Sau 7 năm triển khai lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc ở cả vị trí cá nhân cũng như đơn vị, vừa qua, Tổ công tác liên ngành và các bộ, ngành liên quan đã tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm, đánh giá lại những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế và đề xuất chủ trương, giải pháp thực hiện trong thời gian tới.

Từ tháng 6 năm 2014 tới nay, Việt Nam đã triển khai 3 Bệnh viện dã chiến cấp 2 (BVDC2) gồm BVDC 2.1, BVDC2.2 và BVDC2.3 tới Nam Sudan. Trong đó, BVDC2.1 và BVDC2.2 đã hoàn thành nhiệm vụ và trở về nước, BVDC2.3 đã lên đường tới Nam Sudan vào ngày 23/3 vừa qua.

{keywords}
Tàu Cảnh sát biển Việt Nam đang làm nhiệm vụ trên biển

Chia sẻ với báo chí, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến cho hay: Kể từ khi ra đời đến nay, với tinh thần tích cực, chủ động, linh hoạt, sáng tạo; dưới sự chỉ đạo, lãnh đạo sâu sát của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và sự phối hợp chặt chẽ của các bộ, ngành, đặc biệt là Tổ công tác liên ngành cũng như sự nỗ lực của cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng ta đã triển khai lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình dưới cả hai hình thức cá nhân và đơn vị.

Đến nay chúng ta đã triển khai 55 lượt sỹ quan ở các vị trí tại các phái bộ và ở Trụ sở Liên hợp quốc; 189 người là cán bộ, bác sỹ, nhân viên y tế tại các bệnh viện dã chiến cấp 2 tại các phái bộ Cộng hòa Trung Phi, Nam Sudan. Điều này thể hiện sự cố gắng vượt bậc đối với các cán bộ, chiến sỹ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, vì đây là một vấn đề mới, là hoạt động quân sự, quốc phòng ở xa Tổ quốc, tại địa bàn khó khăn, gian khổ, thậm chí có nhiều mối nguy hiểm, đe dọa đến tính mạng của cán bộ, chiến sỹ. Tuy nhiên, chúng ta đã vượt qua và hoàn thành rất tốt nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết 1325 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về phụ nữ, hòa bình, an ninh và phát triển, Việt Nam đã cử được 34 nữ quân nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, đạt tỷ lệ hơn 16% so với yêu cầu của Liên hợp quốc là dưới 10%. Vấn đề này đã được Liên hợp quốc đánh giá rất cao.

Tại cuộc gặp cấp cao tại Thái Lan, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã phát biểu, dành những lời rất tốt đẹp để nói về sĩ quan gìn giữ hòa bình của Việt Nam. Chúng tôi cho rằng đó là những đánh giá hết sức xác đáng đối với lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của Việt Nam trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, kết quả qua các đợt công tác ở từng vị trí cho thấy, dù là hoạt động dưới hình thức cá nhân hay đơn vị, các sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, y bác sỹ, nhân viên điều dưỡng của chúng ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và được các phái bộ cũng như lãnh đạo của Liên hợp quốc, đại diện các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao.

Đặc biệt, các đồng chí sau khi hoàn thành nhiệm vụ về nước đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành và trực tiếp là Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng gặp gỡ, động viên, khen thưởng với những hình thức xứng đáng. Đây là sự ghi nhận rất kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành đối với lực lượng tham gia gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc của chúng ta.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ, chúng ta cũng tích cực tham gia vào các cơ chế đa phương của các tổ chức quốc tế và các đối tác. Cụ thể, chúng ta đã tiến hành ký 9 biên bản ghi nhớ về những lĩnh vực liên quan đến gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc với các nước, các đối tác; một bản ghi nhớ với Liên hợp quốc và một bản ghi nhớ với Liên minh châu Âu. Đây là những văn bản hết sức quan trọng, tạo hành lang cũng như những cam kết chính trị để tiếp tục duy trì, thúc đẩy hoạt động gìn giữ hòa bình. 

Cùng với các tập thể và cá nhân tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình ở các phái bộ, chúng ta đã có 4 sỹ quan tham gia vào các vị trí cá nhân ở Trụ sở Liên hợp quốc. Đặc biệt, hiện đang có 3 sỹ quan đảm nhiệm các cương vị sỹ quan tham mưu kế hoạch, sỹ quan tham mưu tổng hợp, sỹ quan tham mưu huấn luyện ở Trụ sở Liên hợp quốc.

Đây là một điểm nhấn trong hoạt động cá nhân của các đồng chí tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, bởi quy trình thi tuyển, xét tuyển vào từng vị trí hoạt động tại Trụ sở Liên hợp quốc rất khó khăn và ngặt nghèo. Mỗi vị trí đều được tuyển chọn từ 150-200 ứng viên, nhưng tất cả các sỹ quan của chúng ta tham gia thi tuyển đều trúng tuyển với điểm số cao. 

Việc thi tuyển cũng cực kỳ chặt chẽ với 4 vòng, từ thẩm định hồ sơ, thi viết, phỏng vấn trực tiếp và trực tuyến, xét tuyển qua Hội đồng, tất cả đều được đánh giá theo tiêu chí, tiêu chuẩn của Liên hợp quốc. Tuy nhiên các ứng viên của chúng ta đều đáp ứng.

Báo cáo của Cục Gìn giữ hòa bình Việt Nam cũng cho thấy, các đồng chí đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, được các phòng chức năng của cơ quan Gìn giữ hòa bình tại Trụ sở Liên hợp quốc đánh giá cao. Tôi cho rằng đây là sự ghi nhận, cho thấy không những chúng ta đáp ứng yêu cầu về số lượng mà cả về chất lượng của đội ngũ cán bộ. Từ khâu tuyển chọn, bồi dưỡng, đào tạo, thi tuyển đều được làm rất tốt. Về vấn đề này, Liên hợp quốc cũng như các tổ chức quốc tế cũng đánh giá rất cao vai trò của Việt Nam.

Một thành tựu rất lớn khác theo tôi là quá trình chúng ta vừa triển khai làm nhiệm vụ tại các phái bộ và tại Trụ sở Liên hợp quốc nhưng cũng đồng thời tìm kiếm các cơ hội để triển khai ở các lĩnh vực, địa bàn khác, vừa hoàn thiện hành lang pháp lý. Theo đó, trên cơ sở Đề án tổng thể về Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc được Bộ Chính trị phê duyệt, chúng ta xây dựng các nghị định, thông tư, quy định để tạo hành lang pháp lý cho lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc.

Đặc biệt, ngày 13/11/2020, Quốc hội khóa XIV đã chính thức thông qua Nghị quyết số 130/2020/QH14 về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Đây có thể coi là sự ghi nhận và thể hiện quyết tâm chính trị của Quốc hội - cơ quan lập pháp cao nhất, trong việc tạo hành lang pháp lý cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam tại Liên hợp quốc có những cơ sở vững chắc để triển khai các hoạt động, thực hiện đúng đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước; thực hiện cam kết hội nhập quốc tế và đối ngoại trong thời gian tới. 

Sau khi báo cáo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tiếp tục chủ trương báo cáo với Đảng, Nhà nước, Chính phủ thúc đẩy hoạt động tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc theo tinh thần Nghị quyết 130 của Quốc hội, theo hướng: Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động này để đảm bảo tuân thủ Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 và các quy định của pháp luật; đồng thời đảm bảo tính tương thích với các điều ước quốc tế.

Vĩnh Sang