Theo báo Tiền phong
Bạn có góc nhìn nào về vấn đề này. Các bài viết sâu gửi về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Xin cảm ơn!
Khai giá thấp để tính thuế thấp
Theo điều tra của Tiền Phong, các mẫu xe mà DN Việt được các đối tác nước ngoài biếu tặng mấy năm qua chủ yếu từ các thị trường Trung Đông, Mỹ, Nhật, Anh, Áo. Trong đó, mẫu xe được biếu, tặng nhiều nhất là Mercedes Benz AMG G63, Lexus (LX570, RX350, LM300h), Land Rover Range Rover, Ford F150, Toyota (Highlander, Sienna).
Đẳng cấp nhất phải kể đến những DN được tặng Rolls-Royce, giá bán tại Việt Nam cỡ vài chục tỷ đồng tùy loại; Ferrari 488 giá khoảng 30 tỷ đồng; McLaren 720S và Lamborghini Urus, giá 23 tỷ đồng; Bentley V8 từ 18-21 tỷ đồng; Mercedes-Benz Maybach GLS600 giá 11,5 tỷ đồng.
Trở lại chiếc xe Mercedes Benz GLS450 4Matic, sản xuất năm 2021 được Vũ Trọng rao bán tại Sơn Tín Luxurycars, Cục Hải quan Hà Nam Ninh cấp phép cho Cty TNHH Quyết Thắng Hà Nam nhập khẩu (NK) từ Mỹ. Qua tìm hiểu, nhóm PV nhận thấy, để được thông quan, chiếc xe này khai báo trị giá NK 60.885USD (khoảng 1,4 tỷ đồng), đóng 50% thuế xuất nhập khẩu (thuế XNK, khoảng 714 triệu đồng) + 60% thuế tiêu thụ đặc biệt (thuế TTĐB, 1,2 tỷ đồng) + 10% thuế VAT (334 triệu đồng). Tổng giá trị xe sau thuế khoảng 3,7 tỷ đồng.
Cuối năm 2021, liên hệ với showroom Sơn Tín Luxurycars, chúng tôi được đại lý này báo xe Mercedes trên có giá bán 6,5 tỷ đồng. “Đây là mẫu xe đắt khách nhất hiện nay của cửa hàng. Anh dùng xe này, giới sành xe thấy đẳng cấp ngay vì đây là loại xe 5 chỗ, chỉ nhập khẩu chính hãng từ Mỹ”, nhân viên Sơn Tín Luxurycars giới thiệu.
Năm 2021, khoảng 100 xe có giá trị khai báo thấp, được Hải quan đưa vào diện nghi vấn, phải điều chỉnh lại. Tổng cục Hải quan đã yêu cầu các cục Hải quan rà soát và báo cáo trước ngày 28/2/2022. Được biết, Tổng cục Hải quan vừa nhận được một số văn bản phản hồi.
Các đại gia Việt rất ưa chuộng mẫu xe Mercedes - Benz AMG G63. Giữa năm 2021, Cty Cổ phần HC Auto được cấp phép NK chiếc Mercedes-Benz AMG G63, loại 5 chỗ, chưa qua sử dụng. Doanh nghiệp này làm thủ tục thông quan tại cảng Gia Thụy (Long Biên, Hà Nội) với giá khai báo 108.000USD (khoảng 2,5 tỷ đồng). Để thông quan, xe này phải đóng khoảng 1,2 tỷ đồng thuế XNK; 3,2 tỷ đồng thuế TTĐB và 689 triệu đồng thuế VAT. Tổng giá trị sau thuế 7,52 tỷ đồng. Khi đến HC Auto hỏi mua, nhân viên tại đây cho chúng tôi biết chiếc xe đang được bán giá 13-14 tỷ đồng.
Chiếc Mercedes G63 được cấp phép nhập khẩu diện biếu tặng đem về bán ở showroom HC Auto. Nguồn: facebook Nguyen Viet Anh (HC Auto) |
“G63 tăng giá từng tháng vì nhu cầu rất lớn. Mấy tháng nay, đơn vị cấp giấy phép đòi chi nhiều hơn nên đại lý buộc phải đẩy giá lên”, một nhân viên HC Auto tiết lộ.
Đáng chú ý, việc được cấp “thẻ bài” NK theo diện quà biếu tặng dẫn tới các DN có xu hướng khai giá xe thấp hơn giá xuất xưởng từ vài trăm đến cả chục nghìn đô (USD) để tính thuế thấp. Như chiếc Mercedes-Benz AMG G63 trên, theo tài liệu Tiền Phong có được, ban đầu HC Auto khai giá chỉ 45.000USD (khoảng hơn 1 tỷ đồng) thấp hơn nhiều so với con số 108.000USD, nhưng sau đó bị hải quan đưa vào diện nghi vấn, yêu cầu xác định lại và phải nâng lên so với mặt bằng chung.
Lạ thay, cũng mẫu G63, có DN khai thấp 1/2 giá gốc vẫn được hải quan “châm chước”. Điển hình, năm 2020, Chi cục Hải quan Cảng Sài Gòn Khu vực I (Cục Hải quan TPHCM) chấp nhận giá khai báo loại xe này chỉ 30.000USD (690 triệu đồng). Xe do đối tác SD Design tặng Cty TNHH Sblockchain BIFV (xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội).
Giới buôn xe sang khoe thành tích là những đống tiền. Nguồn: facebook Nguyen Viet Anh (HC Auto) |
Dấu hiệu trốn thuế
Không chỉ hưởng lợi lớn từ việc bán chênh (gần gấp đôi so với giá thông quan) và khai báo giá thấp để giảm đóng thuế hải quan, qua những tài liệu thu thập được, nhóm PV còn tận thấy nhiều chiêu trò lách luật của các DN, cá nhân kinh doanh ô tô biếu tặng.
Đa số những DN đứng tên NK ô tô biếu tặng đều mới thành lập và hoạt động chỉ trong vòng vài tháng. Sau khi nhập ô tô về, các DN này ngay lập tức “trao tay” cho các đại lý ô tô, dẫn tới cơ quan thuế khó thu được thuế thu nhập DN, hay thuế thu nhập bất thường đối với món hàng giá trị bạc tỷ này (khi DN thực hiện chuyển nhượng).
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Văn Hải, Trưởng phòng Thanh tra, Cục Thuế tỉnh Ninh Bình cho biết, qua rà soát, từ năm 2020 đến tháng 3/2022, trên địa bàn có 81 DN được nhận ô tô biếu tặng, tổng số 86 xe (có DN 2 năm liên tiếp được tặng). Trong số này, có 45 xe đã xuất bán (bao gồm 15 xe của các DN đã bỏ địa chỉ kinh doanh) với số thuế phải kê khai, nộp ngân sách nhà nước khoảng 7,6 tỷ đồng (gồm thuế VAT, TTĐB, TNDN, lệ phí trước bạ), song hiện mới nộp được 4,8 tỷ đồng. Đối với 15 DN bỏ địa chỉ kinh doanh và biến mất bí ẩn, ông Hải cho biết Cục Thuế Ninh Bình đã gửi hồ sơ sang công an để phối hợp truy tìm, xử lý.
Trong khi đó, trả lời PV Tiền Phong, đại diện Cục Thuế Hà Nam cho hay, từ năm 2019 đến tháng 2/2022, nhận được tổng số 85 công văn của Cục Hải quan Hà Nam Ninh về việc thông báo cấp giấy phép NK ô tô trên địa bàn tỉnh. Số xe cấp phép NK theo thông báo là 190 chiếc. Các xe đã xuất bán kê khai thuế VAT, TTĐB là 104 chiếc. Từ năm 2019 đến tháng 2/2022, Cục Thuế Hà Nam thu được hơn 9,2 tỷ đồng tiền thuế từ mặt hàng này (trong đó thuế TNDN 121 triệu đồng, thuế GTGT 1,1 tỷ đồng, thuế TTĐB 7,4 tỷ đồng, các loại thuế khác khoảng 529 triệu đồng).
Theo Cục Thuế Hà Nam, trong quá trình giám sát phối hợp thu thuế, đơn vị phát hiện người đại diện theo pháp luật/giám đốc điều hành của các DN không phải người trên địa bàn, họ thường ủy quyền cho một cá nhân làm việc cho nhiều DN. Ngoài ra, có hiện tượng các DN được thành lập nhưng không hoạt động sản xuất kinh doanh, chủ yếu chờ NK ô tô, xe máy dưới dạng biếu tặng. Sau đó, những đơn vị này chuyển nhượng (không ghi nhận tài sản cố định), rồi bỏ địa chỉ kinh doanh. Để trốn tránh việc quản lý, kiểm soát của cơ quan thuế, một số DN sau khi NK xe về đã đề nghị chuyển cơ quan thuế quản lý từ tỉnh này sang tỉnh khác, tránh việc theo dõi giám sát.