-Năm 2008, Bộ Xây dựng đã từng ban hành Thông tư có quy định về phân hạng chung cư. Tuy nhiên, gần 10 năm sau, quy định này vẫn “nằm trên giấy”. Thông tư 31 vừa có hiệu lực, liệu có mang tính khả thi hơn khi trào lưu chung cư “gắn mác” cao cấp vô tội vạ?

Phân hạng là cần thiết nhưng chưa đủ

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Đất Lành, cho rằng, trước đây đã có Thông tư về việc phân hạng chung cư, nay lại có tiếp tục. Việc phân hạng này là cần thiết, để tránh các nhà đầu tư tự phong hạng chung cư của mình, khi đưa ra thị trường, làm cho khách hàng không rõ được, khi mua phải trả giá như thế nào cho phù hợp.

“Tuy nhiên, chúng ta cần nghiên cứu kỹ hơn, như thế nào là chung cư loại A, B, C. Tôi nghĩ rằng, các điều kiện đó cần sự góp ý của các Hiệp hội Bất động sản, các công ty Bất động sản, Hiệp hội Kiến trúc sư Việt Nam… để góp ý cho đúng nhất và cuối cùng là tham khảo ý kiến người dân.

{keywords}

Bất lực với chung cư “gắn mác” cao cấp bừa bãi? (Ảnh minh họa)

Về tổng thể là cần thiết phải phân loại, để tránh những doanh nghiệp tự phong mình là những chung cư loại cao cấp, nhưng thực tế không phù hợp. Tuy nhiên, chúng ta nên có những cuộc hội thảo toạ đàm góp ý kiến, để làm sao các điều kiện chung cư phù hợp với thực tiễn và nhu cầu phát triển của bất động sản Việt Nam. Chứ trước đây đã có quy định phân loại rồi, tuy nhiên nó không phù hợp và không đưa đến 1 quyết định gì cho bất động sản” – ông Đực chia sẻ.

Chẳng có ý nghĩa nếu thiếu chế tài

Theo ông Nguyễn Duy Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Quản lý nhà Toàn Cầu (Global Home), Thông tư 14/2008/TT-BXD ban hành ngày 02/06/2008, đã phân hạng chung cư làm 4 hạng. Từ khi ban hành đến nay đã gần 9 năm, nhưng không chưa hề có chế tài nào xử phạt chủ đầu tư về tình trạng loạn "gắn mác" chung cư cao cấp. Và thực tế chẳng có chung cư nào sử dụng cách tính phân hạng I,II, III và IV, như quy định.

Thông tư 31 mới ban hành, lại áp dụng đối với những chung cư đã đi vào vận hành, và áp dụng những chung cư xây dựng từ năm 1994 trở về sau, nhưng không bắt buộc. Quy định này sẽ không tác động nhiều đến thị trường và cũng chẳng có ý nghĩa gì, khi việc phân hạng mới theo dạng A,B,C mà lại không có chế tài, cũng chẳng có gì bắt buộc các chung cư phải thực hiện.

“Thực tế thì các chủ đầu tư và người dân lại quan tâm đến các chung cư được "gắn mác" hạng sang, cao cấp, trung cấp, giá rẻ là yếu tố quyết định của dự án. Như vậy, quy định giữa thông tư và thực tế có nhiều sự khác biệt. Chủ đầu tư có quyền sử dụng cụm từ hạng sang, cao cấp, mà không vi phạm các quy định của Thông tư.

Bên cạnh đó, phần lớn người dân đang mong muốn phát triển nhiều căn hộ chung cư có giá rẻ để đáp ứng nhu cầu ở thực, mà không quan tâm nhiều phát triển nhà chung cư theo hạng A, B, C hay không hạng” - ông Thành nói.

Còn nhiều điểm bất cập

Cách xếp hạng A, B, C của Thông tư 31, theo ông Nguyễn Duy Thành đánh giá, cũng chẳng khác gì cách xếp hạng I,II, III, IV, của Thông tư 14/2008/TT-BXD, còn rất chung chung.

Các tiêu chí của chung cư còn nhiều điểm chưa hợp lý, còn mang nội dung chung chung, chưa chi tiết cụ thể và thiếu chi tiết rõ ràng, thiếu một số quy định thiết thực mà người dân quan tâm. Thông tư không quy định chung cư được xếp hạng phải có nhà cộng đồng, diện tích nhà cộng đồng, quy định đặt tên nhà chung cư, quy định chỗ để xe máy tối thiểu trên mỗi căn hộ, quy định khu đốt giấy vàng mã...

Ngoài ra, chuyên gia này cũng dẫn ra một số quy định bất cập khác như: “Ở nội dung số 1 của phụ lục, quy định vị trí phải tiếp cận giao thông đô thị, có nội dung "bến đỗ", vậy được hiểu là bến đỗ xe Taxi, bến đỗ xe của cư dân có được không?

Nội dung số 4 của Hạng B quy định hành lang có chiều rộng tối thiểu là 1,5m, thì trong quy định chung của PCCC yêu cầu đối với nhà chung cư phải có chiều rộng tối thiểu là 1,5m, mới được nghiệm thu đưa vào sử dụng. Như vậy nội dung này không cần thiết.

Nội dung số 5 của phụ lục quy định diện tích trung bình của phòng ngủ trong tòa nhà phải lớn hơn hoặc bằng 35m2 (đối với Hạng A) và lớn hơn hơn hoặc bằng 30m2 (đối với Hạng B) có thật sự cần thiết không? Tương tự ở nội dung số 6 của phụ lục quy định số nhà vệ sinh cũng vậy”.

Với những phân tích trên, ông Thành cho rằng,Thông tư 31 sẽ có "số phận" giống thông tư 14/2008/TT-BXD vì thiếu tính thực tiễn, và không đáp ứng nhu cầu thiết thực của người dân, khi mua căn hộ hoặc đang sở hữu căn hộ nhà chung cư.

Quốc Tuấn