Từ sau sự việc khủng bố xảy ra ngày 11/9/2001, tỉnh hình khủng bố diễn ra khó lường, lan rộng ra nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới nhất là ở các phe phái chính trị đối lập; tần suất các cuộc tấn công với quy mô lớn ngày càng tăng và gây mất ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; địa bàn khủng bố đa dạng, phương thức, thủ đoạn khủng bố thay đổi ngày càng tinh vi, nguy hiểm nên công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm khủng bố đối với cộng đồng quốc tế nói chung và mỗi quốc gia nói riêng được xác định là nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Mới đây, Ủy ban Pháp lý (Ủy ban 6) Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 tổ chức phiên họp toàn thể về “Các biện pháp loại trừ chủ nghĩa khủng bố,” với gần 80 nước và đại diện các tổ chức khu vực tham gia thảo luận.
Các nước đều bày tỏ quan ngại tình hình khủng bố trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến hòa bình và an ninh quốc tế, đe dọa sự ổn định và chủ quyền của nhiều quốc gia.
Đại diện các nước lên án chủ nghĩa khủng bố và kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nâng cao trách nhiệm, thực hiện nghĩa vụ quốc tế trong phòng, chống khủng bố. Nhiều nước nhấn mạnh cần bảo đảm nguyên tắc tôn trọng chủ quyền quốc gia trong triển khai các hoạt động chống khủng bố quốc tế. Một số nước nêu bật việc phản đối các hành động tài trợ hoặc hỗ trợ cho các đối tượng khủng bố.
Các thành viên của Phong trào Không Liên kết (NAM) và nhiều nước khẳng định các nước cần có trách nhiệm theo luật quốc tế, không ủng hộ, khuyến khích hoặc cho phép các tổ chức khủng bố hoạt động trên lãnh thổ nước mình.
Các nước cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng, chống khủng bố và bày tỏ ủng hộ đối với vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong vấn đề này.
Phát biểu tại sự kiện, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại Liên hợp quốc cho rằng các nước cần có cách tiếp cận toàn diện trong chống khủng bố ở cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu, dưới vai trò điều phối trung tâm của Liên hợp quốc, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.
Các nước cần tiếp tục giải quyết hiệu quả những thách thức mang tính cấu trúc như bất bình đẳng và tình trạng bất công về chính trị, kinh tế và xã hội. Trong điều kiện các nước đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch COVID-19 và phải đối mặt với nhiều khó khăn về kinh tế-xã hội, sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế cho các quốc gia đang gặp khó khăn là rất quan trọng.
Về trách nhiệm quốc tế của các quốc gia, Đại sứ Đặng Hoàng Giang kêu gọi các nước thực hiện nghĩa vụ theo luật quốc tế, ngăn chặn việc tổ chức, xúi giục hoặc tài trợ cho các hành động khủng bố chống lại các quốc gia khác từ bên trong hoặc bên ngoài lãnh thổ của mình.
Trưởng Phái đoàn Việt Nam cho biết trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong thực hiện Chiến lược Chống khủng bố toàn cầu của Liên hợp quốc và các nghĩa vụ quốc tế trong chống khủng bố. Việt Nam đã hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế và các quốc gia trong phòng, chống khủng bố.
Xuất phát từ tính chất nguy hiểm của hoạt động khủng bố nên Luật số 28/2013/QH13 ngày 12/6/2013 (gọi tắt là Luật phòng, chống khủng bố năm 2013) được ban hành và đi vào thực hiện đã làm rõ nhận thức về khủng bố và công tác phòng, chống khủng bố góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Hiện Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định toàn cầu, nhiều thỏa thuận khu vực hoặc song phương về chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia và đặc biệt coi trọng nghĩa vụ quốc gia theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về chống khủng bố.
Việt Nam cũng coi trọng việc thể chế hoá, đưa các quy định về chống khủng bố vào nhiều văn bản luật có liên quan, đồng thời không ngừng nâng cao năng lực cho các cơ quan thực thi pháp luật, trong đó có việc thành lập Trung tâm Huấn luyện chống khủng bố thuộc Bộ Công an vào tháng 2/2022.
Văn Dương, Hoàng Giang, Xuân Quý