Bắt đầu sửa cáp quang biển APG từ ngày 29/6
Sự cố xảy ra ngày 30/4/2020 trên nhánh S9 hướng kết nối đi Singapore của tuyến cáp biển APG sẽ được đối tác quốc tế bắt đầu sửa từ ngày 29/4/2020 (Ảnh minh họa)

Như ICTnews đã thông tin, liên tục từ cuối tháng 4/2020 đến giữa tháng 6/2020, ba tuyến cáp quang biển quốc tế mà các nhà mạng tại Việt Nam có khai thác là AAG, APG và AAE-1 đã gặp sự cố, gây ảnh hưởng nhất định đến chất lượng kết nối Internet Việt Nam đi quốc tế.

Sau đó, lần lượt vào sáng ngày 4/6/2020 và tối ngày 7/6/2020, các sự cố trên hai tuyến cáp biển quốc tế AAE-1 và AAG đã được khắc phục xong, khôi phục hoàn toàn lưu lượng trên các tuyến cáp biển này.

Thời điểm hiện tại, chỉ còn duy nhất tuyến cáp quang biển APG đang gặp sự cố. Để đảm bảo chất lượng dịch vụ cung cấp cho người dùng, phần lớn dung lượng kết nối quốc tế đã được các nhà mạng điều chuyển các tuyến cáp đất liền và các tuyến cáp biển khác là SMW3, IA, AAE-1 và AAG.

Tuyến cáp biển APG được đưa vào vận hành chính thức, phục vụ khách hàng từ giữa tháng 12/2016, sau 4 năm đầu tư. Có khả năng cung cấp băng thông tối đa lên tới 54 Tbps, APG có chiều dài khoảng 10.400 km được đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương. Cáp có điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

APG có sự tham gia của các nhà mạng Việt Nam VNPT, Viettel, FPT Telecom, CMC Telecom và được đánh giá là tuyến cáp góp phần mang lại đường truyền ổn định với dung lượng lớn hơn cho người dùng Internet tại Việt Nam.

Trong lần gặp sự cố gần đây nhất, tuyến cáp biển APG bị đứt trên nhánh S1.9 hướng kết nối đi Singapore vào ngày 30/4/2020. Sau đó ngày 23/5/2020, APG lại gặp sự cố trên đoạn S1.7 hướng đi Hong Kong (Trung Quốc), gây mất toàn bộ dung lượng kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế trên tuyến này.

Trong thông tin chia sẻ với ICTnews ngày 19/6/2020, đại diện một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết, sự cố trên nhánh S1.9 hướng kết nối đi Singapore sẽ được khắc phục từ ngày 29/6 tới.

Tuy nhiên, để khôi phục toàn bộ kênh truyền trên tuyến APG, các đối tác quốc tế còn cần phải khắc phục sự cố trên đoạn S1.7 hướng đi HongKong (Trung Quốc) của tuyến cáp.

“Hiện tại, lịch sửa chữa, khắc phục sự cố trên đoạn S1.7 của tuyến APG vẫn chưa được đối tác quốc tế xác định, thông báo. Vì thế, các nhà mạng và người dùng Internet Việt Nam vẫn sẽ phải đợi thêm một thời gian nữa toàn bộ dung lượng trên tuyến cáp APG mới được khôi phục”, đại diện ISP chia sẻ.

Liên quan đến kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế, theo thông tin từ truyền thông quốc tế mới đây, dự kiến trong giai đoạn 2021 – 2022, Việt Nam sẽ được bổ sung thêm 2 tuyến cáp quang biển quốc tế là ADC và SJC2.

Trong đó, tuyến cáp ADC có chiều dài 9.400 km dự kiến hoàn thành vào quý IV/2022, có băng thông lên tới 140 Tb/giây, truyền dẫn dữ liệu từ khu vực Đông Nam Á và Đông Á. Tuyến cáp với các điểm kết nối gồm Hong Kong, tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam.

Còn với SJC2, tuyến cáp dự kiến hoàn thành trong năm 2021, có chiều dài 10.500km, dung lượng 144 Tb/giây và có 11 điểm cập bờ tại Singapore, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Hong Kong, Trung Quốc, Hàn Quốc và một số điểm tại Đài Loan, Nhật Bản.

Bình luận về sự bổ sung trên, trao đổi với ICTnews, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Internet Việt Nam, ông Vũ Thế Bình nhận định, việc các liên minh viễn thông trong khu vực tiếp tục đầu tư triển khai các tuyến cáp biển kết nối các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương sẽ giúp đáp ứng nhu cầu băng thông và góp phần giảm giá thành, giúp thúc đẩy phát triển các dịch vụ Internet và viễn thông trong khu vực, trong đó có Việt Nam.

“Thời gian tới, Việt Nam sẽ có nhiều hướng kết nối quốc tế hơn, do đó nhìn chung Internet sẽ có chất lượng ổn định hơn, giá thành thấp hơn”, ông Vũ Thế Bình đánh giá.

M.T

Mỹ phản đối Google, Facebook nối cáp quang tới Hong Kong

Mỹ phản đối Google, Facebook nối cáp quang tới Hong Kong

Chính phủ Mỹ phản đối việc lắp đặt cáp quang giữa Mỹ và Hong Kong do lo ngại khả năng bị Trung Quốc lợi dụng để thu thập thông tin ảnh hưởng đến an ninh của Mỹ.