Ông Trần Đình Long và ông Phạm Nhật Vượng giàu chưa từng có. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Ngô Chí Dũng cũng đang có túi tiền nhiều kỷ lục.

Tâm điểm của thị trường chứng khoán tiếp tục là nhóm cổ phiếu bất động sản và vật liệu xây dựng, trong đó nổi bật là nhóm cổ phiếu thép trong đó có Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của ông Trần Đình Long.

Với 10 phiên tăng liên tiếp, cổ phiếu HPG hiện đang ở mức giá (đã điều chỉnh) cao lịch sử: 35.400 đồng/cp. Ông Trần Đình Long giàu chưa từng có với túi tiền đạt 13,5 ngàn tỷ đồng (600 triệu USD).

Túi tiền của ông Long phình nở không ngừng một phần do kết quả hoạt động kinh doanh tốt của HPG, triển vọng dự án thép mới và một yếu tố tác động từ bên ngoài là vụ cháy một nhà máy thép lớn tại Trung Quốc: Bengang Steel Plates.

Thông tin cháy nhà máy Bengang đã khiến giá thép cán nóng Sàn Giao dịch Tương lai Thượng Hải tăng lên ngưỡng kỷ lục. Sự cố được đánh giá sẽ khiến Trung Quốc siết chặt các quy định về an toàn và nó sẽ khiến nguồn cung bị thắt chặt.

Bên cạnh HPG, nhiều cổ phiếu ngành thép khác cũng tăng giá mạnh trong tuần vừa qua như: VIS, POM, SMC, TLH…

{keywords}
Nhiều cổ phiếu trụ cột lên mức giá cao kỷ lục.

Cổ phiếu bất động sản Vingroup (VIC) của ông Phạm Nhật Vượng cũng lên mức giá cao chưa từng có: 50.200 đồng/cp. Ông Vượng và người thân tiếp tục ghi nhận túi tiền phình nở lên mức cao mới. Ông Phạm Nhật Vượng hiện có số cổ phiếu trị giá khoảng 1,6 tỷ USD.

Cổ phiếu VIC tăng sau khi tập đoàn của ông Vượng vay được một khối lượng tiền lớn để tấn công vào một lĩnh vực hoàn toàn mới: sản xuất ô tô, trong đó có ô tô điện. Dự án có tổng vốn đầu tư 3,5 tỷ USD.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Ngô Chí Dũng cũng đang có túi tiền ở mức kỷ lục khi cổ phiếu VietJetAir (VJC) và VPBANK (VPB) đang trở lại đỉnh cao thiết lập trước đó. VJC đang hướng tới kỷ lục 135.000 đồng/cp, còn VPB đang tìm đường trở về mức giá chào sàn 39.000 đồng/cp.

VPBank là một cổ phiếu được khối ngoại quan tâm. Nhóm Dragon Capital hiện đã đầu tư vào cổ phiếu này cả ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, trong nước áp lực chốt lời vẫn khá lớn và cổ phiếu này gặp khá nhiều khó khăn trên con đường lấy lại mức giá chào sàn. Ông Dũng và người thân hiện đang nắm giữ gần 15% cổ phần VPB, trị giá khoảng 320 triệu USD.

Cùng với HPG, VIC…, khá nhiều cổ phiếu trụ cột khác như Sabeco (SAB) cũng vừa ghi nhận mức giá kỷ lục. Đây một điểm sáng của thị trường nhưng cũng là yếu tố khiến thị trường khó có thể tăng tiếp và chinh phục đỉnh cũ 795 điểm cũng như ngưỡng cản tâm lý 800 điểm.

Một điều đáng ngại nữa là thanh khoản đang giảm sút. Áp lực bán có thể khiến thị trường điều chỉnh giảm trong bối cảnh thiếu thông tin hỗ trợ. Hiện tại, giới đầu tư đang chờ đợi kết quả kinh doanh quý 3 của các doanh nghiệp.

Bên cạnh nhóm xây dựng, vật liệu xây dựng và một số cổ phiếu bất động sản, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang diễn biến tích cực nhờ vào kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của thủ tướng.

Cổ phiếu Sacomreal (SCR) của nhà ông Đặng Hồng Anh, con trai ông Đặng Văn Thành đang có diễn biến tăng giá khá ấn tượng sau khi doanh nghiệp này công bố thông tin về tăng vốn và vay vốn để đẩy mạnh hoạt động.

Thanh khoản của các cổ phiếu FLC, ROS của tỷ phú Trịnh Văn Quyết vẫn rất cao, đóng góp lớn cho thị trường chung.

Về tổng thể, theo nhiều CTCK, thị trường chứng khoán có triển vọng tốt về dài hạn do quy mô và chất lượng tiếp tục tăng lên. Tuy nhiên, áp lực chốt lời ở vào thời điểm hàng loạt các cổ phiếu chủ chốt (có tính dẫn dắt thị trường) đang ở mức cao kỷ lục có thể khiến thị trường điều chỉnh.

Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần trước ngày 4/9, VN-index tăng 3,58 điểm lên 792,31 điểm; HNX-Index tăng 0,58 điểm lên 104,38 điểm. Upcom-Index giảm 0,03 điểm xuống 54,43 điểm. Thanh khoản đạt 207 triệu cổ phần được giao dịch. Giá trị đạt khoảng 4 ngàn tỷ đồng, thấp hơn so với mức trung bình những tuần sôi động gần 4,8 ngàn tỷ đồng trước đó.

H. Tú