Lợi dụng thị trường nóng sốt, nhiều cò đất tung chiêu lừa khách hàng. Nhiều “thánh nổ” cũng chuyển từ đa cấp sang mở lớp dạy làm giàu từ bất động sản để kiếm tiền bằng “nước bọt”.

Thà bị chửi chứ không để mất khách

Bất động sản là tài sản có giá trị rất lớn, trong khi đó, môi giới đa phần tuổi đời còn trẻ, thậm chí ra trường thất nghiệp là đi làm môi giới. Những câu chuyện hy hữu kiểu như, chỉ cần gặp khách mua sĩ là kiếm tiền tỉ như chơi cũng khiến nhiều người trẻ dấn thân tìm cơ may.

Câu chuyện của những người môi giới chân chính thường phải nếm không ít chông gai mới thành công. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp vì món lợi lớn trước mắt mà cò đất đã bất chấp, lừa dối khách hàng, để có tiền.

{keywords}
Nhiều “thánh nổ” cũng chuyển từ đa cấp sang mở lớp dạy làm giàu từ bất động sản để kiếm tiền bằng “nước bọt”.

Phó Tổng Giám đốc một công ty bất động sản lớn tại TP.HCM kể lại, khách hàng mua căn hộ qua một môi giới bên ngoài chứ không mua trực tiếp từ chủ đầu tư. Sau nhiều tháng chậm trễ đóng tiền theo tiến độ, bị gửi thông báo phạt nhiều lần, bà mới hoảng hốt lên gặp chủ đầu tư kêu than rằng: “Lúc tôi mua, thằng môi giới nó bảo nó thân với chủ đầu tư nên cứ yên tâm, nếu chưa có đủ tiền đóng theo tiến độ thì nó sẽ xin, không bị phạt đâu, đến giờ thì gọi nó bảo đã nghỉ công ty rồi”.

Anh Phúc, một khách hàng mua căn hộ thuộc dự án M ở mặt tiền Xa lộ Hà Nội, quận 2, qua môi giới. Môi giới này khẳng định, dự án chỉ có 4 tháp căn hộ và chọn cho anh căn hộ không bị che view. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian, khi 4 tòa tháp bán gần hết, chủ đầu tư lại tung ra bán tháp thứ 5. Không chỉ tăng mật độ dân số, thêm áp lực về hạ tầng, tiện ích mà căn hộ anh Phúc còn bị che mất view. Đến lúc này gọi lại môi giới thì chỉ nhận được câu trả lời, “em đã nghỉ làm, anh lên chủ đầu tư hỏi nhé”.

Diễn giả bất động sản “vàng thau lẫn lộn”

Nghề diễn giả đã có từ lâu ở Việt Nam, phần lớn những người này theo học các khóa huấn luyện kỹ năng mềm ở nước ngoài, sau đó về dạy lại. Tuy nhiên, diễn giả bất động sản thì mới chỉ nở rộ dạo gần đây.Trong đó có thể kể đến những cái tên đình đám như: Võ Phi Nhật Huy, Võ Phi Nhật Quang, Lâm Thiên Sơn, Nguyễn Thành Tiến…

Những khóa đào tạo được mở ra với tên gọi rất hoàng tráng như: Công thức thành công tuyệt đỉnh từ bất động sản; Bí quyết tích lũy hiệu quả để có tài sản triệu đô; Tự do tài chính bằng bất động sản; Bí quyết kiếm tiền tỷ từ bất động sản… Nghe tên khóa học, những người muốn làm giàu dễ dàng rất khó kìm được lòng tham.

Một chuyên gia uy tín trong ngành bất động sản cảnh báo, hiện nay, lợi dụng bất động sản đang nóng, nhiều người quan tâm nên chiêu trò dạy làm giàu để kiếm tiền từ sự thiếu hiểu biết cũng rất nhiều.

Theo chuyên gia này, nhiều người tự đứng lên bục tự xưng là diễn giả; bỏ tiền đăng quảng cáo trên báo rồi tự khoe mẽ là được truyền thông tôn vinh; thấy người nào nổi tiếng là lại xin chụp hình chung để khoe quen biết; vay tiền mua nhà, ô tô để tạo vỏ bọc giàu sang; tự khoe là có công ty 5 triệu đô, 50 triệu đô… nhưng cái đó chỉ có cục thuế mới biết. Những chiêu trò này chẳng khác gì các công ty đa cấp đã làm.

Sau một thời gian hoạt động, một số “diễn giả” đã bị cộng đồng mạng lên tiếng phản ứng. Trong đó, có hẳn một trang trên facebook với tên gọi “SỰ THẬT Võ Phi Nhật Huy” đăng nhiều thông tin liên quan đến chiêu trò đa cấp, thu hút hàng ngàn lượt thích và bình luận. Võ Phi Nhật Huy cũng đã trần tình trên báo rằng “Tôi chưa bao giờ tham gia một công ty đa cấp nào. Tôi không bao giờ xây dựng BIG GROUP theo hướng đa cấp” nhưng “cuộc chiến” trên mạng xã hội vẫn chưa hồi kết.

Trong thời điểm thị trường vẫn đang “tranh tối - tranh sáng” chiêu trò kiếm tiền theo kiểu đa cấp sẽ còn nhiều biến tướng. Theo các chuyên gia, cần phải tìm hiểu kỹ và có sự phân tích, chọn lọc thông tin chứ không nên vội tin vào những câu chuyện “diễn giả” tự bỏ tiền ra để PR, quảng cáo.

Quốc Tuấn