Viện lý do văn bản đề nghị của mình gửi Thủ tướng chưa được xem xét lại bị chuyển cho Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đơn vị có chuyên môn thẩm định, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển nhà Gia Bảo (Hà Nội) đã có bút phê "Buồn cười quá" gửi Thủ tướng.

Cụ thể, ngày 22/8, Công ty Gia Bảo đã gửi kiến nghị lần 3, xin đứng ra "thay chân, thế chỗ" Tổng Công ty Đường sắt để làm chủ đầu tư dự án đường sắt đô thị số 1 Ngọc Hồi - Yên Viên.

Lý do mà ông Nguyễn Bá Long, Phó Tổng giám đốc của Gia Bảo cho rằng việc chuyển đề xuất của ông đến Thủ tướng sang Bộ GTVT là "buồn cười quá" vì: Bộ GTVT đang thực hiện quá chậm, nay Văn phòng Chính phủ lại chuyển đề nghị của Công ty Gia Bảo về Bộ GTVT xem xét xử lý là không phải cải cách thủ tục như Thủ tướng nói và làm.

{keywords}

Phối cảnh cầu đường sắt đô thị bắc qua sông Hồng song song với cầu Long Biên.

Công ty này cũng viện lý do là Bộ GTVT là chủ đầu tư dự án, Tổng Công ty Đường sắt là đơn vị đứng ra triển khai dự án trên đã để xảy ra vụ hối lộ. Sau sự cố hối lộ xảy ra, được biết từ năm 2014 dự án bị đình trệ chưa có thời hạn hoàn thành.

Trong đơn kiến nghị lần 3, Công ty Gia Bảo xin đề nghị Thủ tướng giao cho mình làm chủ đầu tư thực hiện dự án đường sắt trên cao số 1 theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) và vạch rõ kế hoạch khá bài bản hoàn thành dự án: Từ tháng 10/2017 đến tháng 3/2018 sẽ xây dựng nhà ga Ngọc Hồi và ga Yên Viên. Từ năm 2019 đến hết tháng 4/2020, xây dựng cầu Long Biên 2; đưa 40 xe bus chạy ga miễn phí qua các nhà ga nói trên. Hết tháng 8 năm 2020, xây dựng xong cầu Long Biên 2 và đến tháng 10/2020 lắp đặt xong tàu điện, chạy chính thức...

Tuy nhiên, trong văn bản gửi Thủ tướng ông Nguyễn Bá Long và Công ty Gia Bảo không đưa ra bất kỳ kinh nghiệm cũng như dự án nào liên quan đến đường sắt hoặc tham gia xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng giao thông nào để chứng minh năng lực.

Công ty này chỉ đưa lý do: "Với mục tiêu duy nhất là vì Đất nước, kính đề nghị Thủ tướng giao cho Công ty Gia Bảo làm chủ đầu tư thực hiện dự án đường sắt trên cao tuyến số 1 nói trên theo hợp đồng BT với phía Nhật Bản".

Trả lời báo giới về văn bản có bút phê "buồn cười quá" liên quan đến thủ tục hành chính của Văn phòng Chính phủ, mới đây Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết: Văn phòng Chính phủ phải chuyển cho bộ ngành chuyên môn giải quyết chứ xử lý trực tiếp sao được.

Về trách nhiệm trả lời, trao đổi với báo chí, Bộ trưởng Dũng hứa: Ngày 24/8, ông sẽ xem và trả lời văn bản của Công ty Gia Bảo có bút phê "Buồn cười quá" gửi Thủ tướng.

Trên thực tế, Gia Bảo cũng như nhiều công ty khác đều được tham gia là nhà đầu tư, tham gia dự thầu khi có tổ chức đấu thầu. Việc Công ty Gia Bảo gửi kiến nghị lên Thủ tướng chấp thuận cho làm chủ đầu tư, Thủ tướng hoặc Văn phòng Chính phủ theo nguyên tắc Thủ tướng và Chính phủ phải chuyển xin ý kiến của Bộ chuyên ngành hoặc các bộ ngành liên quan mới có kết luận cuối cùng.

Về nguyên tắc đấu thầu dự án lớn, các DN, nhà đầu tư tham gia phải chứng minh được năng lực thực hiện dự án gồm năng lực tài chính, chuyên môn, hoạt động trong ngành hoặc lĩnh vực liên quan trực tiếp.

Tuy nhiên, theo thông tin của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nôi, Công ty Gia Bảo là công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng nhà, chủ yếu là xây dựng lại các khu tập thể cũ tại Hà Nội. Công ty này cũng mới thành lập năm 2000 và có vốn điều lệ 120 tỷ đồng.

Dự án đường sắt Ngọc Hồi - Yên Viên (dài khoảng 36km) dự kiến hoàn thành vào năm 2020, đi qua nhiều tuyến phố, nơi có đông dân cư tại phố cổ thuộc quận Hoàn Kiếm nên phải gánh chi phí giải phóng mặt bằng lớn.

Dự án ban đầu được triển khai 2 giai đoạn, giai đoạn 1 tổng mức đầu tư khoảng 19.460 tỷ đồng từ vốn ODA của Nhật Bản, dự kiến 2017 sẽ hoàn thành. Tuy nhiên, do vụ hối lộ của nhà thầu Nhật đối với quan chức ngành đường sắt năm 2010 đã khiến toàn bộ dự án bị dừng vô thời hạn.

Theo Dân Trí