Lo chống dịch, vừa mở lại đóng
Từ 12h ngày 8/6, khi dịch Covid-19 được kiểm soát, Quảng Ninh thông báo mở cửa đón khách du lịch trở lại, ban đầu là với khách nội tỉnh. Sau đó khoảng một tuần, một số khu nghỉ dưỡng cũng được phép đón khách tại các địa phương khác ăn - nghỉ, tham quan tại chỗ, với điều kiện khách có kết quả xét nghiệm PCR âm tính.
Tuy nhiên, với tâm lý lo lắng, bất an, khách đến Quảng Ninh vẫn thưa thớt. Chính vì vậy, để kích cầu du lịch nội địa, ngày 18/6, HĐND tỉnh quyết định thông qua nghị quyết miễn 100% vé vào vịnh Hạ Long, Yên Tử, Bảo tàng Quảng Ninh cho du khách trong tất cả các ngày, từ nay đến hết năm 2021, thay vì mức giảm 50% như trước.
Tuy nhiên, khách vừa vui mừng chuẩn bị xách vali đi chơi thì dịch Covid-19 ngày 23/6 bất ngờ lại xuất hiện tại Quảng Ninh, nguy cơ lây nhiễm cộng đồng lớn, đặc biệt là tại Cẩm Phả. Địa phương phải rốt ráo lo chống dịch.
Hạ Long dừng toàn bộ các hoạt động đông người nơi công cộng từ 12h ngày 25/6 |
Trong thông báo mới nhất, Quảng Ninh quyết định từ 12h ngày 25/6 dừng tất cả các hoạt động tập trung đông người, tôn giáo, lễ hội, bãi tắm công cộng trên địa bàn TP. Hạ Long, Cẩm Phả, huyện Vân Đồn, Cô Tô. Điều này lập tức khiến du lịch vạ lây.
Giám đốc một công ty du lịch chuyên về du thuyền tại Hạ Long than thở, một đoàn chuẩn bị khởi hành hôm nay (26/6) bị hoãn vì tàu thông báo dừng đón khách. Một đoàn khách nội tỉnh theo lịch trình đi ngày 30/6 cũng bị hủy. “Kể cả du thuyền ở Hải Phòng cũng được yêu cầu ngừng hoạt động. Chúng tôi bất lực, chưa biết tính sao bởi còn đọng cả đống tiền voucher”, vị giám đốc lo lắng.
Tuy nhiên, một số khu nghỉ dưỡng biệt lập tại Quảng Ninh vẫn đón khách địa phương bình thường, khách ngoại tỉnh được yêu cầu phải có giấy xét nghiệm, nhất là du khách từ Hà Nội, mới được đi qua các chốt kiểm soát. Theo một đại lý du lịch, các booking ở FLC Hạ Long hay Vinpearl Hạ Long của khách không bị ảnh hưởng, trừ khách đi Cẩm Phả sẽ được hỗ trợ bảo lưu.
Khách đi đâu để không bị cách ly?
Trong khi đó, ở các tỉnh Nam Trung Bộ, dịch lây lan khiến nhiều điểm du lịch cũng đóng cửa, không đón khách.
Tại Phú Yên, TP. Tuy Hòa giãn cách theo Chỉ thị 15 của Chính phủ bắt đầu từ 15h ngày 24/6, dừng mọi hoạt động như tắm biển; các tụ điểm, khu vui chơi, giải trí; homestay; các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống; các địa điểm du lịch, tham quan, di tích, bảo tàng; chợ đêm, công viên công cộng...
Như vậy, sau 15 ngày, tức phải đến khoảng 9-10/7, khách du lịch không có cơ hội đi tham quan, tắm biển tại TP. Tuy Hòa, trừ các huyện không bị giãn cách.
Tương tự tại Bình Thuận, địa phương này cũng triển khai giãn cách tại TP. Phan Thiết kể từ 12h ngày 24/6 và huyện Tuy Phong từ 0h ngày 25/6 theo Chỉ thị 15.
Ngoài tạm dừng hay hạn chế các hoạt động công cộng, địa phương này cũng dừng toàn bộ hoạt động các tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh và nội tỉnh, xe chạy hợp đồng, xe chở khách du lịch, xe buýt, xe taxi đi từ TP. Phan Thiết và huyện Tuy Phong đến các địa phương khác trong, ngoài tỉnh và ngược lại.
TP. Tuy Hòa giãn cách xã hội, khách tránh đi du lịch Phú Yên thời điểm này (ảnh minh họa) |
Ngoài ra, các chuyến tàu từ Phan Thiết đi Phú Quý cũng giảm tần suất hoạt động, 2 ngày mới có 1 chuyến ra - 1 chuyến vào, lượng hành khách không quá 150 người mỗi chuyến. Vé chỉ được bán cho những người đang sống sinh tại Phú Quý và khách phải có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong 72 giờ. Không nhận vận chuyển khách từ các địa phương được công bố có dịch ra đảo.
Một số địa phương đang triển khai giãn cách xã hội như Nghệ An, Hà Tĩnh,... hay tạm dừng các hoạt động du lịch, tắm biển, tham quan để tập trung chống dịch như Đà Nẵng, Quảng Nam,… du khách đều không thể đi du lịch, nếu không muốn bị cách ly tại địa phương hoặc đi về bị cách ly 14-21 ngày.
Tại Khánh Hòa, từ 11/6 một số hoạt động ngoài trời được hoạt động trở lại nhưng không tập trung quá 20 người, các bãi biển tiếp tục dừng trông giữ xe. Các quán ăn vỉa hè được bán mang về, các nhà hàng mở cửa thực hiện giãn cách tối thiểu 1m.
Đối với các đảo du lịch, như Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) vẫn tạm dừng các chuyến bay dân dụng chở khách từ 17h ngày 5/6. Các đường bay ra Phú Quốc (Kiên Giang) vẫn hoạt động, nhưng khách đi máy bay phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SAR-nCoV-2 trong vòng 24 giờ. Nếu không, địa phương sẽ tiến hành xét nghiệm và khách phải thanh toán chi phí. Với đường biển, du khách khai báo y tế, quét mã QR tại các cầu cảng trước khi đến đảo Ngọc.
Ở phía Bắc, Hà Giang thông báo kể từ 0h ngày 2/6 dừng đón khách du lịch, dừng tiếp nhận người từ vùng dịch vào tỉnh. Trường hợp thật sự cần thiết phải có phiếu kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính trong vòng 5 ngày. Tỉnh hạn chế tiếp nhận người từ địa phương có dịch đến Hà Giang.
Hiện còn một số điểm đến an toàn mà khách có thể đi du lịch, nhưng được yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp 5K, như các vùng Mai Châu (Hòa Bình), Sa Pa (Lào Cai), Ninh Bình, Pù Luông (Thanh Hóa),... Nhiều khách Thủ đô đang đổ tới đây để trốn nóng, đặc biệt là tại các khu nghỉ dưỡng gần núi, có bể bơi, nhiều cây xanh.
Mới đây nhất, tỉnh Vĩnh Phúc quyết định từ 0h ngày 26/6 cho phép đón khách du lịch và khách chơi golf ngoại tỉnh trở lại, với yêu cầu đã tiêm vắc xin hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 trong thời hạn 5 ngày.
Ngọc Hà
Trốn khỏi nội đô: Ngày nóng bức, nghỉ dưỡng ven Hà Nội ‘cháy phòng’
Nắng nóng gay gắt, không đi du lịch xa được nên người dân Hà Nội đổ xô tìm đến những khu nghỉ dưỡng biệt lập gần Hà Nội. Vì thế, một số resort đang “cháy phòng”.