Cục An ninh điều tra Bộ Công an (A09) vừa khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 người trong đó có Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Trần Duy Đông bị bắt về tội nhận hối lộ.
Đây là kết quả của việc mở rộng điều tra vụ án xảy ra tại Công ty TNHH thương mại vận tải và du lịch Xuyên Việt Oil và một số cơ quan, tổ chức liên quan.
Công ty Xuyên Việt Oil được cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu lần đầu vào ngày 22/8/2016. Công ty này được cấp lại Giấy phép kinh doanh xuất khẩu nhập khẩu xăng dầu vào ngày 19/11/2021.
Trong khi đó, ông Trần Duy Đông được giao phụ trách Vụ Thị trường trong nước từ tháng 8/2017.
Vụ Thị trường trong nước là cơ quan tham mưu, giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về thương mại và thị trường trong nước, trong đó có lĩnh vực xăng dầu. Năm 2021, khi Xuyên Việt Oil được cấp lại giấy phép đầu mối xăng dầu, ông Đông đang là Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước.
Tháng 9/2023, hai lãnh đạo Xuyên Việt Oil là bà Mai Thị Hồng Hạnh (SN 1979), Giám đốc và thuộc cấp Nguyễn Thị Như Phương (SN 1992) bị bắt, báo chí đã đặt nhiều câu hỏi về việc cấp phép cho doanh nghiệp này là sai quy định.
Thời điểm đó, ông Đỗ Thắng Hải vẫn là Thứ trưởng Công Thương phụ trách xăng dầu, còn ông Trần Duy Đông vừa rời Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước để sang làm Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu.
Văn bản phản hồi báo chí được các lãnh đạo này duyệt gửi đi đều khẳng định: Khi được Bộ Công Thương cấp phép, công ty có đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 83/2014/ND-CP. Theo đó, về đại lý xăng dầu (theo quy định, doanh nghiệp cần có 40 đại lý), Công ty Xuyên Việt Oil có 49 đại lý bao gồm 17 đại lý do Công ty mẹ Xuyên Việt Oil trực tiếp ký hợp đồng đại lý và 32 đại lý thuộc Công ty con của Công ty Xuyên Việt Oil (là Công ty Đại Đồng Xuân).
Giải thích cho việc Xuyên Việt Oil sau này không duy trì được số lượng đại lý theo quy định, văn bản phản hồi nói rằng: Trong quá trình kinh doanh, các doanh nghiệp thường có sự thay đổi về hệ thống phân phối và đối với Công ty Xuyên Việt Oil, trong năm 2022, cũng như nhiều doanh nghiệp xăng dầu khác, công ty gặp khó khăn, nhất là sau khi bị tước Giấy phép kinh doanh xuất khẩu nhập khẩu xăng dầu tạm thời 1,5 tháng (theo kết luận của Đoàn Thanh tra của Bộ Công Thương), các đại lý của Công ty Xuyên Việt Oil đã phải chuyển sang ký hợp đồng và lấy hàng của các công ty khác để bảo đảm duy trì hoạt động kinh doanh của đại lý.
"Việc không duy trì đủ hệ thống đại lý là do các yếu tố khách quan hoặc chủ quan sau này trong quá trình hoạt động của công ty", văn bản phản hồi báo chí cho biết và bày tỏ thêm "báo chí viết sai sự thật".
Trong khi trước đó, kết luận thanh tra của Bộ Công Thương đã chỉ thẳng chiêu "lách luật" của Xuyên Việt Oil. Đó là để đủ điều kiện về hệ thống phân phối, có 37 đại lý bán lẻ của Công ty CP Đại Đồng Xuân được Công ty Xuyên Việt Oil kê khai thuộc hệ thống của mình thông qua cơ chế công ty mẹ - con. Cụ thể, Xuyên Việt Oil có góp vốn trên 50% vào Công ty Đại Đồng Xuân.
Thế nhưng, điều đáng nói là, cũng chính trong ngày Bộ Công Thương cấp giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu, Công ty Xuyên Việt Oil và Công ty CP Đại Đồng Xuân đã ký kết văn bản huỷ bỏ hợp đồng chuyển nhượng cổ phần và tại thời điểm huỷ bỏ, “hai bên chưa thực hiện bất cứ quyền và nghĩa vụ nào của hợp đồng đã ký kết”.
Kết luận với Xuyên Việt Oil, đoàn thanh tra của Bộ Công Thương kiến nghị giao Vụ Thị trường trong nước chấn chỉnh kịp thời những sai sót trong công tác thẩm định, cấp giấy phép kinh doanh xăng dầu và kiểm tra, giám sát việc duy trì điều kiện kinh doanh xăng dầu.
Tại thời điểm thanh tra, ông Đông vẫn đang là Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước.
Kết thúc quá trình thanh tra, Bộ Công Thương ghi nhận tại thời điểm kiểm tra Công ty Xuyên Việt Oil có 10 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trực thuộc và 18 đại lý bán lẻ xăng dầu. Công ty Xuyên Việt Oil đã bị xử lý vi phạm hành chính và bị tước Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu với thời gian 1,5 tháng đối với hành vi vi phạm quy định về không duy trì, đáp ứng đủ số lượng đại lý bán lẻ xăng dầu theo quy định nêu trên.
Năm 2023, Bộ Công Thương thực hiện việc kiểm tra chấp hành các quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu đối với Công ty Xuyên Việt Oil. Tại thời điểm kiểm tra, Bộ Công Thương ghi nhận Công ty Xuyên Việt Oil có 10 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Tuy nhiên, có 3 cửa hàng tại thời điểm kiểm tra có Giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu đã hết hiệu lực và có 20 hợp đồng đại lý bán lẻ xăng dầu ký kết với các đại lý bán lẻ xăng đầu đang còn hiệu lực.
Trên cơ sở Công ty Xuyên Việt Oil tiếp tục không duy trì, đáp ứng điều kiện đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, ngày 11/8/2023, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 2081/QĐ-BCT thu hồi Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của Công ty Xuyên Việt Oil.
Việc ông Trần Duy Đông vừa bị cơ quan an ninh điều tra bắt về tội "nhận hối lộ" đã kéo dài danh sách cán bộ bị "sức mạnh kim tiền" của Xuyên Việt Oil hạ gục. Trước đó, ngày 21/12/2023, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương để điều tra về tội Nhận hối lộ. Hồi giữa tháng 12/2023, Cơ quan An ninh điều tra cũng khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Lê Đức Thọ, Bí thư tỉnh ủy Bến Tre để điều tra về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi. Liên quan vụ án này, ngày 19/12/2023, ông Lê Duy Minh, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM (nguyên Cục trưởng Cục Thuế TP.HCM) cũng bị bắt về tội Nhận hối lộ. Tháng 3/2024, cơ quan điều tra cũng khởi tố thêm 4 người để điều tra hành vi đưa, nhận hối lộ. Cụ thể, cơ quan điều tra đã bắt tạm giam bị can Vũ Trung Thành (Giám đốc Vietinbank Chi nhánh Thanh Xuân); Nguyễn Văn Thắng (Phó Giám đốc Công ty Xuyên Việt Oil Chi nhánh Hà Nội); Đồng Xuân Dũng (lao động tự do) để điều tra về tội "Đưa hối lộ". |