Và để đối phó với Triều Tiên, Hàn Quốc sở hữu Thần sấm K9 được mệnh danh là Vua pháo binh châu Á.
Theo Yahoo News, vào tháng 12/2017, Na Uy tuyên bố sẽ mua 24 khẩu pháo tự hành K9 Thunder từ công ty Hanhwa của Hàn Quốc với giá 215 triệu USD, với tùy chọn mua thêm 24 khẩu pháo khác trong tương lai.
"Thần sấm" K9 của Hàn Quốc hiện đang được biên chế trong quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và sẽ sớm được 3 quốc gia NATO khác đưa vào hoạt động, cũng như Ấn Độ và Phần Lan.
Về phần mình, quân đội Hàn Quốc sẽ được biên chế hơn 1.200 khẩu pháo này để đối phó với các các mối đe dọa từ Triều Tiên dọc theo khu vực phi quân sự (DMZ) ngăn cách hai quốc gia này. Mới đây nhất, lực lượng pháo binh Hàn Quốc đã tổ chức tập trận bắn đạn thật sử dụng pháo tự hành K9 uy lực này trong bối cảnh quan hệ liên Triều căng thẳng từ sau vụ Bình Nhưỡng đánh sập văn phòng liên lạc hai miền.
Khu vực DMZ - biên giới Triều-Hàn được đánh giá là có nguy cơ nổ ra một cuộc đấu pháo dữ dội. Điều này thúc giục Hàn Quốc nghiên cứu sản xuất một phiên bản K9 mới với tháp pháo tự động, giảm số lượng kíp chiến đấu xuống chỉ còn 2.
Trên thực tế, "Thần sấm" K9 của Hàn Quốc được mệnh danh là "Vua pháo binh châu Á" với khả năng khai hỏa nhanh, mạnh, sau đó nhanh chóng tái triển khai tới những vị trí bắn mới để tránh bị đối phương phản kích đã trở thành thứ vũ khí đáng sợ khiến Triều Tiên phải dè chừng.
K9 được thiết kế để hoạt động trên những khu vực miền núi gồ ghề của khu phi quân sự với Triều Tiên.
Nó nặng 52 tấn, trang bị pháo cỡ nòng155mm, có thể tấn công các mục tiêu ở khoảng cách 41 km hoặc 56 km bằng đạn rocket.
Được bọc giáp 19mm, K9 có thể chống chọi được những loại đạn súng máy hạng nặng. Ngoài ra, K9 còn được trang bị một súng máy cỡ nòng 12.7mm giúp binh sĩ có khả năng phòng ngự tốt hơn.
Mặc dù có khối lượng nặng hơn hệ thống M109 Paladin do Mỹ chế tạo - loại đã được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu kể từ những năm 1960 nhưng K9 lại có tốc độ nhanh hơn (72 km/h), tỷ lệ sức mạnh so với trọng lượng cao hơn nhờ động cơ 1.000 mã lực.
K9 có tầm hoạt động khoảng 480 km, xa hơn M109 tới 40% trước khi cần phải tiếp nhiên liệu. Tuy pháo của K9 chưa đủ độ ổn định để bắn trong lúc đang di chuyển nhưng nó có thể khai hỏa chỉ trong vòng 1 phút.
Để giảm gánh nặng cho thành viên kíp chiến đấu, pháo K9 sử dụng cơ chế nạp tự động, có khả năng bắn cùng lúc 3 phát theo chế độ bắn loạt nhiều viên ở các quỹ đạo khác nhau (MRSI) chỉ trong vòng 15 giây.
Những nghiên cứu về hoạt động đã cho thấy, hệ thống pháo này nguy hiểm nhất ở thời khắc mở màn khi các mục tiêu còn chưa nhận biết được nguy cơ đối mặt với cuộc tấn công.
Bằng cách cài đặt thời gian cho các viên đạn khai hỏa chạm mục tiêu cùng lúc trước khi đối phương nhận thấy bị tấn công, K9 có khả năng gây thiệt hại lớn hơn nhiều.
"Thần sấm" K9 có thể mang theo tới 48 đạn pháo và được tái cấp bởi các xe tiếp đạn K10 - loại phương tiện có thể tiếp thêm tới 104 viên nhờ cầu nối tự động, qua đó giúp kíp chiến đấu không bị rơi vào tình thế nguy hiểm.
Trên thực tế, "Thần sấm" K9 của Hàn Quốc đã được thử lửa trong cuộc đấu pháo với Triều Tiên ngày 23/11/2010 trên đảo Yeonpyeong, ở cực Tây biên giới liên Triều. Khẩu đội 6 chiếc Thunder đã khai hỏa đáp trả khi Triều Tiên nã pháo sang đảo Yeonpyeong làm 2 lính thủy đánh bộ Hàn Quốc thiệt mạng và 22 người khác bị thương.
Trong vụ đấu pháo trên, tình báo Hàn Quốc ước tính có khoảng 35 - 40 người Triều Tiên đã thiệt mạng hoặc bị thương, tuy nhiên Bình Nhưỡng phủ nhận thông tin này.
Điều đặc biệt là, K9 cũng đã trải qua thực chiến cùng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ dưới phiên bản T155 Firtina ("Storm") khi tham gia các cuộc tấn công xuyên biên giới nhằm vào lực lượng người Kurd ở Iraq năm 2007 và phiến quân IS trên khắp khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.
Theo các chuyên gia vũ khí, không thể phủ nhận rằng, K9 đã giúp tăng cường đáng kể sức mạnh của pháo binh Hàn Quốc và sự hiện diện của nó thực sự là nỗi khiếp sợ trên chiến trường.
Theo danviet.vn