- Tuy chỉ là đoạn văn ngắn nhưng 3 chữ ‘Bãi cát vàng’ cho thấy 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã thuộc quyền kiểm soát và quản lý của người Việt ít nhất từ trước những năm 1680 – 1705.
Trong nhiều thư tịch cổ của Việt Nam viết về Hoàng Sa – Trường Sa dưới 2 triều Lê và Nguyễn, có đến 7 bộ do người xứ Nghệ biên soạn hoặc tham gia biên soạn.
Tác phẩm ‘Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ’ của Giám sinh Đỗ Bá Công Đạo (quê huyện Thanh Chương) được xem là thư tịch đầu tiên nhắc đến địa đanh ‘Bãi cát vàng’.
|
Đoạn trích trong tác phẩm Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ viết về địa danh Bãi cát vàng
|
Cách đây gần 1 năm, trong một dịp đến thư viện Nghệ An tìm hiểu sách về chủ quyền biển đảo, người viết được tiếp cận một nghiên cứu của PGS.TS Trần Bá Chí về bộ thư tịch ‘Toản tập Thiên Nam tứ chí lộ đồ thư’.
Tác phẩm này được biên soạn bởi Giám sinh Đỗ Bá Công Đạo. Ông là người xã Thanh Mai, huyện Thanh Chương. Trong những năm Chính Hòa (1680 – 1705), ông giả dạng lái buôn dong thuyền vượt biển vào Nam thăm dò hình thế sông núi, đường đi lối lại các nơi.
Khi đã khảo sát kỹ càng, ông vẽ lại bản đồ xứ Đàng Trong rồi bí mật ra Bắc dâng lên Chúa. Chúa Trịnh rất mừng và tiếp tục cho ông soạn bộ Toản tập Thiên Nam Tứ chí lộ đồ với 4 tập, gồm những bản đồ được chú giải rất tỷ mỉ.
Điều đặc biệt ở tác phẩm này đó là lần đầu tiên, địa danh ‘Bãi cát vàng’ đã được nhắc tới. Thư tịch mô tả tỉ mỉ như sau: “... giữa biển có một quần đảo dài 400 lý và rộng 200 lý có tên là Bãi cát vàng nhô lên từ đáy biển, hướng về phía duyên hải giữa hai cảng Đại Chiêm và Sa Vinh.
|
Triển lãm về tư liệu chủ quyền tại Nghệ An sẽ kéo dài đến hết ngày 30/5
|
Vào mùa mưa tây nam các thuyền buôn từ các quốc gia khác nhau qua lại gần bờ thường bị đắm ở các khu vực quần đảo này...
Mỗi năm trong suốt tháng cuối cùng của mùa đông, các chúa Nguyễn đều phái tới đảo này một hạm đội gồm 18 tàu buồm để vớt các chiếc tàu đắm.
Họ thu được rất nhiều tiền bạc, súng ống và đạn dược. Từ cảng Đại Chiêm phải đi mất một ngày rưỡi mới đến quần đảo này, trong khi chỉ mất có một ngày nếu đi từ Sa Kỳ...”.
Tuy chỉ là đoạn văn ngắn nhưng với 3 chữ ‘Bãi cát vàng’ cho thấy 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đã thuộc thuộc quyền kiểm soát và quản lý của người Việt ít nhất cũng phải từ trước những năm 1680 – 1705.
Thư tịch quý này chính là 1 trong số gần 100 bản đồ và tư liệu về chủ quyền được Bộ TT&TT phối hợp UBND tỉnh Nghệ An trưng bày tại triển lãm “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý”. Triển lãm đã khai mạc vào sáng 26/5, kéo dài đến hết ngày 30/5.
|
TS Trần Đức Anh Sơn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng thuyết trình về các tư liệu lịch sử cho các đại biểu và nhân dân Nghệ An
|
Dù thời tiết nắng nóng nhưng từ sáng sớm, rất đông người dân Nghệ An đã đổ về Trung tâm văn hóa tỉnh dự khai mạc triển lãm.
Phát triển kinh tế gắn an ninh quốc phòng
Tiến sỹ Trần Công Trục, nguyên Trưởng Ban Biên giới Chính phủ nói rằng, người xứ Nghệ vốn có truyền thống yêu nước; triển lãm lần này ở Nghệ An cũng có những nét riêng biệt.
Gần 100 bản đồ cùng nhiều tư liệu quý giá về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa được Bộ TT&TT phối hợp các bộ ngành, chính quyền địa phương, các nhà khoa học thẩm định và in ấn. Các tư liệu lịch sử này được treo trang trọng tại nơi trưng bày.
Những tư liệu lịch sử đã khẳng định rằng, Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam không thể chối cãi. Các nhà nước Việt Nam trải qua các thời kỳ đã khai phá, xác lập và bảo vệ chủ quyền quốc gia đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng nhấn mạnh rằng, với truyền thống yêu nước bất khuất, Nghệ An từng là cái nôi của nhiều phong trào cách mạng, là quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhiều anh hùng dân tộc.
|
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng dự khai mạc triển lãm và trao tặng bản đồ, tư liệu chủ quyền cho tỉnh Nghệ An
|
Trong bối cảnh tình hình Biển Đông đang có những diễn biến phức tạp, các cấp, ngành, quân và dân Nghệ An cần nâng cao ý thức, cảnh giác và trách nhiệm đối với chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Ông Lê Ngọc Hoa, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho rằng, với đặc thù là địa phương có biển, nhiều năm qua Nghệ An đã tận dụng tối đa mọi nguồn lực để phát triển kinh tế gắn với an ninh quốc phòng. Hàng vạn ngư dân Nghệ An đang được gắn kết, hỗ trợ lẫn nhau trên biển và đều được tuyên truyền về chủ quyền.
Nghệ An là địa phương thứ 20 tổ chức triển lãm về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa. Toàn bộ tư liệu và bản đồ ở triển lãm này đều được Bộ TT&TT trao tặng cho tỉnh.
Cao Thái