Trước bà Thu Nga, đã có nhiều ông chủ BĐS bị bắt vì đưa ra các dự án bánh vẽ, lừa khách hàng thu tiền tỷ rồi không thực hiện. Và với các làm ăn của thời kỳ BĐS sốt nóng trước đây có lẽ sẽ còn nhiều sự việc tương tự vỡ lỡ. Doanh nghiệp trước nguy cơ phá sản, nhiều ông chủ phải ra hầu toà, dự án "treo", khách hàng bỏ tiền tỷ nhưng không biết cách nào để thu hồi vốn.
Huy động hàng trăm tỷ đồng
Thực tế, trong thời gian vừa qua có rất nhiều dự án dù còn chưa giải phóng xong mặt bằng đã quảng cáo rầm rầm trên mạng, vẽ ra những viễn cảnh của những “siêu dự án” rồi huy động vốn trái phép của người dân mà không hề thực hiện dự án. Có những dự án đã huy động 70-80% giá trị nhà, khi thị trường BĐS đổ vỡ đã lộ diện hàng loạt doanh nghiệp bất động sản huy động vốn của người dân nhưng không thực hiện dự án. nhưng vẫn chỉ là bãi đất trống hoặc đóng cọc nhồi rồi bỏ đấy.
Bà Châu Thị Thu Nga đã huy động khoảng 400 tỷ đồng của 800 nhà đầu tư tại dự án B5 Cầu Diễn và dự án “bánh vẽ” HH2. Sau khi cầm tiền, bà Nga đem sử dụng vào các mục đích khác, thay vì đầu tư vào dự án.
Dự án bỏ hoang nhưng huy động vốn hàng trăm tỷ đồng. |
Cũng liên quan tới dự án B5 Cầu Diễn, trước đó vào tháng 9/2013, ông Nguyễn Văn Tuấn, nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Đầu tư xây dựng phát triển Hà Nội đã huy động từ khách hàng, nhà đầu tư thứ cấp hơn 100 tỷ đồng. Vào thời điểm năm 2009-2010, với vai trò làm Tổng giám đốc, ông Tuẫn đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư với Công ty CP Tập đoàn Đầu tư nhà đất Housing để cùng thực hiện dự án B5 Cầu Diễn.
Tương tự như vậy, ngày 26/9/2012, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã bắt giữ ông Trần Ứng Thanh, Tổng giám đốc Cty cổ phần vật liệu xây dựng và xuất nhập khẩu Hồng Hà và các đối tượng có liên quan trong vụ lợi dụng dự án giãn dân phố cổ Hà Nội để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo tài liệu từ cơ quan công an, Công ty Hồng Hà cố tình “ém” thông tin về chủ trương của quận Hoàn Kiếm, tiếp tục sử dụng những văn bản cũ để lừa dối khách hàng, ký hợp đồng huy động vốn. Việc huy động vốn trái pháp luật này kéo dài từ tháng 4/2011 đến hết năm 2011. Ước tính đã có gần 200 người nộp tiền góp vốn với tổng số tiền khoảng gần 200 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Chủ tịch HĐTV công ty TNHH kinh doanh nhà Vĩnh Hững đã bị bắt ngày 17/5/2013 về tội danh lừa đảo, chiếm đoạt sải sản. Ông Long cũng là Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Vina Megastar ((406 Trần Khát Chân). Tập đoàn này thời điểm 2009-2011 được biết đến với nhiều dự án BĐS lớn như Megastar Xuân Đỉnh, dự án chung cư 409 Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai, Hà Nội), dự án cao ốc Hesco Văn Quán (quận Hà Đông) và dự án KCN Yên Mỹ 2 (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên).
Tuy nhiên, trong số các dự án này chỉ có duy nhất dự án Megastar Xuân Đỉnh đã được chủ đầu tư hoàn thành xong phần xây thô. Còn các dự án khác đã bị tạm dừng vô thời hạn.
Hàng loạt lãnh đạo DN BĐS vướng vào lao lý |
Liên quan đến dự án Petro Vietnam Landmark, Cơ quan an ninh điều tra bắt giam Hà Văn Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bất động sản Việt Nam (VN Land) và ông Hoàng Ngọc Sáu (48 tuổi), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Địa ốc dầu khí (PVL)..
Theo phản ánh của đại diện các cư dân, họ đã đóng tiền theo đúng tiến độ và đến nay đã đóng tới hơn 80% giá trị hợp đồng. Thế nhưng đến nay, thời gian giao nhà đã quá hạn tới 2 năm, nhưng tiến độ dự án vẫn chỉ dừng lại ở việc hoàn thành xây thô và đang dừng mọi hoạt động.
Tại Vũng Tàu, C48 đã thực hiện lệnh khởi tố, bắt tạm giam đối với bà Ngô Thị Minh, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần địa ốc An Khang. Theo kết quả điều tra ban đầu, với chức danh chủ tịch HĐQT công ty này, bà Ngô Thị Minh Phượng đã chỉ đạo nhân viên, cấp dưới huy động và sử dụng vốn trái phép, có dấu hiệu lừa đảo khách hàng mua đất. Số tiền vốn Công ty An Khang huy động lên đến 390 tỉ đồng.
Người mua nhà hoang mang
Theo các quy định từ năm 2008, các chủ dự án chỉ cần chứng minh có vốn tự có 20% tổng giá trị đầu tư là coi như có đủ năng lực tài chính thực hiện dự án.
Thị trường BĐS bắt đầu đóng băng, các ngân hàng thương mại không cho vay tiếp, các dự án dở dang không tiếp tục triển khai được, lãi ngân hàng phải trả, tiền chi phí thường xuyên cho các dự án dở dang vẫn phải chi, đẩy các doanh nghiệp BĐS vào tình trạng lỗ nặng, không những mất hết số tiền vốn ít ỏi của mình mà thậm chí còn mất cả số tiền đi vay, huy động được. Và do đi vay, huy động cho dự án này lại để chuẩn bị đầu tư cho dự án khác, chi cho mục đích khác, cuối cùng không trả được nợ nhiều chủ đầu tư đã rơi vào vướng vòng lao lý.
Anh Nguyễn Hùng Linh, 37 tuổi, một nhà đầu tư của dự án B5 Cầu Diễn cho biết đã dùng toàn bộ số tiền tích cóp và vay mượn gần 400 triệu đồng nộp cho Housing Group. Sau khi bà Châu Thị Thu Nga bị bắt, anh Linh cùng nhiều nhà đầu tư khác đang hoang mang về quyền lợi của mình tại dự án này
Ông Nguyễn Văn Tuyến, một khách hàng khác cho hay, số tiền ông đã góp vốn vào dự án 1 tỷ đồng để mua 2 căn hộ. Dự án “bất đông” 4 năm nay, nhiều lần gặp lãnh đạo doanh nghiệp để đòi tiền nhưng đều thất bại. Chưa kể, ông còn bị đe dọa.
Theo ông Tuyến, ông không còn hy vọng dự án được triển trai và mong muốn cơ quan chức năng điều tra và giúp những khách hàng mua nhà có thể lấy lại được khoản tiền đã đóng góp vào dự án.
Trong khi hành trình đòi nhà của cư dân chưa có hồi kết, thông tin ông lãnh đạo bị bắt càng làm cho nhiều người mua nhà tại dự án này hoang mang hơn về số phận của những căn hộ trong mơ của họ.
D.Anh