Triển khai trồng cây dược liệu là hướng đi đúng và phù hợp. Nhu cầu về sử dụng dược liệu để chế biến các thực phẩm chức năng phục vụ nâng cao sức khỏe của người dân ngày càng tăng.

Thực tế việc trồng dược liệu không chỉ đáp ứng nhu cầu nguyên vật liệu trong nước mà còn phục vụ xuất khẩu... Do đó, sản phẩm cây dược liệu luôn có giá trị cao nên mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với trồng các loại nông sản truyền thống. 

{keywords}
Thu hoạch sâm Bố Chính ở xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: VTH.

Cam Lộ là vùng đất phù hợp để phát triển các loại cây dược liệu như ngưu tất, trạch tả, chè vằng, đinh lăng... Qua tìm hiểu thực tế về quỹ đất, thổ nhưỡng, khí hậu và kinh nghiệm trồng cây sâm Bố Chính tại Quảng Bình cho thấy loại cây này tương đối phù hợp với điều kiện khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng của Cam Lộ.

Từ đó, được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và công nghệ, UBND huyện Cam Lộ xây dựng dự án: “Nghiên cứu xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây sâm Bố Chính tại vùng gò đồi huyện Cam Lộ” với mục tiêu và ý tưởng muốn thu hút và tập trung mọi nguồn lực đầu tư, nghiên cứu áp dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống, tạo thành một nghề mới, nhằm nâng cao hiệu quả phát triển KT-XH của địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới.

Các hộ dân được tập huấn ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào sản xuất như chọn giống sâm Bố Chính, hỗ trợ bạt phủ, xây dựng hệ thống tưới tiết kiệm nước, kỹ thuật bón phân, cách sử dụng thuốc bảo vệ thực vật…

Năm 2019, huyện Cam Lộ trồng 4 ha sâm Bố Chính tại 5 thôn ở xã Cam Thủy, Cam Tuyền, Cam Thành và Cam Nghĩa, trong đó có mô hình trình diễn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật theo dự án là 2 sào.

Chuyên viên Phòng Kinh tế- Hạ tầng huyện Cam Lộ, thư ký dự án Lê Hải Hưng cho biết: “Trong quá trình thực hiện, cán bộ kỹ thuật thu thập, đánh giá điều kiện khí hậu, thời tiết và thổ nhưỡng vùng thực hiện dự án trồng sâm Bố Chính; chọn đất, chọn hộ tham gia mô hình. Đồng thời, phân tích các chỉ số hóa, lý của đất, nước tưới vùng triển khai dự án; xây dựng và triển khai thực hiện trồng thử nghiệm cây sâm Bố Chính trên địa bàn huyện Cam Lộ”.

Trên cơ sở thực tiễn sản xuất, dự án nghiên cứu, theo dõi, các chỉ tiêu sinh trưởng, phát triển tình hình sâu bệnh và công nghệ sau thu hoạch, đánh giá khả năng thích ứng, chất lượng sâm, sơ chế, hiệu quả kinh tế của cây sâm Bố Chính. Từ đó, hoàn thiện quy trình sản xuất loài cây này phù hợp với điều kiện sản xuất tại vùng gò đồi Cam Lộ.

Sâm Bố Chính có thời gian trồng khoảng 9 tháng thì cho thu hoạch. Vừa qua, do một số diện tích bị sâu bệnh nên người dân thu hoạch trước, năng suất đạt 2 tạ/sào. Những diện tích không bị bệnh và thu hoạch đúng thời vụ thì có thể cho năng suất 4- 5 tạ/ sào.

Theo đánh giá ban đầu của Viện Dược liệu Trung ương, củ sâm Bố Chính trồng tại vùng Cam Lộ có hàm lượng dinh dưỡng cao. Hiện tại người dân thu hoạch non nên bán giá 50.000 đồng/ kg củ tươi, trừ chi phí còn lãi gộp khoảng 7 triệu đồng/sào. Nếu thu hoạch đúng vụ, củ sâm già hơn, chất lượng tốt hơn thì bán giá 70.000 đồng/kg, cho lãi gộp khoảng hơn 15- 17 triệu đồng/sào.

Theo các nhà khoa học, sâm Bố Chính có dược tính cao, có một số tác dụng chính như điều trị ho, hạ sốt, bồi bổ cơ thể, tăng cường chức năng tiêu hóa, hỗ trợ điều trị mất ngủ, kém ăn, đau lưng, táo bón... Nhờ những tác dụng đó, sâm Bố Chính đang được tiêu thụ tốt trên thị trường. Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Tuệ Lâm là đơn vị phối hợp tiêu thụ sản phẩm cho nông dân trồng sâm Bố Chính tại Cam Lộ.

Huyện Cam Lộ sẽ tiếp tục có chính sách hỗ trợ nhân rộng phát triển thêm diện tích trồng cây sâm Bố Chính tập trung theo đề án đã được quy hoạch trên địa bàn toàn huyện, nhằm đáp ứng nguồn nguyên liệu cho công ty. Đồng thời, hướng dẫn, tổ chức các lớp tập huấn phổ biến quy trình sản xuất cây sâm Bố Chính theo hướng tạo nguồn nguyên liệu đạt tiêu chuẩn GACP-WHO cho các tổ chức, hộ nông dân có nhu cầu.

Xây dựng mô hình trồng sâm Bố Chính thành công tạo ra mô hình sản xuất mới để nhân rộng, chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong sản xuất nông nghiệp của huyện Cam Lộ, đáp ứng nguồn dược liệu sạch theo hướng GACP-WHO tạo thương hiệu có uy tín. Trồng cây dược liệu nói chung và trồng sâm Bố Chính nói riêng là hướng đi mới để người dân vùng gò đồi Cam Lộ nâng cao hiệu quả kinh tế cao nhất trên một đơn vị diện tích, tạo việc làm, tăng thu nhập cho nông dân.

(Theo Báo Quảng Trị/ Dân Việt)