- Từ
tai nạn kinh hoàng ở xưởng may Bangladesh hồi tháng 4, an toàn lao động cho công
nhân các nước đang phát triển trở thành tâm điểm thảo luận năm 2013 của những bộ
óc hàng đầu thế giới.
Chủ đề của năm
Ngày 24/4, những hình ảnh về vụ đổ sập ở tòa nhà Rana Plaza, ngoại ô thủ đô Dhaka, Bangladesh đồng loạt xuất hiện trên trang nhất tất cả các tờ báo trên thế giới. Hơn 1.100 công nhân may mặc, phần lớn là phụ nữ nghèo, bỏ mạng.
![]() |
Tòa nhà Rana Plaza, ngoại ô thủ đô Dhaka, Bangladesh đổ sập ngày 24/4. Ảnh: AP |
Vụ việc gióng một hồi chuông cảnh tỉnh không chỉ với đất nước Bangladesh, mà với nhiều quốc gia có ngành may mặc gia công tương tự, và với toàn thế giới. Vì Rana Plaza là điển hình cho mô hình sản xuất hàng công nghiệp giá rẻ mang tính toàn cầu.
Một loạt câu hỏi, cũng chính là những lỗ hổng lộ ra dưới đống đổ nát: nhà xưởng không đạt tiêu chuẩn xây dựng và an toàn cháy nổ, công nhân nghèo lương thấp, lợi nhuận của các công ty đa quốc gia dẫn đến sự bùng nổ của các nhà máy gia công ở hầu hết các nước đang phát triển...
Dường như không có một tiêu chuẩn tối thiểu nào cho những nhà máy may mặc này. Khi sự cố xảy ra, trách nhiệm của các ông chủ tức các hãng bán lẻ hàng may mặc đa quốc gia, các chính phủ, tổ chức lao động quốc tế và cả thị trường tiêu thụ sản phẩm, đều mờ nhạt so với những con số về lợi nhuận khổng lồ mà mô hình sản xuất này mang lại.
Chính vì vậy, Diễn đàn toàn cầu Boston (Boston Global Forum - BGF) trở thành tổ chức đầu tiên nêu và dành cả năm 2013 thảo luận vấn đề chuẩn mực an toàn lao động cho công nhân.
Hội nghị trực tuyến ngày 18/11 thu hút hơn 120 nhân vật là các nghị sỹ Mỹ, quan chức cao cấp Bộ Ngoại giao, Thương mại, Lao động Mỹ, giáo sư trường Harvard, MIT và các trường ĐH hàng đầu thế giới, lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn truyền thông...
Cạnh tranh bằng giá rẻ hay an toàn cho công nhân?
Tham gia cuộc thảo luận do GS. John Quelch, Trường kinh doanh Harvard, người đồng sáng lập BGF, chủ trì, các chuyên gia khắp thế giới đều đồng tình: Sự thiếu an toàn ở các nhà máy may mặc ở Bangladesh là kết quả của một "cuộc đua xuống đáy" nhằm cạnh tranh bằng giá thành rẻ.
Chuyên gia Rick Darling đến từ công ty gia công toàn cầu Li&Fung cho biết Bangladesh đã trở thành nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc, là môi trường cạnh tranh khốc liệt của các thương hiệu bán lẻ quần áo toàn cầu.
Tuy nhiên, "sự sụp đổ của Rana Plaza là sự kiện thay đổi cuộc chơi", ông Bruce Levinphụ trách vấn đề lao động quốc tế của Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định.
|
GS.
John Quelch (ở giữa ảnh trên) chủ trì thảo luận, và các chuyên gia Jeffrey
Krilla, Rick Darling, Scott Nova (hàng
dưới từ trái sang). Ảnh: BGF |
Nhìn lại hơn một thập kỷ Bangladesh gia nhập dây chuyền sản xuất toàn cầu, ông Scott Nova, Hiệp hội quyền của người lao động, chỉ ra: Không phải các thương hiệu và các nhà bán lẻ không quan tâm đến an toàn lao động, nhưng tai họa vẫn xảy ra.
Nguyên nhân trước hết là công tác kiểm tra không độc lập. Bản thân các thương hiệu tự làm, không công khai kết quả, đầu tư cải thiện không đủ, và người lao động không có vai trò gì trong việc bảo đảm an toàn cho chính họ.
Vì vậy, ông Nova nhấn mạnh giải pháp đầu tiên là người lao động có vai trò trung tâm tại nơi làm việc, có quyền từ chối vào hoặc ở lại trong những nhà xưởng mà họ có lý do để tin là không an toàn.
Chia sẻ nhận định này, nhà báo Robert Kuttner, người sáng lập và Tổng biên tập American Prospect, cho rằng công nhân phải có quyền nói ra mà không lo bị sa thải. Trong khi ông Jeffrey Krilla đến từ Liên minh vì sự an toàn cho công nhân Bangladesh tin rằng việc trao quyền cho người lao động phải đến từ pháp luật.
Giải pháp thứ hai là kỹ thuật. Theo ông Jeffrey Krilla, khi hệ thống điện không ổn định, máy móc, đặc biệt trong nhà máy may, dễ xảy ra cháy nổ. Vì vậy, từ chủ sở hữu, người quản lý đến người lao động phải hiểu tầm quan trọng của an toàn điện máy.
Cũng như phải giải quyết tình trạng đáng ngại là thầu phụ trái phép, không minh bạch, không đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn, chuyên gia Rick Darling đến từ ILO chỉ ra: Nếu phát hiện các trường hợp thầu phụ trái phép, các nhà máy phải bị đình chỉ giấy phép xuất khẩu.
Vậy người tiêu dùng có vai trò gì, họ có chấp nhận bỏ thêm vài xu mua một cái áo vì nó có thêm chi phí bảo đảm an toàn cho công nhân? "Nhà máy không tồn tại trừ khi có người mua", ông Scott Nova chỉ ra. Nhưng đồng thời, như nhà báo Robert Kuttner nhận định, áp lực lên người tiêu dùng rất mong manh vì hầu hết họ khi mua quần áo không có các tiêu chuẩn an toàn của các nhà máy trong tâm trí.
Vì vậy, sự thay đổi tư duy phải đến từ các ông chủ, các tập đoàn đa quốc gia, các thương hiệu lớn. "Các tiêu chuẩn kỹ thuật có thể khiến giá thành tăng lên, nhưng cùng với đó là danh tiếng về một doanh nghiệp tiến bộ, cũng là một yếu tố cạnh tranh", theo chuyên gia Rick Darling.
Nhà báo Robert Kuttner kiến nghị: Các thương hiệu nếu trước đây từ chối trách nhiệm khi có bi kịch xảy ra, giờ có thể thay đổi bằng thông điệp "Chúng tôi muốn giá bán thấp nhưng hãy dừng việc giết chết công nhân, chúng tôi sẵn sàng đóng góp vào sự an toàn".
Ông Srinivasa Reddy, GĐ quốc gia của ILO (Tổ chức lao động quốc tế) tại Bangladesh, đồng tình: Các chủ nhà máy may mặc dần nhận thức rằng nếu không cải thiện điều kiện an toàn và thúc đẩy các quyền lao động, bản thân ngành công nghiệp sẽ rơi vào khủng hoảng.
"Nếu để một sự việc như Rana Plaza tái diễn, họ sẽ phải đóng cửa. Sau sự việc này, cả cộng đồng quốc tế và cộng đồng thời trang, cũng như dân chúng, đang nhìn vào họ, họ không có nhiều lựa chọn", ông Reddy nói.
Tuy nhiên, như lời chuyên gia Scott Nova, hiện trạng này là kết quả của 20 năm phát triển ngành công nghiệp may mặc gia công ở Bangladesh, nên không thể giải quyết nó chỉ trong 20 tuần.
Vì vậy, theo ông Michael Dukakis, cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ, cựu Thống đốc bang Masachusetts, nay là Giáo sư cao cấp đặc biệt của Harvard, Chủ tịch Diễn đàn toàn cầu Boston, cần quốc tế hóa cuộc thảo luận này và suy nghĩ nghiêm túc về các tiêu chuẩn quốc tế, không chỉ cho những công nhân ở Bangladesh, mà trên toàn thế giới.
Chung Hoàng
Tin, bài trên
VietNamNet về thảm họa đổ sập ở Bangladesh: Tấm ảnh ám ảnh, bi thương nhất vụ sập nhà Bangladesh Nạn nhân vụ sập nhà ở Bangladesh lên tới 350 người Sập nhà cao tầng ở Bangladesh, 70 người chết |