2 tiếng đồng hồ “bò” được 7km
Chị Minh Anh ở Văn Quán (Hà Đông) cho biết cơ quan nơi chị làm việc ở gò Đống Đa, khoảng cách chưa đầy 7km nhưng để đến được cơ quan chị đã phải trải qua 5 nút thắt trên trục đường này. Rời nhà từ 7h sáng nhưng phải đến gần 9h luồn lách căng thẳng chị mới đến được cơ quan. “Chưa bao giờ tôi thấy kinh hãi trước tình trạng giao thông tồi tệ như vậy. Nói dại nếu trên đường đi, sức khỏe có vấn đề gì thì cũng đành chịu chết, không ai có thể rẽ cả ngàn người mà tới cứu được” - chị Minh Anh than thở.
Trao đổi với PV Lao Động, người dân sống tại ngõ 262A Nguyễn Trãi - cho hay: “Trước khi chưa xây dựng đường sắt trên cao thì giao thông ở đây vẫn bình thường, tuy đông nhưng hiếm khi xảy ra ùn tắc. Nhưng có lẽ ngày 9.9 là ngày tắc đường kỷ lục từ trước đến nay, cao điểm nhất là từ 6h45-8h30. Gia đình tôi đã phải đóng chặt cửa lại vì không chịu nổi tiếng ồn và dòng xe, khói xăng nồng nặc, ô nhiễm”.
Lỗi không phải do xe ôtô cá nhân
Điều dễ nhận thấy là ở trục đường này vào giờ cao điểm, lượng ôtô cá nhân ken đặc. Phải chăng sự bùng nổ của số lượng xe ôtô cá nhân khiến cho nạn ùn tắc trở nên trầm trọng. Trên thực tế, lượng ôtô cá nhân của Hà Nội những năm gần đây tăng vọt. Theo số liệu của Sở GTCC thì năm 2007, số lượng đầu xe ôtô cá nhân ở Hà Nội chỉ 200.000 xe thì đến tháng 8.2015 số lượng này là 535.000 xe, chiếm 1/4 số xe ôtô cá nhân toàn quốc.
Dòng xe ùn ứ sáng 9.9 trên trục đường Nguyễn Trãi. Ảnh: HẢI NGUYỄN |
Thế nhưng việc số lượng ôtô con tăng quá nóng chỉ là một trong số các nguyên nhân khi hạ tầng chưa phát triển kịp.
Riêng với “con đường đau khổ” từ Hà Đông ra Hà Nội thì lý do tắc đường cục bộ trên trục Nguyễn Trãi - Ngã Tư Sở là do tiến độ công trình thi công quá chậm chạp, kéo dài cả năm trời nhưng đến nay các nhà ga phục vụ cho đường sắt trên cao của tuyến đường này chưa xây xong, máy móc rào chắn lấn chiếm nửa đường khiến người dân phải đi ngược chiều, xe gắn máy và ôtô đi chen lấn không theo làn đường. Ngoài ra, cũng theo người dân ven đường, đèn tín hiệu giao thông ở Cầu Mới (đầu đường Khương Trung) không hợp lý về thời gian, số giây dừng đèn đỏ và đi của đèn xanh không phù hợp với lượng phương tiện ở đường này nên càng làm “con đường đau khổ” này thêm nghẽn.
Bao giờ hết khổ?
Không chỉ trục đường Nguyễn Trãi, tại Hà Nội cũng tồn tại nhiều con đường khốn khổ. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam - Nguyễn Văn Thanh nguyên nhân chính của vấn đề ách tắc giao thông tại Hà Nội hiện nay là do vấn đề tổ chức giao thông chưa hợp lý. Mấy năm trước TPHCM lô cốt giao thông mọc lên nhiều hơn HN bây giờ nhưng tình trạng ách tắc giao thông cũng không kinh khủng như HN hiện nay. Cùng đó, hiện các phương tiện cá nhân cũng phát triển mạnh khiến giao thông nội đô ngày càng phức tạp. Do vậy, để giải quyết vấn đề này cần phải tăng cường tổ chức phân luồng, tuyến cho hợp lý xe nào được chạy vào giờ nào và đường nào. Đồng thời siết chặt quản lý xe dù bến cóc, xe chở khách đội lốt xe hợp đồng chứ không thể đổ lỗi cho quy hoạch giao thông. Cũng theo ông Thanh một vấn đề nữa cần phải quan tâm là hiện ý thức của người dân khi tham gia giao thông chưa cao, khi xảy ra ùn ứ mạnh ai nấy đi và đã tự gây ra ách tắc giao thông cho chính mình. Do vậy, cơ quan quản lý nhà nước phải tổ chức lại việc phân luồng giao thông cùng với tuyên truyền giáo dục, nâng cao hơn nữa ý thức của người dân khi tham gia giao thông.
Trong khi đó, Phó Vụ trưởng Vụ ATGT (Bộ GTVT) - Lê Đức Việt vấn đề cốt lõi nhất là kết cấu hạ tầng và tăng cường đầu tư cho phương tiện công cộng. Một thành phố giao thông văn minh phải có kết cấu hạ tầng thông thoáng và phương tiện công cộng thuận lợi. Nếu chỉ sử dụng phương tiện cá nhân, mà phương tiện công cộng chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ như tại Hà Nội và TPHCM hiện nay thì việc ùn tắc giao thông là điều không tránh khỏi. Với kết cấu hạ tầng và cách quản lý giao thông như hiện nay thì vô tình đã khiến các phương tiện công cộng trở thành nguyên nhân gây ùn tắc giao thông. Theo tôi để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông tại đô thị cần phải huy động tổng lực cả hệ thống chính trị. Việc tổ chức giao thông và xây dựng hạ tầng giao thông không thể giải quyết trong một sớm, một chiều. Trước mắt, cần phải tổ chức lại giao thông linh hoạt với các hệ thống tín hiệu hiện đại trên từng tuyến phố, từng nút giao thông vào từng thời điểm khác nhau, mới có thể giảm thiểu được ùn tắc giao thông.
Với câu hỏi về “con đường khốn khổ” mang tên Nguyễn Trãi thì chưa ai có lý giải chính xác khi công trình đường sắt trên cao vẫn gần như “án binh bất động” với tiến độ thi công rùa bò. Theo dự kiến, tuyến đường này sẽ hoàn thành tháng 6.2016 nhưng không ai chắc người dân sẽ hết khổ với những “con đường khốn khổ” nhất Hà Nội.
Theo Lao động
Các ý kiến phản hồi về bài viết, câu hỏi tư vấn, phân tích, đánh giá các dự án vui lòng gửi về email: [email protected] |