Trong quân sự, thuỷ phi cơ được xếp hàng đầu về tìm kiếm cứu nạn thuỷ thủ trên các vùng biển; Chuyên chở thuốc, dụng cụ y tế và nhân viên cứu nạn đến các khu vực bị nạn, bị thiên tai và khu vực chiến sự trên đại dương; Vận tải hàng hoá, vũ khí trang bị và binh sĩ trong các vùng ven biển.
Chỉ riêng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đã có hơn 25.000 hòn đảo, trong đó rất nhiều đảo không có đường băng cất, hạ cánh cho máy bay. Đây là khu vực có thể sử dụng thuỷ phi cơ với mức tiêu hao nhiên liệu và đầu tư cho cơ sở hạ tầng thấp nhất.
Ảnh minh họa: Wikipedia |
Đối với hải quân, thuỷ phi cơ có vai trò đặc biệt trong nhiệm vụ chống ngầm. Nhờ khả năng vừa bay trên không vừa nổi trên mặt nước, mà hiệu quả tác chiến và hiệu quả kinh tế của nó cao hơn máy bay chống ngầm trên đất liền và trực thăng chống ngầm trên hạm tàu.
Khi thực hiện nhiệm vụ dài ngày trên biển, thuỷ phi cơ tiêu hao ít nhiên liệu và không cần thả các phao thuỷ âm. Ngoài ra, thuỷ phi cơ còn có khả năng sống sót cao trong hoạt động chiến đấu: khi đối phương đánh những đòn tập kích vào các hành lang vùng nước cất hạ cánh thì thuỷ phi cơ ít bị nguy cơ sát thương nhất.
Hiện nay, các loại thuỷ phi cơ có tính năng tiên tiến đang được các nước Nga, Mỹ, Anh, Hàn Quốc, Malaysia, Thái Lan... quan tâm phát triển, mua sắm.
Thuỷ phi lớn nhất thế giới
Theo báo chí nước ngoài, mới đây, Bộ Quốc phòng Nga đã lên kế hoạch đặt mua 3 chiếc A-40 Albatrosss (Hải âu) vốn được thiết kế vào cuối những năm 1980 với mục đích chống tàu ngầm nhưng không được đưa vào sản xuất hàng loạt, đến năm 2018 được tái khởi động nghiên cứu, phát triển.
A-40 là loại thuỷ phi cơ lớn nhất thế giới hiện nay, với phi hành đoàn lên đến 8 người. Được đặt theo tên loài chim biển lớn nhất, A-40 dài 43,84m, sải cánh 41,62m, trọng lượng cất cánh tối đa gần 90 tấn, được chế tạo chủ yếu bằng hợp kim nhôm.
A-40 Albatrosss. Ảnh: Wikipedia |
Hình dáng tối ưu của A-40 (độ dài lớn, độ cao nhỏ, cánh dài...) đảm bảo cho nó có tính năng khí động học cao (Kkr=17 trên chế độ bay tuần tiễu). Cánh được cơ giới hoá cao độ; có cánh trước, cánh sau và cánh điều khiển, thiết bị càng và hộp điều tốc... nên khi cất, hạ cánh nó có hệ số giá trị lực rất cao.
Thuỷ phi cơ A-40 được trang bị hệ thống tiếp liệu trên không và hai động cơ TRDD-36-35A FB (2 x 2.900 mã lực), cho phép tốc độ tối đa đạt 800 km/h, trần bay thực tế 9.700m, thời gian bay liên tục 12 giờ, tầm hoạt động 9.300km.
Khả năng đi biển của A-40 được tối ưu hóa nhờ sử dụng loại giá đỡ khí động học chao lắc tĩnh, cho phép hoạt động cả khi sóng biển cao đến 2m.
Thuỷ phi cơ A-40 có thể giải quyết các nhiệm vụ chiến thuật chủ yếu: Tìm kiếm và tiêu diệt các tàu ngầm của đối phương trong khu vực đã định xa đến 2.000km; Tìm kiếm và tiêu diệt tàu ngầm theo chỉ dẫn từ sở chỉ huy hạm đội và các tàu mặt nước; Bám sát các tàu ngầm đã bị phát hiện.
A-40 còn tham gia giải quyết hai nhiệm vụ chiến lược của hải quân là ngăn chặn hoặc làm suy yếu đòn đánh tên lửa hạt nhân của tàu ngầm đối phương, và đảm bảo triển khai, sử dụng chiến đấu các lực lượng chống ngầm của hải quân.
Ngoài ra, thuỷ phi cơ A-40 còn tham gia: Thả các chướng ngại mìn và thiết bị chống radar thuỷ âm hoạt động; Tìm kiếm, cấp cứu phi công và thuỷ thủ tàu bị nạn; Trinh sát trên đường đi bằng các phương tiện trinh sát ngoài mạn khi chưa được thông báo kết quả của lực lượng trinh sát; Tiêu diệt các tàu mặt nước có hệ thống phòng không yếu, cùng một số nhiệm vụ khác mà máy bay trên đất liền không thể thực hiện được.
Thực hiện những nhiệm vụ nói trên, thuỷ phi cơ A-40 có thể hiệp đồng với các lực lượng không quân chống nghầm, tàu mặt nước chống ngầm và tàu ngầm, dẫn các lực lượng trên tiến công các tàu ngầm chiến lược mang tên lửa đạn đạo của đối phương trên đại dương.
A-40 Albatross phiên bản “hồi sinh” được trang bị một loạt hệ thống thế hệ mới như radar tìm kiếm mục tiêu, máy dò nhiệt, tham số sóng biển, hệ thống định vị, hệ thống liên lạc trên không, hệ thống điều khiển vũ khí..
Vũ khí chủ yếu của thuỷ phi cơ A-40 gồm ngư lôi chống ngầm Orlan, tên lửa đối hải Yastreb hay Oriol, tên lửa dẫn đường Korshun, tên lửa chống hạm Kh-35, bom chùm thông thường và hạt nhân.
Để tìm kiếm, bám sát và tiêu diệt tàu ngầm đối phương, A-40 được lắp đặt hệ thống dò tìm PPC “Coba”, thiết bị xác định dạng thuỷ âm, thiết bị xác định cường độ sóng biển và một số phao thuỷ âm cũng như bom chìm để dò tìm và tiêu diệt tàu ngầm.
Tổ hợp thiết bị hàng hải cho phép thuỷ phi cơ đi vào các vùng tìm kiếm và tuần tra theo thông tin của lực lượng trinh sát. Tổ hợp thiết bị thông tin vô tuyến cho phép liên lạc với sở chỉ huy bờ, máy bay, tàu mặt nước bằng sóng dài và sóng ngắn, sóng cực ngắn với các thiết bị hoạt động nhanh và bí mật. Trên thuỷ phi cơ còn lắp đặt hệ thống thiết bị phòng thủ nhiều tầng khi bị máy bay tiêm kích đối phương tiến công.
Nguyên Phong
Nga hé lộ danh sách vũ khí tiên tiến được xuất khẩu
Theo hãng tin RT, tiêm kích “Chiếu tướng”, biến thể hiện đại của súng trường tấn công AK đều góp mặt trong danh sách trên.
Lộ diện dòng máy bay tác chiến trên biển lợi hại của Nga
Đó là dòng máy bay Su-xx do Tập đoàn Sukhoi của Nga sản xuất.