Với chủ đề “Việt Nam trong tôi", các lưu học sinh nước ngoài tham dự cuộc thi đã chia sẻ bằng tiếng Việt những hiểu biết về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam; những kỷ niệm sâu sắc về cuộc sống, học tập và sinh hoạt tại Việt Nam; về tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam với đất nước của lưu học sinh. 

Xem sinh viên Pháp, Hàn, Nhật (Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐHQGHN) chia sẻ ấn tượng khi sống và học tập tại Việt Nam, trong đó có cả những bất ngờ những ngày đầu với việc người Việt đi xe máy nhanh, ngồi trà đá, trà chanh vỉa hè...:

Xem sinh viên Lào (Trường Hữu nghị 80 - Đội giành giải Nhất bảng A vòng Sơ khảo khu vực miền Bắc) đọc rap, hát Tiếng Việt:

Phát động từ tháng 8, Cuộc thi “Hùng biện tiếng Việt cho lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam” năm 2023 thu hút nhiều trường đại học, cao đẳng, các cơ sở đào tạo tiếng Việt đang có lưu học sinh nước ngoài học tập. Đã có 65 cơ sở đào tạo trong cả nước, từ 29 tỉnh/thành phố đăng ký tham gia. 

W-hung-bien-tieng-viet-3-1.jpg
Sinh viên nước ngoài trong các phần hùng biện bằng Tiếng Việt. Ảnh: Thanh Hùng.

Với hình thức thi hùng biện, mỗi đội thi được lựa chọn 2-3 thí sinh hùng biện chính, thời gian trình bày tối đa cho mỗi phần thi là 7 phút. Các thí sinh trình bày phần thi hùng biện của mình bằng tiếng Việt với chủ đề tự chọn, đồng thời có thể sử dụng các hình thức minh họa kèm theo để tăng tính hấp dẫn, thuyết phục cho phần thi.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc cho rằng, Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị thế trên trường quốc tế; ngày càng nhiều người nước ngoài yêu thích và tìm hiểu, theo học. Tiếng Việt cũng đã trở thành một trong những môn ngoại ngữ được giảng dạy tại nhiều cơ sở giáo dục ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. 

Do đó, theo Thứ trưởng Phúc, việc dạy và học tiếng Việt không chỉ là giảng dạy ngôn ngữ, trang bị công cụ tiếp thu kiến thức mà còn là việc quảng bá văn hóa, lan tỏa bản sắc dân tộc và nâng cao năng lực giao tiếp liên văn hóa cho lưu học sinh đang học tại Việt Nam nói riêng, người nước ngoài và những người yêu thích ngôn ngữ, văn hóa Việt Nam nói chung. 

W-hung-bien-tieng-viet-1-1.jpg

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, hiện nay, có khoảng 22.000 lưu học sinh nước ngoài đang học tập tại Việt Nam. Trong 5 năm (2016-2022), Việt Nam có 155 cơ sở giáo dục tiếp nhận, đào tạo hơn 45.000 lưu học sinh nước ngoài đến từ 102 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Trung bình, hàng năm có từ 4.000 đến trên 6.000 lưu học sinh được tiếp nhận vào các cơ sở giáo dục của Việt Nam, trong số đó phần lớn các lưu học sinh vào học tiếng Việt/Việt Nam học, các ngành đào tạo bằng tiếng Việt, do đó cần sử dụng tiếng Việt trong cuộc sống và học tập. 

Vòng sơ khảo khu vực và Vòng chung kết toàn quốc của cuộc thi được tổ chức theo hình thức thi tập trung. Trong đó, Vòng sơ khảo tổ chức tại 3 cụm thi: Cụm 1 (khu vực miền Bắc), Cụm 2 (khu vực miền Trung), Cụm 3 (khu vực miền Nam). 

Cuộc thi bắt đầu với các tiết mục tranh tài của 36 đội thi tại Vòng sơ khảo khu vực miền Bắc được tổ chức ngày 28/10 tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội; Vòng sơ khảo khu vực miền Trung gồm 16 đội thi được tổ chức vào ngày 3/11 tại Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng; Vòng sơ khảo khu vực miền Nam gồm 13 đội thi được tổ chức vào ngày 10/11 tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TPHCM. 

Vòng chung kết toàn quốc sẽ diễn ra vào ngày 1/12 tại TP.HCM với sự tham gia của 12 đội thi xuất sắc được lựa chọn từ 3 cụm thi.