Hạ tầng đang bứt tốc hoàn thiện

Cho tới thời điểm này, hình hài tuyến đường dài 35 cây số nối TP. Thanh Hóa đi sân bay Thọ Xuân đã khá rõ nét. Được đầu tư hơn 3.500 tỷ đồng, công trình được thiết kế 4 làn xe cơ giới và có thể mở rộng thêm 2 làn trong tương lai. Khi hoàn thành, việc di chuyển từ TP. Thanh Hóa tới sân bay Thọ Xuân và ngược lại sẽ chỉ mất chưa tới 1 giờ đồng hồ. Điều này thực sự có ý nghĩa, khi theo quy hoạch, cảng hàng không quốc tế Thọ Xuân sẽ đón 5 triệu hành khách và 27.000 tấn hàng hóa/năm vào năm 2030. Trên thực tế, nhiều chặng bay mới từ Thọ Xuân tới TP.HCM, Phú Quốc, Đà Lạt, Đà Nẵng... cũng đã được vận hành.

{keywords}
Hạ tầng Thanh Hóa đang được đầu tư mạnh mẽ, trong đó có tuyến đường từ TP. Thanh Hóa đi sân bay Thọ Xuân sắp hoàn thiện (Nguồn ảnh: VOV)

Thêm vào đó, Thanh Hóa dự kiến sẽ có nhiều tuyến đường trọng điểm, có mức vốn đầu tư cao đi vào vận hành, như: đường từ Quốc lộ 1A đến điểm đầu tuyến đường Đông Tây 4 đi cảng Nghi Sơn; đường giao thông nối thị xã Sầm Sơn với khu kinh tế Nghi Sơn (giai đoạn 1) hay đại lộ Đông - Tây TP. Thanh Hóa, đoạn từ thị trấn Rừng Thông đến Quốc lộ 1A... Mạng lưới giao thông đường bộ sẽ ngày càng dày đặc hơn, với 43 dự án giao thông có tổng vốn đầu tư gần 35 nghìn tỉ đồng đang được triển khai từ nay tới năm 2025. Đi lại từ khu vực biên giới, từ miền núi xuống đồng bằng, vùng biển trong nội tỉnh Thanh Hóa sẽ không còn “điểm nghẽn”, đảm bảo hoạt động kinh tế thông suốt.

Theo các chuyên gia, huyết mạch giao thông chính là sợi dây giúp thu hẹp khoảng cách giữa Thanh Hóa với các với các đầu tàu kinh tế của cả nước. Sắp tới, di chuyển từ TP. Thanh Hóa hay Sầm Sơn tới Thủ đô Hà Nội chỉ mất chưa tới 2 giờ đồng hồ, khi cao tốc Thanh Hóa - Ninh Bình, một phần của cao tốc Bắc - Nam đi vào hoạt động. Dự án vừa có thêm bước tiến trong tháng 7 vừa rồi khi 2 ống hầm Tam Điệp nối Thanh Hóa với Ninh Bình đã được đào thông. Con đường trọng điểm dài hơn 63 km, được đầu tư lên tới 12 nghìn tỉ đồng này sẽ khớp nối với tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình.

Có thể thấy, Thanh Hóa đang dồn lực đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Minh chứng là nguồn vốn đầu tư cho hạ tầng luôn chiếm tỉ trọng cao trong tổng nguồn vốn huy động cho đầu tư phát triển, như ở giai đoạn 2016 - 2020 lên tới 610 nghìn tỉ đồng, gấp 1,86 lần giai đoạn 2011 - 2015. Con số này cao nhất trong các tỉnh Bắc Trung bộ và đứng thứ 5 cả nước. Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, phát triển hạ tầng giao thông cũng là một trong 3 khâu đột phá chiến lược, giúp Thanh Hóa khắc phục những điểm nghẽn, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

“Dọn ổ” đón “đại bàng”

Hạ tầng giao thông đi trước sẽ góp phần đánh thức nhiều tiềm năng còn đang ngủ yên của Thanh Hóa. Địa phương này đang hội tụ rất nhiều động lực phát triển các ngành kinh tế như: cơ cấu dân số vàng, nằm tại vị trí cửa ngõ “vào nam, ra bắc”, diện tích rộng lớn, địa bàn trải dài từ vùng núi - đồng bằng - vùng biển. Trên thực tế, 4 trung tâm kinh tế đã hình thành ngày càng rõ nét trên địa bàn, gồm: TP. Thanh Hóa - Sầm Sơn; trung tâm phía Nam (Khu Kinh tế Nghi Sơn); phía Bắc (Thạch Thành - Bỉm Sơn) và phía Tây (Lam Sơn - Sao Vàng).

Ngoài ra, Thanh Hóa cũng đang tạo lập chính sách thu hút đầu tư, tạo cú hích cần thiết. Trong 5 yếu tố cạnh tranh mà Thanh Hóa vận dụng, quy trình nhanh gọn và cơ chế hấp dẫn là các tiêu chí đầu tiên. Với phương châm “Doanh nghiệp thành công - Thanh Hóa phát triển”, bất kể nhà đầu tư nào cũng đều được chính quyền đồng hành và cam kết, từ khâu lựa chọn địa điểm phù hợp, tới thực hiện các thủ tục liên quan; đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng; đầu tư hạ tầng từ đường đến chân hàng rào dự án hay tháo gỡ mọi vướng mắc phát sinh.

{keywords}

Nhiều nhà đầu tư hiện diện đã làm thay đổi diện mạo đô thị Thanh Hóa

Nhờ “thiên thời - địa lợi - nhân hòa”, tỉnh đang đón một làn sóng đầu tư lớn chưa từng có, với sự góp mặt của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới. Trong quý I năm nay, Tập đoàn Foxconn (Đài Loan) đã đề xuất đầu tư khu công nghiệp quy mô khoảng 150ha với mức vốn 1,3 tỷ USD. Trước đó, vào tháng 6 năm ngoái Milennium Energy (Hoa Kỳ) ngỏ ý đầu tư xây dựng nhà máy phát điện bằng khí hóa lỏng với quy mô vốn lên tới 5 tỷ USD.

Các doanh nghiệp trong nước cũng không chậm chân trong việc chớp thời cơ vàng. Những doanh nghiệp tiên phong như Tập đoàn Vingroup, Sun Group, T&T, Eurowindow, BRG group, TNR Holdings hay Flamingo... đã hiện diện tại Thanh Hóa. Đặc biệt, nhiều dự án đã thành hình với phong cách khác biệt như Vinhomes Star City đang tạo nên một diện mạo mới cho mảnh đất Lam Kinh. Điều này kéo theo thị trường bất động sản tại đây ghi nhận mức tăng giá kỷ lục trong năm qua.

Trong thời gian ngắn tới đây, khi làn sóng đầu tư duy trì đà tăng trưởng ổn định, Thanh Hóa sẽ “cất cánh” trở thành một trong những địa phương phát triển hàng đầu cả nước, mang lại cơ hội lớn cho các nhà đầu tư nhanh chân.

Minh Tuấn