Ngày 9/2, Công an tỉnh Nghệ An cho biết, Phòng Cảnh sát hình sự chủ trì, phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, công an các tỉnh, thành phố có liên quan vừa phá thành công chuyên án đấu tranh với băng nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 200 tỷ đồng.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát hình sự - Công an tỉnh Nghệ An phát hiện một số đối tượng, ổ nhóm có nhiều dấu hiệu nghi vấn đang làm việc cho các công ty tại nước ngoài lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân Việt Nam. Chuyên án đã được xác lập để đấu tranh.
Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, công an xác định, các đối tượng trong đường dây trên là băng nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, làm việc cho các công ty nước ngoài vì một mục đích chung là lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân Việt Nam.
Quá trình đấu tranh, ban chuyên án xác định Tăng Quảng Vinh (SN 1989, trú tại phường 11, quận 5, TP.HCM) là một trong những đối tượng chủ mưu quản lý, điều hành cấu kết với các đối tượng ở Nghệ An và các đối tượng người Đài Loan (Trung Quốc) tổ chức cho các đối tượng người Việt Nam hoạt động phạm tội trong các công ty tại nước ngoài.
Tổ chức lừa đảo chuyên nghiệp
Các đối tượng người Việt Nam hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại công ty nước ngoài được tổ chức thành 3 tuyến gồm D1, D2, D3.
D1 là các đối tượng sẽ đóng vai cán bộ làm việc tại các cơ quan chức năng có nhiệm vụ gọi cho những người dân theo danh sách đã soạn sẵn, thông báo tới “con mồi” việc bị khóa sim, phong tỏa tài khoản ngân hàng vì nạn nhân đang liên quan tới các tổ chức lừa đảo, hoặc tài khoản, số điện thoại đang được các tổ chức lừa đảo sử dụng để hoạt động phạm tội.
Khi bị hại đã tin tưởng vào kịch bản, các đối tượng D1 sẽ chuyển cuộc gọi của nạn nhân cho D2. D2 là những đối tượng xưng là đại úy A - cán bộ Cục Cảnh sát Bộ Công an (hoặc đơn vị khác phù hợp), thông báo cho bị hại rằng giấy tờ tùy thân của ông/bà đang bị tội phạm lợi dụng phạm tội... (phù hợp với nội dung cuộc gọi của D1), yêu cầu phối hợp điều tra, đe dọa ra lệnh bắt tạm giam, lệnh phong tỏa tài khoản của bị hại.
Khi bị hại sợ hãi, đối tượng yêu cầu bị hại khai báo hiện dùng tài khoản ngân hàng gì, các tài sản (sổ tiết kiệm, tiền mặt, vàng, ngoại tệ, xe cộ...) hiện có để cơ quan chức năng xác minh, nếu không phải bị hại tiếp tay cho tội phạm sẽ trả lại.
Sau khi bị hại cung cấp các thông tin về tài khoản ngân hàng, mật khẩu… các thông tin này sẽ chuyển cho D3 (là các đối tượng chủ mưu, cầm đầu đường dây). D3 yêu cầu bị hại ra ngân hàng đăng ký dịch vụ ngân hàng điện tử, đọc thông tin đăng nhập và các mã OTP cho đối tượng, qua đó chiếm đoạt được tài khoản ngân hàng điện tử của bị hại.
Tiếp đó, các đối tượng D3 yêu cầu bị hại rút sổ tiết kiệm, vay tiền chuyển vào tài khoản ngân hàng rồi thao tác chuyển tiền từ tài khoản ngân hàng của bị hại đến các tài khoản ngân hàng của đối tượng để chiếm đoạt.
Quá trình theo dõi, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, sáng ngày 6/2, ban chuyên án đã phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, công an các huyện Yên Thành, Con Cuông, Diễn Châu, Tân Kỳ, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Tổ 373 (Công an Nghệ An)... và Công an TP.HCM, công an các tỉnh Bình Thuận, Long An, Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) phá thành công chuyên án, đồng loạt khám xét, bắt giữ Tăng Quảng Vinh và 31 đối tượng trong đường dây tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, thu giữ nhiều tang vật.
Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận đã thực hiện nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân Việt Nam cư trú ở nhiều địa phương trên cả nước với số tiền lừa đảo khoảng hơn 200 tỷ đồng.
Chuyên án đang được Công an Nghệ An mở rộng đấu tranh.