- Các công việc liên quan đến sáng tác, chuyển soạn hay quản lý luôn là sở trường của ông nhưng tôi lại ấn tượng mạnh mẽ với vai diễn "chú Cuội" do ông thủ vai. Mối duyên nào đưa ông đến với điện ảnh?
- Thực ra đấy là sự tình cờ. Bản thân tôi tốt nghiệp nghiên cứu sinh ở Nga năm 1985-1986, từ giai đoạn đó cho tới năm 1990 tôi viết nhạc phim rất nhiều, cộng tác với các đạo diễn nổi tiếng như Lê Đức Tiến, Đỗ Minh Tuấn.
Phim "Thằng Cuội" đầu tiên tôi được mời với tư cách nhạc sĩ viết nhạc nhưng vì đạo diễn Đỗ Minh Tuấn bế tắc đi trong Nam ngoài Bắc không tìm được nhân vật chính đóng thằng Cuội nên tình cờ gặp tôi bảo thử vai, tôi vô tư đồng ý ngay. Sau khi thử vai mọi người thấy có vẻ hợp, ngay lúc đó người trong tổ hóa trang đã xử lý bằng cách xén mái tóc tôi đi để trở thành nồi úp cho đúng thằng Cuội.
Tôi vô tư bảo tham gia phim thì đóng chứ không phải vì muốn nổi tiếng hay thích lên màn ảnh. Tôi nghĩ từ trước đến nay giữa điện ảnh và âm nhạc có mối quan hệ mật thiết, có quy luật sáng tạo tương đồng với nhau về tư duy, tạo hình tượng, tiết tấu chỉ khác nó bằng âm thanh với động tác, lời nói. Đó là điều trong tôi thấm đượm được, chính vì vậy tôi viết nhạc phim mọi người đánh giá rất tốt. Không phải khoe nhưng 6 lần tôi được giải về âm nhạc trong tất cả những giải Liên hoan phim quốc gia. Nhưng một phần khác nữa là từ nhỏ tôi gắn bó với quê hương, những cảnh các bác nông dân, đi cưỡi trâu trên đồng, tất cả ngấm vào mình như một hơi thở, mạch nguồn.
Cộng hai cái đó lại trở thành một thằng Cuội nghe tưởng chừng rất tếu táo nhưng trong tâm là một người nông dân thuần khiết, một em bé thông minh, một cái gì đó thấm đượm tính nghệ thuật chứ không chỉ khuấy khóa. Nếu chỉ làm trò sẽ không đọng lại được. Vai diễn của tôi là một kỷ niệm vui trong cuộc đời nhưng đồng thời cho mình thấy nghệ thuật là vô biên, rất rộng, nếu yêu quý, hết mình sẽ được ghi nhận. 30 năm nay nhiều người vẫn nhận ra tôi đóng "thằng Cuội", chứ ít ai nhớ là nhạc sĩ hay gì cả.
Clip: Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói về vai "Chú Cuội" và câu chuyện hôn nhân bất ngờ
- Việc ông chạm ngõ điện ảnh như một mối duyên, vậy sau đó có lời mời đóng phim nào khác không? Nếu có do ông bận bịu hay vì điều gì mà vắng mặt?
- Trong đời nếu gọi sự tình cờ thì đó là vào năm 1985 lúc ấy tôi đang là Phó trưởng phòng nghệ thuật của Nhà hát nhạc Vũ kịch bất ngờ gặp vợ tôi - NSƯT Chiều Xuân - sinh viên năm 2 Trường Sân khấu điện ảnh.
Một sự tình cờ, một sự làm quen sinh viên tuổi trẻ và trong một thời gian rất ngắn chúng tôi nên vợ nên chồng. Đúng là cuộc đời đã thưởng cho mình, rất vô tư, hồn nhiên, trong sáng. Đấy cũng là sự hội ngộ bất ngờ nhưng sau đó kéo dài cho đến tận ngày hôm nay. Kết quả của cuộc hôn nhân chính là phần thưởng của số phận, cuộc đời. Điều đó nâng cánh cho những sáng tác của tôi về âm nhạc. Muốn giữ hậu phương vững chắc như vậy tôi chỉ biết nói cảm ơn số phận, gia đình, vợ, con...
- NSƯT Chiều Xuân chia sẻ cởi mở trên trang cá nhân về ''căn nhà như mơ" ở ngoại thành Hà Nội. Ông nói gì về nơi bình yên này?
- Tình cờ cách đây 10-15 năm vợ chồng tôi muốn tìm một nơi thanh thản để sau này nghỉ dưỡng, gần với thiên nhiên hơn. Vì ngay trong lòng Hà Nội hiện nay 2 vợ chồng tôi chưa có căn nhà mang tên chính chủ của mình vì nhà 36m2 ở Nguyễn Thái Học là nhà bố mẹ để lại. Bố tôi - nhạc sĩ Đỗ Nhuận lúc đó đi giải phóng Điện Biên về được căn phòng rất nhỏ trong khu tập thể văn nghệ sĩ từ đó đến nay con cái đều ở lại.
Nhu cầu tiếp cận thiên nhiên là có trong suy nghĩ của vợ chồng tôi. Vậy nên cách đây 15-16 năm gia đình mua một mảnh vườn, đấy cũng là quê ngoại vì mẹ tôi sinh ra ở xã Sơn Tây, đó là một mảnh vườn ngay sông Tích. Chúng tôi không can thiệp gì nhiều đến tự nhiên nên có 1 rặng tre dài 100m rất đẹp dọc bờ sông. Trên mảnh vườn đấy chúng tôi chỉ trồng bưởi, trồng xoài... giữ một nét thanh bình. Một căn nhà 3 gian nhỏ, thứ 7, Chủ Nhật chúng tôi lên đó nghỉ ngơi, tiếp xúc với bà con, đi ra đồng, thậm chí lên Sơn Tây xem các làng...
Bản thân ngay từ bé tôi đã rất yêu nông thôn, yêu thôn xóm... cộng với thời gian 10 năm học bên Nga, tính cách người Nga cũng rất yêu thiên nhiên, một phần nào đó bồi đắp cho mình tính cách đó nên đối với mọi người thấy thân thương, luôn có nhu cầu kết bạn, làm quen. Không khí ở đây tôi thấy rất bổ ích và tạo cho mình nhiều chất sáng tạo. Nhiều bài hát, bài báo, bản giao hưởng phần nào tôi cũng viết ra từ những không gian như thế, rất tuyệt vời.
- NSƯT Chiều Xuân tiết lộ ông rất lãng mạn, đảm đang làm mọi việc gia đình không ngần ngại. Đó là một trong những lý do giúp cuộc hôn nhân của ông bà bao năm qua luôn bền chặt?
- Tôi cho đấy cũng là một nhận xét rất đúng. Bản thân tôi rất ưa hoạt động. Một trong những niềm đam mê của tôi bạn bè đều biết là rất thích nấu ăn, đồng thời rất sáng kiến trong khi nấu ăn. Cái này cũng rất gần với âm nhạc vì nó là sự phối khí, pha trộn âm thanh, hòa thanh còn nấu ăn cũng là sự kết hợp giữa các nguyên liệu, vật liệu với nhau. Đồng thời cũng có nghệ thuật giữa 2 lĩnh vực ẩm thực và âm nhạc là cùng diễn ra theo thời gian.
Âm nhạc diễn ra từ nốt đầu tiên cho tới nốt cuối cùng, khi nấu một món ăn cũng phải diễn ra trong một khoảng thời gian. Sáng tạo trong thời gian đó rất hấp dẫn, tại sao phải cho cái này trước, cho cái kia sau... Về bản chất nấu ăn rất gần với âm nhạc và vui khi bạn bè công nhận nhưng đồng thời những cái mình thể hiện khám phá mọi người đều thấy ngon.
Ở nhà giống như phòng hòa nhạc trên bếp vì nó không lặp lại bài nào giống bài nào. Nó tạo cho mình cảm giác hấp dẫn, giây phút sảng khoái, thư giản sau những giờ làm việc căng thẳng. Tôi rất thích việc đầu tiên khi về nhà là sẽ phải làm một cái gì đó ở trên bếp.
- Việc nấu các món ăn đơn giản không khó nhưng để sáng tạo ra món ăn mình cảm thấy hấp dẫn, ít nhất nó cũng mới lạ đối với bạn bè, gia đình, vợ con là một thành công. Ông chia sẻ gì về sự sáng tạo trong các món ăn của mình?
- Ví dụ như món bò bít tết mọi người vẫn hay ăn thường ướp tỏi sau đó cho lên lửa rán khói mù mịt có thể chín hoặc sống. Với tôi, lấy 4-5 nhánh tỏi chưng lên thành dầu tỏi, sau đó vớt bã đi và chỉ để dầu rồi ướp miếng thịt có chút muối trong đó. Như vậy miếng thịt bò đã có dầu, tỏi và chút muối, lúc đó chỉ cần một cái chảo rất nóng là làm các thao tác. Trong quá trình áp chảo phải đảo miếng thịt không đứng lại một chỗ vì như thế nước nó sẽ chảy ra, chỉ cần hơn một phút sẽ có một miếng bò bít tết rất ngon.
Clip: Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chia sẻ bí quyết các món ngon chinh phục vợ.
Hay như luộc gà, cách của tôi là không cần nước. Tôi cho con gà vào một cái nồi nóng, tất nhiên gà này không phải gà lạnh, gà bình thường thôi và đậy vung thật kín. Khi đun nồi nóng trong không có nước, tôi đổ khoảng 100ml rượu trắng đậy vung lại, chỉ khoảng 5-7 phút con gà sẽ chín vàng mà không còn chút nước nào ở trong cả. Nhưng động tác đổ rượu nếu không biết cách đổ vào con gà thì vứt đi vì phải đổ vào chỗ không có gà, trong áp suất và nhiệt độ của rượu thật nóng con gà sẽ chín, hoàn toàn không có gì tác động vào nó cả.
Cũng giống như nghe nhạc, khi nhạc nhỏ thần kinh phải dịu đi, khi nhạc cao trào phải dẫn dần lên đến cao trào. Nhất là nhạc cổ điển kiểu như Tchaikovsky phải đồng điệu với nó, lúc đấy tinh thần sẽ sẵn sàng tiếp nhận âm thanh. Cũng giống như khi nấu ăn, bình thường tinh thần bình thường nhưng lúc đổ rượu luộc gà tưởng tượng trong đó nóng, người tôi cũng phải sôi sùng sục mới đạt yêu cầu. Nếu mình thờ ơ sẽ không có sự hiệu quả của nghệ thuật nấu ăn.
Chẳng hạn như khi rang lạc phải rất lim dim, không được sốt ruột như vậy mới có hiệu quả. Đấy người ta gọi là sự đồng điệu giữa những trạng thái lao động, hưởng thụ khác nhau.
- Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
Sơn Hà - Xuân Phúc - Xuân Quý - Đức Yên
Thiết kế: Phạm Thị Luyện