Năm 2016, hệ quả của biến đổi khí hậu hiển hiện ở Việt Nam với 10 cơn bão, 7 áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông, nhiều hơn hẳn so với trung bình nhiều năm. Trong đó, 4 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền.
Năm 2016, Việt Nam cũng trải qua 24 đợt không khí lạnh. Đợt rét tháng 1/2016, 40 địa điểm được ghi nhận có tuyết, có nơi hàng trăm năm mới xuất hiện lại. Đợt không khí lạnh mạnh ngày 21/1 ghi nhận nhiệt độ thấp kỷ lục trong 40 năm và gây ra mưa tuyết, băng giá diện rộng ở vùng núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.
Các cơn bão, đợt mưa hay hạn hán, xâm nhập mặn đều diễn biến phức tạp, trái mọi quy luật, khó dự báo. Năm 2016, 22 đợt mưa lớn diện rộng trên cả nước đã tàn phá đồng ruộng, nhà cửa. Riêng từ tháng 10 đến 12/2016, mưa lớn dồn dập gây lũ lớn, ngập lụt nghiêm trọng tại các tỉnh Trung Bộ. Đã xảy ra 5 đợt lũ trên các sông Bắc Bộ; 7 trận lũ quét, sạt lở đất. Đặc biệt, đợt lũ quét và sạt lở do ảnh hưởng của bão số 2, 3 gây thiệt hại nghiêm trọng tại Lào Cai và Yên Bái.
Năm 2016 cũng ghi nhận 16 đợt lũ trên các sông ở Trung, Tây Nguyên. Lũ lớn, đặc biệt lớn xảy ra diện rộng và kéo dài, gây ngập lụt nghiêm trọng ở Trung Bộ.
Ở miền Trung mưa lũ đến muộn nhưng lại dồn dập, lũ chồng lũ kéo dài nhiều ngày vào những tháng cuối năm, gây thiệt hại lớn về tài sản và người. Miền Bắc đợt rét đầu tiên đến sớm so với bình thường, tuy nhiên người dân lại ít cảm nhận được không khí lạnh của mùa đông, do xen kẽ các đợt lạnh lại có những ngày nhiệt độ khá cao gây tiết trời oi nóng.
Trong mùa khô, Nam Bộ cũng như TP.HCM đã xuất hiện một số trận mưa trái mùa với lượng lớn, số ngày xuất hiện mưa và tổng lượng mưa các tháng trong mùa khô cũng vượt trung bình nhiều năm cùng thời kỳ. Mưa trái mùa gây thiệt hại cho sản xuất vụ đông xuân cũng như hoa màu cây trái.
Theo chuyên gia dự báo khí tượng, có nhiều nguyên nhân, trong đó phần lớn do BĐKH đã làm thay đổi một số quy luật tự nhiên. Chuyên gia dự báo khí tượng cho rằng thời tiết đang ở giai đoạn trung tính và có xu hướng nhích sang El Nino (thường gắn với hiện tượng khô hạn) nên mùa mưa ở Nam Bộ đã đến sớm hơn trung bình nhiều năm.
Riêng TPHCM, dự báo sẽ là một trong 10 thành phố trên thế giới bị đe dọa nhiều nhất bởi BĐKH. Tác động mạnh nhất đến thành phố là nhiệt độ, lượng mưa và triều cường.
Để ứng phó với BĐKH, từ năm 2015, Việt Nam đã lập kế hoạch 61 dự án cấp bách, không thể trì hoãn với tổng kinh phí khoảng 19.000 tỷ đồng. Các dự án ưu tiên trong giai đoạn trung hạn đã được Quốc hội và Chính phủ đồng ý phê duyệt khoảng 15.000 tỷ đồng để đầu tư xây dựng hệ thống hồ tích trữ nước ngọt; phát triển và bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn, rừng ngập mặn; đầu tư hệ thống quan trắc môi trường, dự báo khí tượng thủy văn; di dời dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm….
Còn về lâu dài, để phát triển nền kinh tế xanh theo hướng các-bon thấp và giảm phát thải khí nhà kính, như cam kết trong Thoả thuận Paris thì Việt Nam cần một nguồn lực đầu tư rất lớn. Vì vậy, chúng ta cần sớm nghiên cứu, ban hành các chính sách, biện pháp phù hợp để thúc đẩy sự tham gia của tư nhân, nhằm tăng cường sự đầu tư giảm lượng phát thải khí nhà kính, thích ứng với BĐKH, dần dần chuyển đổi nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nhiên liệu không tái tạo sang năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu suất và tiết kiệm năng lượng.
Thiên tai 2016:
- Tổng thiệt hại về kinh tế khoảng 39.726 tỷ đồng
- 264 người chết và mất tích; 5.431 nhà bị đổ, sập, trôi, 364.997 nhà bị ngập, hư hại, tốc mái; 828.661 ha diện tích lúa và hoa màu bị thiệt hại;
- Hàng triệu mét khối đất đá giao thông, thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp; 115km đê, kè, 938km kênh mương, 122km bờ sông, bờ biển bị sạt lở...
(Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai)
Q.Hiếu