Theo CNN, tranh cãi bùng phát từ hôm 20/12/2018 sau một cuộc chạm trán giữa một máy bay Nhật Bản, mà Tokyo tuyên bố là thu thập thông tin tình báo, với một tàu khu trục của Hàn Quốc mà Seoul cho rằng đang thực thi sứ mệnh nhân đạo.
Hai phía bất đồng về diễn biến tiếp theo, trong khi Nhật Bản nói Hàn Quốc nhắm vào máy bay của họ bằng radar khóa mục tiêu, thì Seoul cho rằng máy bay của Tokyo bay thấp tới mức nguy hiểm, và radar của nước này không định theo dấu bất cứ máy bay nào của Nhật Bản.
Bất đồng leo thang nhanh chóng, đẩy những tranh chấp lịch sử trước đây trở lại vị trí nổi bật, đe dọa sự bình ổn của khu vực. "Địa chính trị Đông Á bị chấn động và tới giờ vẫn chưa ổn định", Van Jackson, cựu quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ chuyên về châu Á-Thái Bình Dương, nói.
Ngay sau vụ việc trên, Nhật Bản và Hàn Quốc đã có các cuộc gặp cấp chuyên viên nhằm giải quyết kín tranh chấp, song có vẻ nó không có tác dụng, vì không bên nào chấp nhận giải thích của đối phương.
Nhật Bản công bố video về vụ đối đầu từ góc nhìn của mình hôm 28/12/2018 trong khi Hàn Quốc cũng đưa ra một video về vụ việc trên hôm 4/1. Cả Tokyo và Seoul đều buộc tội lẫn nhau về việc đưa ra cái nhìn sai lệch cho công chúng, bóp méo sự thật.
Nghị sĩ đảng cầm quyền Dân chủ của Hàn Quốc Song Young-gil, thậm chí còn kêu gọi Seoul rút khỏi Thỏa thuận An ninh chung về thông tin quân sự - hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo nhạy cảm giữa hai nước.
Ngoại trưởng Nhật Bản và Hàn Quốc đã gặp nhau bên lề Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ vào tuần trước để thảo luận về vụ việc trên. Tuy nhiên, cuộc gặp kết thúc với một tuyên bố dường như không giải quyết được vấn đề gì.
Mỹ, quốc gia đồng minh của Nhật Bản và Hàn Quốc, thường giúp hòa giải tranh chấp, lần này không có mặt tại Davos do Tổng thống Mỹ Donald Trump hủy chuyến đi tới Thụy Sĩ để giải quyết việc chính phủ Mỹ phải đóng cửa.
Hoài Linh