết hợp đồng lao động có nhiều điều khoản bất lợi cho người lao động, ép sử dụng các ứng dụng game online để tiến hành các hoạt động lừa đảo trực tuyến và tìm kiếm dụ dỗ người chơi game online thu lợi bất chính cho các ông chủ người Trung Quốc…
Để tiếp tục phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm mua bán người, huyện Bát Xát đã triển khai nhiều giải pháp, thực hiện có hiệu quả Quyết định số 193/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2015 và định hướng đến năm 2030 gắn với việc triển khai Kết luận số 13-KL/TW ngày 16/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị (Khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới và Chiến lược quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2016 - 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, huyện xác định công tác phòng, chống mua bán người là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên và lâu dài, phải thực hiện mọi nơi, mọi lúc, trên các lĩnh vực.
Huyện Bát Xát tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, các trang mạng và mạng xã hội, hệ thống thông tin cơ sở, phù hợp với các nhóm đối tượng khác nhau và đặc điểm của từng địa phương; lồng ghép các thông tin về quyền của nạn nhân, các hoạt động hỗ trợ, tư vấn, tiếp nhận thông tin dành cho nạn nhân vào các thông điệp, tin bài, chuyên mục và tài liệu truyền thông về phòng, chống mua bán người.
Tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi tại cộng đồng, đổi mới hình thức tuyên truyền phù hợp với đặc điểm của từng nhóm nạn nhân, nhóm có nguy cơ trở thành nạn nhân cũng như đặc điểm của từng địa phương. Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Toàn dân phòng, chống mua bán người 30/7 năm 2024 phù hợp với thông điệp của Liên hợp quốc và tình hình thực tiễn của các huyện, thành phố, thị xã.
Lồng ghép và truyền tải các thông điệp phòng, chống mua bán người vào các chương trình giáo dục công dân, giáo dục ngoại khóa của các cấp học trên địa bàn huyện. Xây dựng, nhân rộng các mô hình truyền thông tại cộng đồng hoạt động có hiệu quả; tổ chức thu thập, nắm bắt kịp thời thông tin, dấu hiệu có liên quan đến mua bán người tại cộng đồng dân cư.
Huyện cũng chú trọng đổi mới phương thức truyền thông, thiết lập những phiên tòa giả định tại các trường học, để người dân, học sinh tiếp cận pháp luật và hiểu rõ hơn về tệ nạn mua, bán người. Các phiên tòa giả định có kịch bản dựa trên những vụ án có thật được dựng lại đúng quy trình tố tụng một vụ án hình sự đã thu hút đông đảo người dân tham dự.
Phòng ngừa tội phạm mua bán người từ sớm, từ xa, từ cơ sở, huyện Bát Xát phát huy vai trò của lực lượng Công an xã, phường, thị trấn, phối hợp các tổ chức chính trị - xã hội ở địa bàn cơ sở để tuyên truyền đến mỗi người dân về phòng, chống mua bán người. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh phong trào Toàn dân tham gia phòng, chống mua bán người, gắn với bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và các chính sách phát triển kinh tế - xã hội.
Tập trung phát triển kinh tế, xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giải quyết vấn đề an sinh xã hội an dân như hỗ trợ việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo... không để các nhóm yếu thế trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán. Xây dựng mô hình hỗ trợ sinh kế cho nạn nhân bị mua bán trở về giúp họ hoà nhập cộng đồng bền vững và tránh bị mua bán trở lại. Tổ chức đánh giá thực trạng hệ thống dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về và đề xuất giải pháp nhằm củng cố, phát triển, đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân.
Huyện Bát Xát cũng thực hiện công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới, tổ chức đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, xử lý nghiêm các sai phạm. Nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác tiếp nhận, xác minh, xác định, giải cứu và hỗ trợ ban đầu cho nạn nhân. Thực hiện các biện pháp bảo vệ nạn nhân, người chưa thành niên đi cùng nạn nhân, người thân thích của họ trong quá trình xác minh, tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân và giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
Quỳnh Nga