Những năm gần đây, hạ tầng giao thông đường bộ, cảng biển, hàng không tại Phú Quốc liên tục được triển khai, nâng cấp đồng bộ.
Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc cho biết, Thủ tướng đã phê duyệt đến năm 2030 Phú Quốc là trung tâm du lịch quốc gia, trung tâm nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp cấp quốc gia, khu vực và quốc tế. Do đó, chính quyền huyện đảo trong thời gian qua đã tập trung nguồn lực mạnh để đầu tư kết cấu hạ tầng. “Hạ tầng giao thông nội đảo, sân bay quốc tế, cảng biển quốc tế, hệ thống cấp điện, nước, môi trường được quan tâm đầu tư để thu hút lượng lớn nhất đầu tư đến Phú Quốc”, ông Hưng chia sẻ.
Tiềm năng du lịch lớn với nhiều điểm đến hấp dẫn, hạ tầng ngày càng hoàn thiện đang biến Phú Quốc trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn bậc nhất châu Á. |
Đường bộ
Thực tế, trong những năm qua, tại Phú Quốc, hệ thống hạ tầng giao thông, từ đường bộ, đường thuỷ đến hàng không được triển khai đồng bộ và đưa vào khai thác, sử dụng. Có thể kể đến những dự án như Sân bay quốc tế Phú Quốc, Cảng biển hàng hoá quốc tế An Thới, Cảng biển hành khách Dương Đông, đường quanh đảo, đường trục chính Nam - Bắc…
Với đường bộ, trong quy hoạch hạ tầng đến 2020, định hướng 2030, hàng loạt tuyến đường cơ sở được triển khai xây dựng. Gần đây nhất, UBND Kiên Giang quyết định rót hơn 919 tỷ đồng nâng cấp, mở rộng tuyến Gành Dầu - Cửa Cạn - Dương Đông. Mặt đường mở rộng từ 7-11m với 2 làn xe lên 20m chưa kể vỉa hè với 4 làn xe ô tô, 2 làn xe hỗn hợp. Sau khi thông xe, thời gian di chuyển từ Bắc đảo vào trung tâm Phú Quốc dự kiến rút ngắn còn khoảng 1/2.
Giữa năm 2019, Tập đoàn Vingroup công bố thành lập Công ty TNHH Dịch vụ vận tải VinBus, tham gia chính thức vào lĩnh vực vận tải hành khách, dự kiến sẽ sớm cung cấp hàng trăm chuyến xe mỗi ngày, kết nối điểm đầu từ dự án Grand World tới sân bay Phú Quốc, trung tâm thị trấn Dương Đông và các điểm tham quan khác của địa phương như: cơ sở ngọc trai, trường đua chó... Với việc đưa vào vận hành tuyến VinBus, đặc biệt trong bối cảnh giao thông đường bộ tại huyện đảo này đang được nâng cấp hàng ngày, thời gian tới, bài toán di chuyển cho du khách trên đảo sẽ trở cải thiện, góp phần lớn cho việc vận hành của các dự án lớn, hỗ trợ phát triển du lịch tại Phú Quốc.
Đường biển
Từ Thái Lan, Campuchia, Malaysia, Indonesia… sang Phú Quốc chỉ mất khoảng 2 tiếng đi bằng tàu thuỷ. Tuy nhiên, suốt một thời gian dài, Phú Quốc không thu hút được nguồn khách từ các quốc gia này do sự hạn chế của cơ sở hạ tầng. Thiếu cảng nước sâu, thiếu chỗ đỗ tàu lớn khiến cho giao thông đường thuỷ tại Phú Quốc gặp không ít trở ngại.
Sau khi hoàn thành cảng biển quốc tế An Thới vào năm 2012 cũng góp phần vào cải thiện hạ tầng cảng biển tại Phú Quốc. Tuy nhiên, công suất của cảng tiếp nhận tàu chở 1.000-2.000 khách được cho là chưa tương xứng với nhu cầu phát triển du lịch tại Phú Quốc.
Năm 2016, cảng hành khách quốc tế Phú Quốc quy mô 180 ha, có thể tiếp nhận tàu chở 5.000-6.000 hành khách kết hợp khai thác container hàng sạch được khởi công. Quy mô của cảng này lớn hơn cảng An Thới với cầu tàu dài 400 m trong đó cầu chính dài 240 m rộng 19 m cho phép tàu cập bến cả 2 bên. Khi hoàn thiện, cảng hành khách quốc tế Phú Quốc sẽ là dự án đặc biệt quan trọng để thúc đẩy du lịch tại đảo vì thực tế Phú Quốc có tiềm năng cực lớn trong phát triển du lịch đường biển.
Phú Quốc cũng được cho là sẽ hưởng lợi rất lớn khi dự án kênh đào Kra Thái Lan nối liền Ấn Độ Dương với vùng biển Đông Á thành hiện thực. Theo thiết kế thì kênh đào Kra có độ sâu 26m, chiều rộng 2 làn 340 m và chiều dài hơn 100 km, cho phép tàu 350.000 tấn qua lại thuận tiện. Dự án xây dựng kênh Kra đã được tái khởi động vào tháng 5/2015. Vùng biển Kiên Giang vốn nằm rất gần đường hải lưu quốc tế. Tàu bè khi đi qua kênh đào Kra hướng thẳng đến Phú Quốc; biến hòn đảo này trở thành một trạm dừng chân quốc tế, vùng kinh tế đặc biệt. Thậm chí, theo đánh giá từ nhiều tổ chức quốc tế, Phú Quốc có thể trở thành “Singapore thứ 2 của châu Á” nếu kênh đào Kra được triển khai.
Đường không
Với hàng không, hạ tầng tại Phú Quốc hiện nay về cơ bản đáp ứng đủ. Đến 2030, theo quy hoạch, sân bay có khả năng tiếp nhận 20 máy bay trong giờ cao điểm, công suất 7 triệu hành khách mỗi năm. Di chuyển bằng hàng không cũng là phương thức phổ biến nhất của hành khách khi đến du lịch tại huyện đảo này. Hiện tại, mỗi ngày có 29 chuyến bay đến Phú Quốc. Trong đó có các tuyến quốc tế từ Côn Minh, Quảng Châu, Bangkok, Kuala Lumpur, Seoul với tần suất hàng ngày hoặc 3-4 chuyến/tuần.
Các đường bay đến Phú Quốc liên tục được tăng cường. Năm 2019, hàng loạt hãng hàng không Việt Nam cũng lên kế hoạch tăng chuyến đến Phú Quốc.
Bên cạnh đó, hãng hàng không Vinpearl Air cũng đang “nóng lòng” chờ được cất cánh. Dự kiến, trong tương lai số chuyến bay của Vinpearl Air tới đảo Ngọc cũng sẽ nhiều vì hiện tại, Vingroup đang triển khai nhiều dự án với tỷ lệ lấp đầy cao như quần thể Vinpearl Resort & Golf, Vinpearl Land, VinOasis... Đặc biệt, dự án Grand World nằm “sát vách” với mô hình tổ hợp vui chơi - giải trí - nghỉ dưỡng 24/7 đầu tiên dự kiến sẽ là thỏi nam châm mới tại khu vực Đông Nam Á. Lượng khách của các dự án này cũng chính là khách hàng tiềm năng của hãng hàng không của Vinpearl Air.
Hạ tầng ngày càng đồng bộ được cho là nhân tố quan trọng góp phần thu hút các nhà đầu tư “đổ tiền” vào Phú Quốc và phát triển huyện đảo trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí cao cấp quốc gia và quốc tế, trung tâm tài chính tầm cỡ khu vực như định hướng phát triển.
Minh Tuấn