Trao đổi với VietNamNet chiều 4/9, bác sĩ chuyên khoa I Nghiêm Xuân Khương, Trưởng khoa Nội, Bệnh viện Đa khoa Vân Đình (Hà Nội), cho hay bé trai gần 4 tuổi ở Hà Nội được đưa vào viện lúc hơn 22h ngày 25/8.
"Thời điểm vào viện cách lúc trẻ bị nạn khoảng 30 phút. Lúc này, trẻ hôn mê sâu, thở ngáp, tăng tiết đờm, nổi vân tím toàn thân, hạ thân nhiệt, nhịp tim rời rạc", bác sĩ Khương cho hay. Tiên lượng bệnh nhân rất nguy kịch, có thể tử vong, ê-kíp trực lập tức bật báo động đỏ, huy động các thầy thuốc để cứu bé trai.
Các biện pháp hồi sức cấp cứu nhanh chóng được triển khai, như ủ ấm, bóp bóng, hút đờm, khai thông đường thở, đặt ống nội khí quản, hỗ trợ hô hấp kiểm soát đường thở, dùng thuốc trợ tim, nâng huyết áp... song song với trấn an tâm lý người nhà.
"Khoảng 15 phút sau khi hồi sức, chức năng sống của bệnh nhi bắt đầu ổn định", bác sĩ Khương nói. Sau đó, bệnh viện báo xe cấp cứu, liên hệ tuyến trên, chuẩn bị sẵn sàng phương tiện vận chuyển và cử nhân viên y tế hộ tống chuyển bệnh nhi lên Bệnh viện Nhi Trung ương an toàn.
Sau 5 ngày tích cực điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương, tình trạng sức khỏe tiến triển tốt, trẻ đã được bỏ máy thở và nói chuyện với bố mẹ. Đến ngày 4/9, bệnh nhi đang được theo dõi tại viện.
Bác sĩ Khương cho hay với trường hợp đuối nước, sơ cứu ban đầu ngay tại hiện trường rất quan trọng. Thời gian chịu đựng thiếu oxy của não tối đa chỉ khoảng từ 4-5 phút, nếu quá thời gian này sẽ dẫn tới tổn thương não không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh.
Vì thế, khi thấy một trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, ngừng tim thì cần phải hồi sức tim phổi (thổi ngạt, ép tim) ngay vì đây là thời điểm vàng để cứu sống trẻ.
Hướng dẫn cấp cứu trẻ bị đuối nước. Nguồn: Bệnh viện Nhi Trung ương