Nguy cơ tai nạn cao từ xe tập lái
Sự việc vừa xảy mới đây liên quan đến chiếc ô tô tập lái khiến bé gái 5 tuổi đi xe đạp tử vong tại Nam Định một lần nữa khiến dư luận rúng động về sự nguy hiểm của những chiếc xe tập lái khi lưu thông trên đường.
Cụ thể, vào chiều ngày 11/8, chiếc xe ô tô BKS 18A - 005.40 gắn biển "tập lái" di chuyển trên tuyến đường của khu dân cư tập trung Hải Thanh, xã Hải Thanh (huyện Hải Hậu) và va chạm từ phía sau với xe đạp chở 2 cháu bé (1 cháu 5 tuổi và 1 cháu 11 tuổi) đang đi trên tuyến đường này.
Cháu lớn thấy vậy nên chạy vội lên vỉa hè để tránh, chiếc ô tô lúc này vẫn tiếp tục di chuyển, khiến cháu N.T.T. (5 tuổi) bị thương nặng, được đưa vào Bệnh viện đa khoa Hải Hậu cấp cứu nhưng đã không qua khỏi.
Theo lãnh đạo xã Hải Thanh, chiếc xe tập lái trên là của trường Trung cấp Đại Lâm, có địa chỉ tại phường Lộc Hạ, TP. Nam Định. Thời điểm trên, trong xe chỉ có 2 nữ học viên đang tập lái xe, còn thầy giáo dạy lái đã ra ngoài ngồi uống nước.
Dù chưa có kết luận chính thức từ phía cơ quan công an, tuy nhiên có thể thấy trong sự việc đau lòng trên, trách nhiệm của cá nhân (2 học viên, thầy giáo trực tiếp dạy lái xe) và của cả cơ sở đào tạo là rất rõ ràng. Các chuyên gia pháp lý cho rằng, những người liên quan trực tiếp hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù đến 10 năm.
Trước đó không lâu, một vụ tai nạn chết người liên quan đến xe tập lái xảy ra tại TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) cũng được dư luận hết sức quan tâm.
Vào chiều 19/6, anh Trần Trường Giang, 21 tuổi, điều khiển xe ô tô tải tập lái lưu thông trên quốc lộ 91 đoạn qua phường Bình Đức, TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang) đã va chạm với một xe máy khiến người đàn ông đi xe máy tử vong. Thời điểm này có ông Trần Văn Thảo (45 tuổi, thầy dạy lái) cũng ngồi trên xe.
Việc một chiếc xe gắn biển "tập lái" lạng lách, đánh võng, tạt đầu xe khác hay chạy kiểu "rùa bò" trên đường cao tốc không phải hiếm gặp. Và không ai dám chắc, những chiếc xe này đang được điều khiển và giám sát bởi những người có đủ năng lực điều khiển xe theo quy định.
Hiện, chưa có thống kê chính thức về số vụ tai nạn do xe tập lái gây ra, nhưng từ các vụ tai nạn dẫn đến thương vong như đã nêu ở trên, rõ ràng xe ô tô tập lái đã và đang trở thành nguồn gây nguy hiểm cao cho những người cùng lưu thông trên đường. Thế nên, nhiều người điều khiển ô tô, xe máy khi thấy xe tập lái thường có tâm lý tìm cách tránh xa cho... lành.
(Tình huống chiếc xe tập lái đã suýt đấu đầu với xe tải trên cầu Thăng Long, Hà Nội. Video: HLX)
Sự chủ quan đến từ thầy và trò
Từng là người học lái xe vào năm 2013 tại một trung tâm đào tạo của một trường đại học có tiếng ở Hà Nội, anh Phạm Hồng Việt Anh kể lại, ngay từ buổi học đầu tiên làm quen với vô lăng và cần số, anh đã được thầy dạy lái xe cho tự điều khiển trên đại lộ Thăng Long để đến một sân tập lái ở Hoà Lạc.
"Sau khoảng 3 phút dừng xe ở đầu đại lộ để làm quen với 'số nguội' và vị trí bàn đạp côn phanh ga, tôi đã được thầy giáo ưu ái cho tự lái một đoạn đường dài. Lúc đó, phần vì cảm giác háo hức khi lần đầu được lái xe trên đường, phần vì quá tự tin nên tôi đã không ngần ngại tự lái đoạn đường dài vài chục km. Tất nhiên có thầy ngồi bên cạnh với phanh phụ, nhưng sau đó nghĩ lại, tôi vẫn thấy mình quá liều và chủ quan. Cũng may buổi hôm đó không có việc gì đáng tiếc xảy ra trên đường", anh Việt Anh chia sẻ.
Còn chị Nguyễn Thu Hà ở Hoà Bình mới được cấp giấy phép lái xe chưa lâu cũng thừa nhận, quá trình học lái xe của mình diễn ra "như một canh bạc". Thời gian đầu, thầy giáo đưa nhóm học viên ra bãi đất trống ở gần nhà để tập lái cho quen trước chứ không cho vào sân tập ngay.
Còn khi được đi trong sa hình, thầy cũng chỉ hướng dẫn cho nhóm học viên khoảng 1-2 buổi đầu, sau đó ngồi một chỗ uống nước, để các học viên tự "bò" trên bãi tập. Do vậy, việc các học viên không may đâm xe vào vỉa hoặc thậm chí tông vào gốc cây ở bãi tập là chuyện... cơm bữa.
"Nhìn lại quá trình học lái xe, tôi thấy họ chủ yếu dạy để thi đỗ trên sa hình chứ không phải dạy để lái tốt ngoài thực tế. Thế nên kể cả khi có giấy phép lái xe, tôi cũng vẫn phải thuê người phụ đạo thêm cả tuần mới dám mang xe đi ra đường", chị Hà nói.
Chia sẻ với VietNamNet, ông Nghiêm Xuân Đỉnh - người có kinh nghiệm hơn 20 năm lái xe và hiện đang là quản lý đào tạo của một trung tâm dạy lái xe ở Hà Nội cho biết, về nguyên tắc thì những xe cho học viên tập lái chỉ được đi trên những tuyến đường ghi trên giấy phép xe tập lái. Giấy phép này do sở GTVT cấp với thời gian bằng với chu kỳ đăng kiểm của xe.
Tuy nhiên, nhiều thầy dạy lái muốn tiết kiệm thời gian nên đã tự ý cho học viên của mình ngồi điều khiển xe từ nhà đến sân tập để học viên có thêm "giờ bay" đường trường, bất chấp nguy hiểm có thể xảy ra trên đường. Ngoài ra, không hiếm thầy giáo để học viên của mình tự tập trong sân, còn bản thân mình ngồi...chơi.
Theo ông Đỉnh, việc để các học viên tự điều khiển xe mà không có sự giám sát trực tiếp của giáo viên kể cả ở trong bãi tập là việc bị cấm ở rất nhiều trung tâm.
Còn nếu đi ra đường trường mà thầy giáo cho học viên (chưa có bằng lái xe) tự ý điều khiển phương tiện thì giáo viên đó đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ khi đã giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển; còn học viên đương nhiên cũng vi phạm khi tự ý điều khiển ô tô khi chưa có bằng lái.
"Sắp tới, khi quy định về thiết bị giám sát hành trình GPS trên xe được áp dụng, học viên sẽ được giám sát chặt chẽ và chỉ được chạy trên một cung đường được cấp phép với đủ thời gian đào tạo theo hạng giấy phép lái xe. Khi đó, việc thầy giáo tự ý cho học viên cầm lái trên đường sẽ giảm bớt", ông Đỉnh thông tin.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, trước khi có những quy định siết chặt hơn về đào tạo lái xe, các giáo viên và học viên cũng cần nâng cao ý thức và trách nhiệm của bản thân khi học và lái xe trên đường trường. Cả thầy và trò đều không được chủ quan để dẫn tới những sự cố không đáng có cho chính mình và người khác.
Quy tắc đảm bảo an toàn cho xe ô tô tập lái Về điều kiện tham gia giao thông, điều 58 Luật Giao thông đường bộ quy định: "Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái". Bên cạnh đó, xe tập lái và người ngồi trên xe tập lái phải tuân thủ các quy tắc sau: - Xe tập lái phải có giấy phép xe tập lái do Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải cấp. - Xe tập lái phải có biển xe “Tập lái” theo mẫu; có ghi tên cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý trực tiếp ở mặt ngoài hai bên cánh cửa hoặc hai bên thành xe theo quy định. - Giáo viên thực hành phải đeo phù hiệu “Giáo viên dạy lái xe”, học viên tập lái phải đeo phù hiệu “Học viên tập lái xe”. - Giáo viên dạy thực hành phải cho học viên chạy đúng tuyến đường, thời gian quy định trong giấy phép xe tập lái. |
Hoàng Hiệp
Bạn có góc nhìn (hoặc có trải nghiệm) nào về vấn đề trên? Hãy chia sẻ bài viết về Ban Ô tô xe máy theo email: [email protected]. Các nội dung phù hợp sẽ được đăng tải. Xin cảm ơn!