Kết thúc mùa thu hoạch, nữ doanh nhân 9X Nguyễn Ngọc Huyền - Chủ tịch HĐQT Mia Group chia sẻ, tín hiệu từ thị trường ngày càng tốt hơn. Năm nay, lượng mận hậu Ruby xuất khẩu cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Theo đó, mận không chỉ xuất khẩu sang các thị trường cũ như Singapore, Malaysia, Campuchia mà còn mở cửa thành công thị trường Hong Kong sau một thời gian thăm dò phản ứng người tiêu dùng.

Bà Huyền nhận định, Hong Kong là thị trường khá tiềm năng vì người tiêu dùng rất ưa chuộng loại hoa quả này. Đáng chú ý, 1kg mận hậu Ruby xuất khẩu có giá dao động từ 370.000-390.000 đồng tùy thị trường, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Mức này cũng cao gần gấp đôi giá bán tại thị trường nội địa.

Chia sẻ về hành trình xây dựng vùng trồng và thương hiệu mận hậu Ruby, bà Huyền nhớ lại, năm 2020, dịch Covid-19 bùng phát cũng là bước ngoặt với doanh nghiệp và bản thân bà. Không ra nước ngoài tìm kiếm được nguồn hàng mới, bà đến các vùng cây ăn trái ở nước ta để tìm hiểu kỹ hơn và quyết định liên kết sản xuất trái cây chất lượng cao phục vụ bán lẻ tại thị trường nội địa và xuất khẩu.

man hau ruby.jpg
Thương hiệu mận Ruby Sơn La được khách hàng trong nước và quốc tế đón nhận.

Thời điểm ấy đúng vào mùa mận ở Sơn La nên bà quyết định bắt đầu từ trái mận hậu. Những vườn mận cổ ở thung lũng Nà Ka (Mộc Châu, Sơn La) - nơi được ví như "thiên đường mận hậu" – được bà chọn làm vùng liên kết sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm. 

Lần đầu lên Sơn La, bà đem theo các clip về quy trình chăm sóc trái cây của Nhật Bản để thuyết phục lãnh đạo tỉnh, huyện hướng dẫn người dân làm theo. Trong đó, bà cùng nhân viên của công ty mình chỉ rõ cho nhà vườn cách hạ tán, tỉa cành đón được nguồn ánh sáng tốt nhất cho cây; chỉ cách tỉa bớt quả trên cành để trái phát triển cực đại; hướng dẫn sử dụng phương thức tưới nước tự động, bón phân và chăm sóc theo hướng hữu cơ…

Đúng một năm sau, dịch bùng phát tại TP.HCM, bà bị kẹt ở Hà Nội và vô cùng bất ngờ khi nhận được những trái mận nhà vườn gửi cho mình ăn thử. Quả mận to, ăn không hề chát, ngọt thơm hơn cả mận Mỹ và Úc.

Nông dân trồng được trái mận rất thơm ngon, còn doanh nghiệp sẽ làm tiếp các công đoạn xây dựng thương hiệu “Mận hậu Ruby” cho Sơn La và thương mại hoá sản phẩm. Mận đưa ra thị trường nội địa bán được giá 130.000-230.000 đồng/kg, xuất khẩu sang một số nước với giá 370.000 đồng/kg. Thu nhập của nhà vườn ngay lập tức tăng gấp 5-6 lần so với trước đây. 

Hai năm trở lại đây, thương hiệu Mận hậu Ruby tạo hiệu ứng đáng kinh ngạc. Giá mặt bằng mận hậu trên thị trường tăng vọt.

Theo bà Huyền, dù giá đắt đỏ nhưng mận Ruby được thị trường đón nhận. Bởi, chúng được trồng và chăm sóc theo những tiêu chuẩn vô cùng khắt khe. Khi thu hoạch, từng quả mận được tuyển chọn kỹ lưỡng từ hình dáng, kích thước, độ chín… Sau đó, mận được đóng gói đưa về Hà Nội. Từ đây, hàng sẽ gửi về các điểm bán ngay trong ngày bằng đường hàng không để đảm bảo độ tươi ngon.

“Thương hiệu mận hậu Ruby là tiền đề để người tiêu dùng Việt tin tưởng vào trái cây nội địa có thể đạt đẳng cấp như trái cây nhập khẩu. Từ mận hậu, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm trái cây khác của Việt Nam”, bà Huyền chia sẻ.

Năm nay, mận hậu Ruby Sơn La có mặt trên các chuyến bay của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines.

Ông Nguyễn Thành Công, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho rằng, thành công trong xây dựng thương hiệu mận hậu Ruby là động lực để địa phương quyết định các chính sách hỗ trợ nông dân chuyển hướng canh tác, đầu tư sâu vào chăm sóc, hỗ trợ nông dân sản xuất hữu cơ và tạo dựng thương hiệu sản phẩm.  

Ở Sơn La, mận hậu Ruby là sản phẩm đại diện thương hiệu cho nông sản của tỉnh. Loại quả đặc sản này được canh tác bài bản, diện tích ngày càng tăng nhưng được kiểm soát chặt theo đúng quy trình và tiêu chuẩn. Do đó, mận hậu Ruby được xếp vào phân khúc trái cây cao cấp tại thị trường nội địa, mang lại mức lợi nhuận cao cho nông dân.

Cụ thể, 1ha mận canh tác theo kiểu truyền thống doanh thu chỉ đạt 300 triệu đồng, nhưng trồng mận chất lượng cao có thương hiệu, nông dân thu được 500-600 triệu đồng.

Tỉnh Sơn La đang hỗ trợ ngân sách đầu tư trồng 300 ha mận chất lượng cao tập trung ở thung lũng Nà Ka, tiêu chuẩn 16 quả/kg. Từ mô hình này, Sơn La sẽ tiếp tục hoàn thiện, điều chỉnh quy trình kỹ thuật để chuyển giao cho nông dân.

Quyết Thắng và nhóm PV, BTV