LTS: Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, cha ông ta luôn lấy lợi ích quốc gia - dân tộc làm trọng.
Kế sách “giữ nước từ khi nước chưa nguy” được hình thành chính trong những trăn trở khôn nguôi về trọng trách bảo vệ sự toàn vẹn giang sơn, độc lập dân tộc ấy và đã trở thành quan điểm, tư tưởng chỉ đạo chiến lược, kế sách giữ nước trong mọi thời đại.
Ngày nay, quan điểm bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” của Đảng là sự kế thừa bài học, kế sách “giữ nước từ khi nước chưa nguy” của tổ tiên trong lịch sử dựng nước và giữ nước.
Chủ động phòng ngừa ngăn chặn các nguy cơ từ sớm, từ xa là một yêu cầu vừa mang tính cấp thiết vừa là chiến lược lâu dài trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Để có cái nhìn sâu sắc, toàn diện hơn về vấn đề này, VietNamNet tổ chức Tọa đàm “Bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa: Kinh nghiệm lịch sử và bài học thực tiễn” với các khách mời:
- GS.TS Phạm Quang Minh: Nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐHQG Hà Nội
- PGS.TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương: Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược, Bộ Công an Việt Nam
Từ trái qua phải: Nhà báo Diệu Bình; PGS.TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương; GS.TS Phạm Quang Minh |
Phát huy sức mạnh tổng hợp của thời đại cũng như nội tại
Nhà báo Diệu Bình: Thưa các vị khách mời, tư tưởng “lo giữ nước từ khi nước chưa nguy” của ông cha ta và “giữ nước từ sớm, từ xa” có nội hàm thế nào, được hiểu và hình thành ra sao?
PGS.TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương: Từ góc độ khoa học, an ninh thì “giữ nước từ khi nước chưa nguy” là một tư tưởng phòng thủ, phòng ngừa chiến lược, cơ bản và lâu dài. Theo đó, ngay khi đất nước còn thịnh trị, bình thường, những người nắm quyền lực quốc gia đã phải tính xa hơn, nghĩ xa hơn, phòng khi đất nước lâm nguy. Như cách ví von gần gũi của các cụ ta chính là “lúc no phòng khi đói”.
Tư tưởng này gần như là luận thuyết chiến lược phòng ngừa từ xa mà các quốc gia đều phải thực hiện theo.
Tuy nhiên, mỗi thời đại một khác. Thời phong kiến thì “giữ nước từ khi nước chưa nguy” chủ yếu là phòng ngừa ngoại xâm. Bây giờ vẫn vậy nhưng trong điều kiện toàn cầu hóa, với sự phát triển như vũ bão của cách mạng khoa học, công nghệ, thế giới vật lý tự nhiên thu nhỏ lại, không gian vật lý không còn ý nghĩa nữa.
Do vậy đối với các quốc gia, nguy cơ không chỉ đến từ ngoại xâm, dù nó vẫn còn, nhưng không phải thường trực. Hiện nay, nguy cơ đến từ nhiều hướng, nhiều phía khác nhau, kể cả an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống, đặc biệt là cả bên ngoài lẫn bên trong.
Chẳng hạn, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng rất nhiều lần nhắc nhở, Đảng viên cán bộ là phải phấn đấu thành công bộc của dân, kiên quyết chống tha hóa nội bộ. Bác coi tha hóa, tham nhũng là giặc nội xâm.
Nguy cơ đe dọa sự tồn vong của đất nước hiện nay khác trước, không chỉ từ bên ngoài mà còn nằm ở bên trong (ngoại xâm và nội xâm). Đây là cái mới trong vấn đề bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
GS.TS Phạm Quang Minh: Theo tôi, ngày nay, trong bối cảnh hiện đại, toàn cầu hóa, cách mạng công nghiệp 4.0, những mối đe dọa an ninh phi truyền thống gia tăng… thì có thể nhìn nhận nội hàm của bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa theo 4 khía cạnh.
Một là luôn luôn chủ động nắm vững tình hình, phải phân tích, nghiên cứu và đưa ra những dự báo có tính chất khoa học và khách quan. Chúng ta phải luôn chủ động, không bao giờ được thụ động chờ khi “nước đến chân mới nhảy”.
Hai là phải xây dựng tiềm lực quốc phòng, xây dựng thế trận lòng dân, xây dựng quân đội ngày nay theo tinh thần, chủ trương của Đảng là đến năm 2030 chúng ta phải có quân đội chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.
Khía cạnh thứ 3 rất quan trọng là phải phát huy được sức mạnh tổng hợp của thời đại cũng như nội tại. Tức là bảo vệ Tổ quốc không chỉ lấy sức mình ra mà phải biết quan sát xem tình hình thế giới thế nào, tranh thủ lực lượng thế giới, kết hợp giữa bên trong và bên ngoài.
Cuối cùng là một vũ khí rất sắc bén chính là đối ngoại. Đối ngoại là nền ngoại giao mà hiện nay chúng ta xác định gồm 3 trụ cột: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại Nhân dân.
Với 4 nội hàm mà chủ yếu chúng ta cũng tiếp thu, kế thừa từ lịch sử này, ngày nay có thể nói “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” là một chiến lược tổng hòa của bên trong, bên ngoài, của quân đội với nhân dân, của chính trị với ngoại giao. Tôi nghĩ rằng, đây là chiến lược rất phù hợp với bối cảnh hiện nay.
Video:
Nhà báo Diệu Bình: Đặt trong sự quan sát, so sánh với các quốc gia trong khu vực thì tư tưởng “lo giữ nước từ khi nước chưa nguy” có phải là một nét đặc thù, khác biệt trong kế sách giữ nước của dân tộc ta hay không? Nếu có thì sự khác biệt này bắt nguồn từ đâu, thưa PGS.TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương
PGS.TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương: Tư tưởng giữ nước từ khi nước chưa nguy là do Việt Nam khái quát. Chứ còn từ khi có nhà nước cách đây 4.000 - 5.000 năm trước, nhà nước nào cũng phải làm như vậy thôi.
Tuy nhiên, nó chủ yếu và trước hết phụ thuộc vào những người nắm quyền lực quốc gia: thứ nhất là tầm nhìn xa trông rộng, trí tuệ, bản lĩnh của họ; thứ hai là phương thức, cách thức, phương pháp tổ chức việc phòng ngừa này.
Riêng Việt Nam vì có đặc thù nằm ở cửa ngõ vùng Châu Á - Thái Bình Dương nên có thể nói hàng nghìn năm nay, tất cả những giao lưu từ phía Đông sang Tây gần như đều đi qua cổng Việt Nam, chúng ta canh cổng biển Đông.
Hoàng đế Napoleon từng nói, chính trị của một quốc gia nằm ở vị trí địa lý của quốc gia ấy. Với vị trí địa chính trị, địa chiến lược đặc biệt quan trọng như vậy, thì không phải bây giờ mà từ cách đây cả vài nghìn năm Việt Nam đã bị các thế lực ngoại bang nhòm ngó. Ta khác với Lào, khác Myanmar, vị trí địa chính trị chiến lược này khiến nước ta thường xuyên phải đối phó với các nguy cơ xâm lược ngoại bang.
Đặc trưng thứ hai, Việt Nam là dẻo đất kéo dài từ Bắc vào Nam 2.000km, ở giữa hẹp. Nằm ở vùng nhiệt đới ẩm, thường xuyên gió mùa, bão tố, lũ lụt khủng khiếp, thiên nhiên bất thường lắm.
Thường xuyên đối phó với thiên tai và địch họa, muốn hay không Việt Nam cũng phải phòng xa. Năm nay no đủ cũng phải tích trữ nhỡ đâu sang năm bão tố, mất mùa. Năm nay thắng keo này nhưng các thế lực thù địch không bao giờ chịu thua, phải chuẩn bị keo khác mạnh hơn, nguy hiểm hơn.
GS.TS Phạm Quang Minh: Nhìn từ góc độ lịch sử, góc độ địa lý, góc độ địa chiến lược… tôi nhấn mạnh một điều, cùng ở khu vực Đông Nam Á nhưng Việt Nam có khác so với các quốc gia khác. Đó là chúng ta chính là cửa ngõ đi từ phía Bắc xuống, từ lục địa châu Á đi xuống.
Trong lịch sử, Việt Nam nói riêng và cả Đông Nam Á nói chung đều phải chịu tác động của các cường quốc như: Trung Quốc ở phía Bắc, Ấn Độ ở phía Tây. Ảnh hưởng của các cường quốc này chia thành 2 khu vực: khu vực chịu sự tác động của Ấn Độ được gọi là thế giới Ấn hóa; những quốc gia tiếp giáp, gần với Trung Quốc thuộc thế giới gọi là Hoa hóa.
Đây là 2 thế giới có ảnh hưởng từ vấn đề chính trị cho đến kinh tế, văn hóa, xã hội, cũng đều nằm ở tuyến đường giao thông huyết mạch cho nên từ rất sớm các quốc gia ở Đông Nam Á đều có quan hệ kinh tế với cả Ấn Độ và Trung Quốc.
Tuy nhiên, mặt tư duy có thể nói chúng ta khác ở chỗ, do chịu áp lực rất mạnh mẽ từ phía Bắc và trải qua giai đoạn lịch sử 1.000 năm Bắc thuộc, lịch sử dựng nước và giữ nước của ta từ những ngày đầu tiên đã bao phủ một hàm ý là Việt Nam luôn luôn phải tự cường, luôn luôn phải cảnh giác.
Ví dụ như câu chuyện Mị Châu – Trọng Thủy, ngay từ hồi đó, việc giữ nước mặc dù có nỏ thần nhưng vẫn phải cảnh giác, tuyệt đối không được chủ quan, không được lơ là, không được để tình cảm lấn át lý trí.
Thứ 2, có thể nói, trong quan hệ với lực lượng từ phương Bắc, tư duy biên giới, cương vực của ta rất rõ ràng. Không phải ngẫu nhiên mà từ thế kỷ thứ X, Việt Nam đã có bài thơ được ví như một bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Nam: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Rành rành định phận ở sách trời”.
Ngay từ hồi đó, hàng nghìn năm rồi, chúng ta đã có tư duy rạch ròi: “Yêu nhau vẫn phải rào dậu, kín cổng cao tường”.
Tư tưởng phân định rõ biên giới ở các quốc gia khác của Đông Nam Á không có. Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, các quốc gia ở Đông Nam Á là một hệ thống các nhà nước bao gồm nhiều trung tâm, có trung tâm lớn nhưng những quốc gia nhỏ nằm trong hệ thống đó thần phục trung tâm lớn và tạo thành nhiều trung tâm, người ta gọi chung một từ là Mandala.
Một Mandala theo quan niệm của Ấn Độ thì nó không dứt khoát, không nhất quyết hay coi trọng chuyện biên giới, cương vực. Nhưng sang thế giới Hoa hóa thì khác hẳn hoàn toàn.
Tôi nghĩ, đây là nguyên do căn bản cho đến ngày nay chúng ta vẫn tiếp tục cái tư duy về biên giới, lãnh thổ, chủ quyền rất là sớm. Suốt một thời gian dài từ thế kỷ thứ X khi chúng ta giành độc lập cho đến bây giờ, chúng ta liên tục có các cuộc đấu tranh gìn giữ, bảo vệ độc lập, chủ quyền của Tổ quốc.
Học từ bài học thành công lẫn thất bại
Nhà báo Diệu Bình: Tư tưởng “lo giữ nước từ khi nước chưa nguy” đã được các triều đại phong kiến vận dụng nhất quán cũng như có sự kế thừa, bổ sung ra sao? Xin các khách mời có những phân tích tổng quát cũng như đưa ra một vài câu chuyện, ví dụ cụ thể.
PGS.TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương: Một cách sòng phẳng thì bài học lịch sử có cả phản diện và chính diện. Nếu không học từ bài học thất bại phản diện thì sẽ không có bài học chính diện.
Bài học phản diện đau đớn nhất của dân tộc Việt Nam để mất nước, không lo giữ nước khi nước chưa nguy là câu chuyện An Dương Vương. Như nhà thơ Tố Hữu sau này đã khái quát trong câu thơ: “Nỏ thần vô ý trao tay giặc/ Nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”.
Triệu Đà đánh 10 năm thất bại, vì An Dương Vương có nỏ thần, có thành Cổ Loa. Đánh không xong, dùng vũ lực không thể khuất phục, Triệu Đà bèn nghĩ ra một kế, đề nghị với An Dương Vương gả con gái Mỵ Châu cho con trai Trọng Thủy của mình và cho vào ở rể.
Mặc dù tướng Cao Lỗ, người thiết kế nỏ thần và thành Cổ Loa, đã hết sức can ngăn nhưng An Dương Vương không nghe, còn bãi chức ông. Sau đó nước rơi vào tay Triệu Đà như chúng ta đã biết. Nước ta mất hơn 1.117 năm bị phương Bắc đô hộ, từ 179 TCN đến năm 938 SCN khi Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán.
Theo tôi biết, trong lịch sử văn minh nhân loại, không có một dân tộc nào khi bị ngoại bang xâm lược 500 năm mà tồn tại cả. Nếu như bị ngoại bang xâm lược 500 năm chắc chắn tiêu vong dưới nhiều hình thức, một là sát nhập vào ngoại bang, hai là bị tiêu diệt, ba là không còn tồn tại như một quốc gia. Thế nhưng Việt Nam dù đã bị Bắc thuộc hơn 1.000 năm mà vẫn tồn tại.
Mọi người Việt Nam có quyền tự hào về sức sống mãnh liệt của dân tộc Việt Nam, đồng thời không bao giờ được quên bài học An Dương Vương để mất nước. Đây là vấn đề ngoại xâm.
Ngoài ra có những bài học về nội xâm, ví dụ như Lê Đại Hành (941 – 1005), vị hoàng đế sáng lập nhà Tiền Lê. Ông có chiến tích lớn, đánh Tống, đánh Chiêm Thành, xây dựng phát triển nông nghiệp, giao thông đô thị.
Thời Lê Đại Hành cực thịnh nhưng ông cũng mắc sai lầm. Ông có 11 người con trai và đã đưa người con trưởng lên làm Thái tử. Được 2 năm Thái Tử qua đời, ông không thiết lập người thay thế Thái Tử. Sau khi ông chết, những người con còn lại tranh giành quyền lực quyết liệt. Cuối cùng ngôi vua rơi vào tay Lê Long Đĩnh – một vị vua tàn bạo và vương triều Tiền Lê sụp đổ.
Đây là một bài học lịch sử về mối nguy của giặc nội xâm. Những người nắm quyền lực không lo tìm người thay thế mình là thảm họa.
Bài học chính diện đầu tiên là sự kiện Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Hà Nội năm 1010. Một tầm nhìn vĩ đại không chỉ xuyên trăm năm mà xuyên cả nghìn năm, phòng bị lo giữ nước từ xa. Những người nắm quyền lực phải có tầm nhìn như vậy.
Một bài học khác là đầu năm 1258, khi giặc Nguyên – Mông đánh Việt Nam lần 1, lần 2, chuẩn bị lần 3 thì vua Trần Nhân Tông triệu tập các bô lão về điện Diên Hồng, để hỏi xem đánh thế nào. Cả một tuần lễ, tất cả các bô lão đều nhất trí đánh.
Chính đây là bài học về lo giữ nước từ khi nước chưa nguy. Khi giặc Nguyên chưa đến thì lo lòng dân trước. Lòng dân mà được quyết định, lịch sử mách bảo lòng dân với triều đình vẫn là quyết định thành bại trong giữ nước.
Sự kiện thứ 3 về bài học chính diện là Lê Lợi – Nguyễn Trãi. Năm 1427, khi Vương Thông thống lĩnh quân xâm lược nhà Minh sang Việt Nam, đến khi cách Đông Quan một đoạn, đã gửi thư cho Lê Lợi xin thôi và nói rằng sẽ kéo quân về, thực chất là xin đầu hàng.
Vượt tầm trí tuệ của người đời, Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã không tiêu diệt mà còn cấp thuyền, ngựa, lương thảo cho binh lính nhà Minh về nước. Đây là một kế sách lâu dài, không nên gieo hận thù với nước lớn.
Ba trăm năm sau, đến Quang Trung - Nguyễn Huệ, chúng ta biết đến sự kiện Đống Đa – Ngọc Hồi, 10 ngày, hành quân từ Tam Điệp ra đánh, tiêu diệt quân Thanh từ 29 vạn chỉ còn 1 vạn. Nhưng sau trận đánh để đời, Quang Trung vẫn lo xa, giữ mối quan hệ với nhà Thanh.
Gần 200 năm sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thơ chúc Tết đã chỉ ra chiến lược “đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào". Có thể thấy Bác dùng câu chữ hết sức cẩn thận khi vạch mục tiêu là đánh cho Mỹ rút về nước. Tư tưởng Hồ Chí Minh đã gặp tư tưởng Quang Trung, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Lý Công Uẩn.
Sau hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chúng ta vẫn tiếp tục vận dụng, phát huy tư tưởng giữ nước từ khi nước chưa nguy và nhờ đó mới giữ được nước qua những cơn hiểm nghèo.
GS.TS Phạm Quang Minh: Việc kế thừa, phát huy các bài học của các triều đại phong kiến là một tiến trình lịch sử, mà sau mỗi lần gian nguy chúng ta lại có thêm những kinh nghiệm mới và bổ sung để làm cho kho tàng lịch sử giữ nước dày và đầy đặn thêm.
Có rất nhiều câu chuyện, tấm gương lịch sử, nhưng ở đây tôi chỉ xin bổ sung một vài trường hợp. Về mặt tư tưởng, theo tôi, đối với các triều đại phong kiến như thời Đinh - Lý giai đoạn đầu, khi ấy vì mới giành được độc lập, mối đe dọa từ bên ngoài rất lớn, nên những triều đại ban đầu chủ yếu xây dựng lực lượng quân đội là chính, lo việc rào cho cao cái biên giới, phên dậu thật tốt.
Giai đoạn sau, các triều đại phong kiến nhận thấy rằng không chỉ có quân sự mà vấn đề quan trọng nhất là lòng dân. Mối đe dọa bên trong như Thiếu tướng Lê Văn Cương đã nói có ý nghĩa quan trọng không kém việc xây dựng lực lượng quân đội.
Một câu chuyện khác là dưới đời nhà Trần, chúng ta thắng quân Nguyên lần thứ nhất vào năm 1258. Năm 1300, Hưng đạo Vương Trần Quốc Tuấn ốm nặng, nhà vua Trần Anh Tông đến thăm và hỏi ông nếu bây giờ quân Nguyên lại sang thì chúng ta làm cách nào?
Thực ra, chúng ta đã chiến thắng lần thứ nhất rất hào hùng nhưng kèm theo đó mối đe dọa cũng rất lớn. Nếu phải đánh tiếp, kháng chiến tiếp sẽ rất khó khăn. Trần Quốc Tuấn trả lời, nếu quân giặc sang xâm lược thì phải xem xét quyền biến như người đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế. Đặc biệt, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc và đó là thượng sách giữ nước.
Ý của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn là, để có cuộc kháng chiến trường kỳ, đánh thắng đội quân hùng mạnh của ngoại bang xâm lược thì phải nới sức dân, khoan dung, đối xử tốt với người dân, tạo ra được niềm tin của người dân. Như vậy, kẻ thù nào chúng ta cũng đánh thắng, không nhất thiết phải có lực lượng quân đội mạnh.
Tư tưởng quân sự của Trần Quốc Tuấn là vượt thời đại. Đánh giặc, bảo vệ Tổ quốc không chỉ dựa vào quân đội hùng mạnh mà đặc biệt phải có lòng dân.
Đấy là tư tưởng được trao truyền qua các thời kỳ và sau này được phát triển đỉnh cao ở thời đại Hồ Chí Minh.
Nhà báo Diệu Bình: Để giữ được“nội yên”, tức giữ cho đất nước được yên ổn, bền vững từ bên trong, các triều đại đã thực hiện những chính sách làm cho “dân giàu, nước mạnh”, “quốc phú, binh cường” (nước giàu, quân mạnh) ra sao? Thưa PGS.TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương.
PGS.TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương: Lịch sử Việt Nam tính từ thời Hùng Vương, khoảng thế kỷ thứ VI, VII TCN đến bây giờ là hơn 2.700 năm rồi. Còn tính từ năm 938 khi Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán giành độc lập đến bây giờ cũng hơn 1.000 năm.
Nghiên cứu kỹ các triều đại minh quân trong lịch sử như: Lý Thái Tổ, Lê Thái Tổ, Trần Nhân Tông, Lê Thánh Tông… chúng ta có thể thấy họ đã làm được 3 việc cơ bản nhất.
Một là các đời thịnh trị của Việt Nam đều trọng dụng nhân tài. Tư tưởng này cho đến giờ vẫn hoàn toàn đúng. Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhân tài là quyết định.
Hai là lo đến việc dân, việc nước bằng phát triển nông nghiệp và giao thương, thông thương trong nước, ngoài nước, bằng xây dựng thủy lợi. Tất cả mọi việc là vì đời sống hạnh phúc của người dân. Những thời kỳ này đất nước thịnh trị, người dân yên tâm.
Ba là tất cả các thời thịnh trị, minh quân đều có bộ máy chính quyền trong sạch. Tệ tham quan, ô lại đều bị xử lý đến nơi, đến chốn, kịp thời. Ai có công thì thưởng, ai có tội thì phạt, rất công minh, diệt trừ diệt gian tế trong nội bộ.
Những điều này còn có giá trị đến ngày hôm nay, không phải cho Việt Nam mà cho tất cả các nước khác.
Nhà báo Diệu Bình: Thưa GS.TS Phạm Quang Minh, các nhà nước thời Lý, Trần, Lê Sơ đã có quân đội và thực hiện "ngụ binh ư nông", nghĩa là gửi binh ở nông, gắn bó việc binh với việc nông. Nguyên nhân lịch sử của chính sách này và nó đã phát huy hiệu quả ra sao trong các giai đoạn lịch sử đó?
GS.TS Phạm Quang Minh: Việt Nam là nước nông nghiệp, cho đến nay sau hơn 30 năm đổi mới, phần lớn người dân Việt Nam vẫn sống ở vùng nông thôn và phương thức canh tác truyền thống vẫn là nông nghiệp. Vấn đề nông dân, nông nghiệp và nông thôn vẫn là vấn đề quan trọng ở nước ta.
Ý tưởng “Ngụ binh ư nông” được bắt đầu từ thời nhà Lý, quân đội được xây dựng, mặc dù mang tính chính quy, phân cấp thành các đội quân khác nhau nhưng luôn luôn gắn với địa bàn nơi người ta sinh sống, làm ăn.
“Nông binh bất phân” có nghĩa là nông nghiệp và binh lính là một. Vào thời bình, những người lính đó vẫn như những người nông dân, rất thuần túy, chất phác, làm ăn hiền hòa với hàng xóm láng giềng. Thế nhưng, khi có chiến tranh, chính những người nông dân đó lại cầm vũ khí lên đường bảo vệ Tổ quốc.
Điều đó thể hiện đặc điểm của đất nước chúng ta, là đất không rộng, người không đông vào thời điểm đó. Một mặt chúng ta vẫn bảo đảm nền kinh tế được phát triển, cung cấp lương thực, thực phẩm để nuôi quân nhưng mặc khác vẫn có quân đội hiện đại.
Trong lịch sử, mặc dù với điều kiện đất không rộng, người không đông như vậy, mỗi một triều đại phong kiến đều đảm bảo lực lượng. Như thời Lý luôn đảm bảo quân đội đến 10 vạn quân. Thời Trần, khi chống lại quân Nguyên – Mông chúng ta có tới 20 vạn quân. Thời Lê Sơ, khi cần có thể huy động đến 26 – 30 vạn quân.
Những điều này cho thấy “Ngụ binh ư nông” thực sự là một tư tưởng rất đặc biệt, ở đâu có dân là ở đó có quân, phù hợp với điều kiện xây dựng nền quốc phòng của một nước có điều kiện tự nhiên khó khăn như nước ta. Tôi nghĩ ý tưởng này thực sự vẫn tiếp tục được phát huy cho đến ngày nay.
Chống “giặc nội xâm” củng cố lòng tin của người dân
Nhà báo Diệu Bình: Việc chủ động “giữ nước từ khi nước chưa nguy” đã phát huy hiệu quả thế nào trong các cuộc chiến tranh trải dài trong lịch sử dân tộc mà chúng ta buộc phải tham gia để bảo vệ Tổ quốc? Tôi xin mời PGS.TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương.
PGS.TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương: Suốt chiều dài hơn 2.500 năm lịch sử của Việt Nam, tư tưởng này được vận dụng liên tục từ đời này sang đời khác, thế hệ này sang thế hệ khác.
Trong cuộc trường chinh chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam, từ trận Bạch Đằng do Ngô Quyền chỉ huy năm 938 giành độc lập đến chiến dịch Hồ Chí Minh, chúng ta đương đầu với 13 cuộc quyết chiến chiến lược. Ví dụ: Trận Bạch Đằng do Ngô Quyền chỉ huy năm 938; trận Như Nguyệt của Lý Thường Kiệt năm 1077...; chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954; trận tổng tấn công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968; Điện Biên Phủ trên không năm 1972 và chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975.
Trong 13 cuộc quyết chiến chiến lược như vậy, tương quan lực lượng của ta với đối phương lúc thuận lợi nhất là ta 1 và họ 5, lúc ta ở thế yếu nhất là ta 1 họ 30. Trong thế giằng co, tương quan chênh lệch, khác nhau đến thế, nếu như không được chuẩn bị chu đáo, chắc chắn chúng ta khó thắng được.
Do đó cha ông ta đã có tổ chức phòng bị chu đáo trên mọi phương diện, từ lo bữa ăn cho người dân, lo trang bị cho binh lính, rèn quân… Kinh nghiệm của thế hệ trước truyền cho thế hệ sau phát huy, tạo thành một dòng chảy liên tục.
Đây là một đặc trưng nổi bật trong lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam. Có được thành công lớn một trong những lý do quyết định là chúng ta đã chuẩn bị từ rất sớm. Mà nguồn gốc sâu xa như tôi đã đề cập, xuất phát từ bối cảnh luôn phải đối mặt với thiên tai địch họa, đã dạy cho người Việt Nam một bài học xương máu là dứt khoát phải chuẩn bị, phải phòng xa, lúc thịnh trị phải lo lúc nguy cấp.
Nhà báo Diệu Bình: Thưa GS.TS Phạm Quang Minh, từ thắng lợi của Cách mạng Tháng 8 năm 1945 mở ra bước ngoặt vĩ đại của lịch sử dân tộc cho đến hết hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ xâm lược, tư tưởng “giữ nước từ khi nước chưa nguy” đã được Đảng vận dụng, phát huy ra sao?
GS.TS Phạm Quang Minh: Truyền thống lịch sử chúng ta vừa đề cập là nền tảng quan trọng cho công cuộc đấu tranh, giành độc lập, bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn sau.
Trong cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945, theo tôi chiến lược đó đã được Trung ương Đảng và Bác Hồ thực hiện rất sớm và quyết liệt. Khi thấy thời cơ đến, Bác Hồ đã chỉ đạo, dù có đốt cháy cả dãy Trường Sơn, chúng ta phải quyết giành cho được độc lập.
Tại sao trong lúc tình hình rối ren như vậy, khi lực lượng phát xít ở châu Âu bị đánh bại, chúng ta ở khu vực châu Á xa xôi nhưng Trung ương Đảng đã chỉ đạo phải giành chính quyền càng sớm, càng tốt? Việt Nam lúc này trong tình thế một cổ hai tròng, nghĩa là vừa chịu ách đô hộ của thực dân Pháp, đồng thời chịu áp bức của phát xít Nhật.
Bác Hồ cũng như Trung ương Đảng nhận thấy chúng ta phải giành chính quyền sớm, để đánh đuổi thực dân Pháp và để khi quân Đồng minh tiến vào Việt Nam, chúng ta đã có tư cách là người chủ của đất nước. Nếu không, chúng ta không có chính quyền trong tay, không nắm được vận mệnh của mình... thì tình hình có thể sẽ rất là khác. Đây là một trong những quyết định có ý nghĩa lịch sử.
Đồng thời cũng phải đánh giá rất cao sự chủ động của các địa phương. Chẳng hạn, Hội nghị Tân Trào, khi các đại biểu chưa về đến Hà Nội, ngày 19/8/1945 ở Hà Nội đã khởi nghĩa rồi. Sự chủ động, sự sáng tạo của Mặt trận Việt minh, nhất là của các địa phương cũng phản ánh tinh thần là chúng ta phải làm chủ vận mệnh của mình.
Tinh thần đó đã được thấm nhuần trong từng chiến sĩ cách mạng của Việt Nam, giúp cho họ có sự xử lý rất linh hoạt những tình huống mà nếu như không có được sự thấm nhuần, sự học tập và rèn luyện các bài học lịch sử chắc khó có thể thực hiện được.
PGS.TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương: Từ ngày 2/9/1945 đến cuối năm 1946 khi tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã tận dụng tối đa những cái có thể, ký Hiệp định sơ bộ với Pháp. Đích thân Chủ tịch Hồ Chí Minh phải sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau năm 1946, bằng mọi cách trì hoãn và trên cơ sở nhận thức rằng, tất cả những việc đó chỉ là tình thế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta không bao giờ nghĩ Pháp từ bỏ ý đồ xâm lược lần thứ 2, nhưng ta cần thời gian để chuẩn bị. Đến khi hết cách rồi, từ 19/12/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đưa ra khẩu hiệu “Vừa kháng chiến, vừa kiến quốc”, “Tiêu thổ kháng chiến”, “Trường kỳ kháng chiến”. Đây chính là phòng bị đất nước khi nước chưa nguy.
Trong cuộc kháng chiến lần thứ 2, năm 1954 – 1975 ta đã đồng thời tiến hành hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng: Xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Tại chiến trường miền Nam kết hợp 3 mũi giáp công là chính trị - binh vận và quân sự sáng chói đến thế, kết hợp sức mạnh dân tộc, sức mạnh thời đại.
Nhà báo Diệu Bình: Thưa các khách mời, tư tưởng, quan điểm “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa” đã được đưa vào Nghị quyết Trung ương, rồi tiếp đó là chính thức đưa vào văn kiện Đại hội Đảng khi nào và cho đến nay đã có sự điều chỉnh, bổ sung, đổi mới ra sao? Tôi xin mời GS.TS Phạm Quang Minh
GS.TS Phạm Quang Minh: Sự phát triển về mặt nhận thức là một quá trình. Từ trước khi tư tưởng này được đưa vào Nghị quyết và văn kiện của Đại hội Đảng, Bác Hồ đã khẳng định “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”, “sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi”.
Bác còn căn dặn thêm, “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” và rằng bất cứ hòa bình hay chiến tranh, Việt Nam phải nắm vững, phải chủ động, phải thấy trước, chuẩn bị trước.
Những lời nói đó trong giai đoạn chống Pháp, chống Mỹ sau này đã được biến thành những Nghị quyết của chúng ta. Tôi nghĩ những tư tưởng đó đã được đưa vào văn kiện, Nghị quyết sớm hơn so với một số thông tin cho rằng mãi đến Nghị quyết Trung ương 8 của khóa IX hay Nghị quyết Trung ương 8 của khóa XI mới có bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong tình hình mới.
Theo tôi là Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị năm 1988. Đây là giai đoạn đất nước ở trong tình trạng rất khó khăn. Bên trong chúng ta gặp khó khăn về kinh tế, bởi vì công cuộc đổi mới vừa mới bắt đầu. Về đối ngoại thì Việt Nam bị cô lập trên trường quốc tế, chịu lệnh cấm vận của các nước lớn, đặc biệt là cả Liên Hợp quốc.
Vào thời khắc vô cùng gian nguy, Bộ Chính trị quyết định điều chỉnh chiến lược, khi chúng ta quyết định rút toàn bộ quân đội từ Campuchia về và thực hiện tiến trình kiến tạo nền hòa bình ở Đông Nam Á cùng các thành viên khác của Đông Nam Á.
Nghị quyết đó mang tính lịch sử, thực hiện công cuộc “phá băng” mà chìa khóa ở đây chính là vấn đề Campuchia. Trong Nghị quyết đó có nói một ý, cho đến nay vẫn rất quan trọng, đó là, với một nền kinh tế mạnh, một nền quốc phòng vừa đủ mạnh và một nền ngoại giao rộng mở thì Việt Nam có thể bảo đảm được độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Ngay lúc đó 3 trụ cột này đã được chỉ ra.
Đó có lẽ là nghị quyết rất quan trọng đầu tiên. Đương nhiên sau này, sang Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX và khóa XI, tư tưởng chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới được đẩy lên tiếp.
Tiếp đến, tôi nghĩ là mang tính chất quan trọng nhất, chính xác nhất là của Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, tư tưởng này được gọi là tư tưởng bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa đã được khẳng định, rằng chúng ta phải thực hiện một chiến lược có xây dựng một nền quốc phòng toàn dân, sức mạnh thế trận lòng dân, ngoại giao quốc phòng…
Tất cả những ý đó đã được phát triển từ Nghị quyết số 13 năm 1988. Đây cũng là Nghị quyết đầu tiên chúng ta đưa vào thuật ngữ bảo vệ “lợi ích quốc gia”. Trước đó, chính sách đối ngoại của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi vấn đề ý thức hệ rất nhiều, không dùng từ “lợi ích quốc gia”.
Thuật ngữ “lợi ích quốc gia” năm 1988 lần đầu tiên được đưa vào và đến Đại hội Đảng lần thứ XIII vừa rồi đã khẳng định rất rõ, dường như đó là một điểm quyết định, cốt lõi trong chính sách đối ngoại, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
PGS.TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương: Quá trình triển khai tư tưởng bảo vệ đất nước từ khi nước chưa nguy đã được GS Phạm Quang Minh nhắc lại. Còn về duy danh định nghĩa thì đến Đại hội XIII mới đưa vào. Trang 101 có nói “bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa”. Trang 156 Nghị quyết Đại hội XIII mới nói phòng ngừa chiến tranh từ sớm, từ xa.
Tuy nhiên, đúng như GS Phạm Quang Minh nói, suốt từ Đại hội Đảng VI đến bây giờ, tất cả Nghị quyết Đại hội Đảng đều khẳng định, nhắc đi nhắc lại vấn đề: Phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm; xây dựng Đảng là then chốt; bảo vệ an ninh quốc phòng là nhiệm vụ trọng yếu của toàn Đảng, toàn dân; kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại.
Từ Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX, lần đầu tiên ta đưa vào 2 thuật ngữ mới đó là: Đối tượng và đối tác. Trước đây ta quan niệm bên này là thù, bên này là bạn. Nhưng trong bối cảnh toàn cầu hóa, đối với đối tượng đấu tranh ta vẫn phải có hợp tác và đối với đối tượng hợp tác ta vẫn phải có đấu tranh.
Chính ra, nó phát triển nhận thức và lý luận quan điểm đối tượng và đối tác thực chất là xây dựng và phòng ngừa, giữ nước khi nước chưa nguy. Ta hợp tác kinh tế với tất cả các quốc gia, với cả Hoa Kỳ, Trung Quốc – hai nước nhiều vướng mắc với chúng ta nhất. Đây là phương châm giữ nước khi nước chưa nguy.
Không hợp tác kinh tế với họ, làm sao ta biết họ thế nào? Thông qua hợp tác kinh tế, chúng ta hiểu họ, hợp tác với họ, đan xen lợi ích để giảm thiểu những nguy cơ có thể xuất phát từ họ.
GS.TS Phạm Quang Minh: Nếu như đường lối bảo vệ Tổ quốc của chúng ta thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ - tức là trong thời kỳ chiến tranh lạnh bị tác động bởi yếu tố ý thức hệ, thì sau này, khi chiến tranh lạnh chấm dứt, lúc đó không còn chuyện trắng – đen, ta – địch mà trở thành đối tượng – đối tác.
Nghị quyết Trung ương 8 khóa IX đã đưa ra thuật ngữ cho đến bây giờ chúng ta vẫn cần thảo luận. Ai là đối tượng của Việt Nam? Ai là đối tác của Việt Nam? Nghị quyết đó đã nói ý rất hay, mang tính chất biện chứng, đó là: Trong đối tượng có mặt phải hợp tác, trong đối tác có mặt phải đấu tranh.
Và từ đó đi đến một điều gần như là chân lý: Không có kẻ thù vĩnh viễn, cũng chẳng có đồng minh vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn.
Như Nghị quyết số 13 năm 1988 của Bộ Chính trị nhắc đến là lợi ích quốc gia. Chứ còn bạn hay thù, ta với địch có thể chuyển hóa cho nhau được và trong từng trường hợp thôi.
Đúng như tư tưởng như Bác Hồ nói: “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, vẫn phải quay lại tư tưởng kiên định trong mục tiêu độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ nhưng chúng ta cũng rất linh hoạt trong việc sử dụng các phương thức khác nhau, để bảo vệ bằng được nguyên tắc đó.
Nhà báo Diệu Bình: Thưa hai vị khách mời, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa đặt ra yêu cầu bắt buộc phải giải quyết hiệu quả các vấn đề bên trong tiềm ẩn nguy cơ bất ổn về chính trị, an ninh. Trong số đó một vấn đề được coi là nổi cộm, liên quan đến sự tồn vong chế độ chắc chắn là nạn tham nhũng, được coi như “giặc nội xâm”. Đến nay công cuộc phòng, chống tham nhũng của chúng ta đã thu được những thành quả, góp phần vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc ra sao?
GS.TS Phạm Quang Minh: Đây là vấn đề chúng ta đã làm rất tốt trong những năm vừa qua và được dư luận, đặc biệt là nhân dân đánh giá cao. Tuyên bố của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là không có vùng cấm, không có chuyện đứng ngoài pháp luật, hay không có chuyện chức vụ to thì không bị “sờ “đến, không có chuyện hạ cánh an toàn.
Những từ chìa khóa như vậy của người đứng đầu Đảng cho thấy quyết tâm của Đảng Cộng sản Việt Nam trong công cuộc phòng, chống tham nhũng và chúng ta cần phải xác định rằng phòng, chống tham nhũng là một mặt trận quan trọng không kém gì việc chống giặc ngoại xâm.
Năm 1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra giặc dốt, giặc đói và giặc ngoại xâm. Lúc đó chưa có chuyện tham nhũng, bởi chính quyền vừa mới ra đời, làm gì đã có quyền lực hay tham nhũng.
Thế nhưng, từ năm 1946 đến nay, chúng ta phải thêm cuộc đấu tranh với giặc tham nhũng. Bởi vì cùng với sự phát triển của đất nước, đúng là có một bộ phận cán bộ bị tha hóa, bị quyền lực, vật chất làm mờ mắt, quên đi lý tưởng Cộng sản.
Tất nhiên chúng ta cũng cần phải cảnh giác với những ý kiến từ bên ngoài, từ lực lượng đối lập cho rằng đây là đấu tranh giữa các phe phái… Tất cả những luận điệu đó đều không đúng. Những trường hợp bị đưa ra xét xử đều rất xứng đáng. Hàng loạt những người giữ chức vụ cao cũng vẫn bị xử lý: Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng... kể cả đương nhiệm cũng bị xử lý. Đây là một trong những thành công của nhiệm kỳ vừa qua và đem lại lòng tin cho nhân dân.
Nếu không làm như vậy chúng ta sẽ mất nước ngay trong nội bộ. Năm nay kỷ niệm 30 năm sự kiện Liên Xô sụp đổ. Một trong những bài học quan trọng chính là sự từ bỏ vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, khi mà một bộ phận không nhỏ các đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô đã không không bị xử lý khi tha hóa, tham nhũng.
Chúng ta xử lý như vậy rất là kịp thời nhưng như Tổng Bí thư đã nói, con đường này rất dài, rất xa. Bởi vì sao, vì kẻ thù chính là ta. Chống giặc ngoại xâm dễ, chống giặc nội xâm khó, vì đó chính là đồng chí của ta, anh em, thậm chí là gia đình của ta.
PGS.TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương: Từ góc độ giữ nước, đúng là tham nhũng đang làm rục muỗng bộ máy, đất nước của chúng ta.
Mặt khác, như GS.TS Phạm Quang Minh nói, vấn đề tham nhũng đang bị các thế lực thù địch và phần tử xấu lợi dụng. Chúng tuyên truyền trên mạng rằng chỉ có một đảng lãnh đạo thì mới tham nhũng, muốn chống tham nhũng phải đa đảng. Thậm chí một số luận điệu nói rằng, chỉ cộng sản mới tham nhũng, chủ nghĩa tư bản có tham nhũng đâu.
Tôi khẳng định, chưa bàn về động cơ chính trị xấu thì ngay về mặt khoa học những luận điệu này đã là phản khoa học. Bản chất tham nhũng xét đến cùng là tha hóa của công quyền.
Người dân trao cho quan chức, công chức quyền lực, đúng ra họ phải sử dụng quyền lực đó để mưu lợi lợi ích cho người dân. Nhưng lại có những quan chức lợi dụng quyền lực công ấy để phục vụ lợi ích cho bản thân, gia đình, bè nhóm. Như vậy công quyền biến thành tư quyền. Về khoa học, nó là tha hóa quyền lực, mà chỗ nào có nhà nước, chỗ ấy có tha hóa, không phải chỉ riêng Cộng sản đâu.
Nước Cộng hòa Pháp là trung tâm của cái gọi là dân chủ phương Tây. Nhưng năm 2006, khi ra ứng cử tổng thống, ông Nicolas Sarkozy nhận hối lộ. Năm 2021, ông ta chịu mức án phạt tù. Pháp có phải Cộng sản đâu mà là quốc gia đa đảng, quốc gia dân chủ phương Tây.
Năm 2017, Quốc hội Pakistan cũng phế truất chức Thủ tướng của ông Nawaz Sharif vì cáo buộc tham nhũng trong thời gian dài.
Hay cạnh nước ta, trong khối ASEAN, cựu Thủ tướng Najib Razak của Malaysia cũng dính đến bê bối tham nhũng và bị tuyên án tù.
Tham nhũng là tha hóa của công quyền, nó là phổ biến, chỗ nào còn nhà nước, chỗ đó còn tha hóa, tham nhũng, chỉ khác nhau về quy mô. Vì vậy cần tránh xa những luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động, thù địch về vấn đề này.
Đảng ta là một đảng đủ dũng khí. Nghị quyết Đại hội XIII đã nêu rõ, tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe dọa sự sống còn của Đảng và chế độ ta. Một đảng không mạnh thì đã không dám công khai tuyên bố như vậy. Đồng thời cũng nói rằng, công tác chống tham nhũng, lãng phí là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Chúng ta đã có hàng chục Nghị quyết Trung ương chống tham nhũng.
Cũng phải nói khách quan thế này, kể từ khi có Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, quyết tâm chính trị của Đảng mới chuyển toàn bộ sang hoạt động thực hiện. Chúng ta có quyết tâm chính trị rất cao nhưng đồng thời các biện pháp thay đổi. Lần đầu tiên trong lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí Thư trực tiếp làm trưởng ban chống tham nhũng.
Trong 4 năm chúng ta có 4 Nghị quyết về xây dựng Đảng (NQTƯ 4, 6, 7 và Quy định số 08 về trách nhiệm nêu gương), xử lý 113 cán bộ cao cấp – điều chưa từng có trong lịch sử. Một đảng không mạnh không làm được như vậy, không mạnh đã không dám lấy dao mổ vào bản thân mình.
Nhìn vào công cuộc chống tham nhũng đó, đảng viên và người dân đã được củng cố lòng tin vào Đảng. Lòng tin của người dân là cội nguồn sức mạnh của Đảng, của chế độ, sự tồn vong của đất nước.
Nhiều thách thức nhưng cơ hội cũng rất lớn
Video:
Nhà báo Diệu Bình: Thưa GS.TS Phạm Quang Minh, phương châm “nội yên, ngoại tĩnh” được vận dụng thế nào trong phương thức ông cha ta xử lý mối quan hệ bang giao? Xin ông đưa ra các phân tích cũng như một vài ví dụ cụ thể.
GS.TS Phạm Quang Minh: Như Thiếu tướng Lê Văn Cương đã đề cập, đối nội là trọng nhân tài, xử phạt công minh, dựa vào dân… Tuy nhiên, đối ngoại là bài toán khó, tức là phải biết mình, biết người.
Việc xử lý mối quan hệ với các quốc gia xung quanh chúng ta có rất nhiều ví dụ. Chẳng hạn, những lần đi sứ của các sứ thần Việt Nam, rồi những lần đi đàm phán, gửi đi thông điệp cho các cường quốc ở bên ngoài… Tôi thấy có mấy tư tưởng chủ đạo.
Thứ nhất, kiên quyết về chủ quyền lãnh thổ, một tấc không đi, một li không dời, là bảo vệ đến cùng. Chúng ta nhớ câu chuyện khi vua Lê Thánh Tông giao nhiệm vụ đi đàm phán cho Thái Bảo Lê Cảnh Huy đã nói một câu mà đến giờ vẫn thường xuyên được nhắc lại “Một thước núi, một tấc sông của ta, lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu ngươi dám đem một thước, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc thì tội phải tru di.”.
Đến ngày nay, câu nói đó vẫn áp dụng cho chúng ta trong những lần đàm phán với các quốc gia trên thế giới - lấy lợi ích quốc gia, chủ quyền quốc gia làm nhiệm vụ trọng tâm số 1.
Hay trước đây, khi đại phá được quân Thanh, mặc dù chúng ta thắng, có ưu thế nhưng không vì thế mà tự kiêu, mà làm mất mặt kẻ thù của mình. Sau đó Quang Trung đã nhanh chóng cử sứ giả sang phương Bắc để làm hòa, giữ mối quan hệ được hòa hiếu. Có người thắc mắc tại sao ta giành thế thắng mà lại thể hiện tinh thần không tương xứng với thế thắng của ta?
Quang Trung đã chỉ ra rằng, nước Nam của chúng ta chỉ bảo vệ bờ cõi của mình thôi chứ không có ý định lấn sang biên giới phía Bắc, không có ý định gây hấn với các quốc gia khác. Đồng thời cũng khẳng định, nếu như nhà Thanh vẫn động binh xâm lược lần nữa, quân dân của ta vẫn kiên quyết chống lại.
Như vậy, chúng ta thấy ở đây một thái độ rất kiên quyết nhưng cũng rất mềm mỏng, đúng với tinh thần “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”. Tức là vấn đề có tính nguyên tắc, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ không bao giờ thay đổi được nhưng có thể sử dụng phương thức khác nhau để ứng xử với kẻ thù nước lớn, làm sao để đảm bảo chúng ta có một mối quan hệ hòa bình, môi trường hòa bình.
Từ xa xưa, ông cha chúng ta đã có một kinh nghiệm như vậy. Chúng ta có thể đúc rút 1 câu: Trong xưng đế, ngoài xưng vương, có nghĩa rằng, bên trong lãnh thổ của ta, chủ quyền của ta, biên giới của ta, ta thể hiện quyền lực của mình nhưng với bên ngoài, vì sự bình yên của đất nước, chúng ta sẵn sàng có những phương thức linh hoạt, mềm dẻo, tránh sự đối đầu, căng thẳng, không cần thiết. Ngày nay, những điều này vẫn được chúng ta tiếp tục duy trì.
Đối ngoại là bài toán khó. |
Nhà báo Diệu Bình: Để có thể thực hiện được nhiệm vụ bảo vệ từ sớm, từ xa, công tác chủ động nắm, nghiên cứu, phân tích, dự báo chính xác tình hình thế giới, khu vực, trong nước có vai trò thế nào và đã được tiến hành ra sao? Tôi xin mời PGS.TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương.
PGS.TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đây là vấn đề rất hay và rất lớn. Ta giải quyết vấn đề này trong 2 luận đề.
Thứ nhất, cách đây 50 năm thì khác, bây giờ khác, Việt Nam đã hội nhập sâu với thế giới, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, tham gia vào tất cả các định chế kinh tế, chính trị, an ninh toàn cầu.
Thứ hai, về khoa học, chúng ta có thể biết ngày hôm qua xảy ra cái gì trên hành tinh này với độ chính xác gần 100% nhưng không ai biết ngày mai thế giới xảy ra cái gì cả? Mọi biến động của thế giới đều tác động đến Việt Nam. Kinh tế thế giới sa sút cũng làm kinh tế Việt Nam khó khăn. An ninh – chính trị thế giới căng thẳng cũng tác động đến Việt Nam. Rồi đại dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, v.v...
Việt Nam đang là thành viên tích cực, góp phần xây dựng cộng đồng quốc tế hòa bình, ổn định, phát triển nhưng Việt Nam cũng là một quốc gia đang chịu áp lực từ mọi hướng, từ mọi lĩnh vực của quốc tế.
Từ nay đến giữa thế kỷ 21 còn khoảng 30 – 40 năm nữa, khu vực chúng ta đây, Châu Á – Thái Bình Dương là sân chơi chính trị của toàn cầu, mang tầm vóc lịch sử. Đây là cuộc hợp tác và cạnh tranh mang tính đối đầu giữa siêu cường Hoa Kỳ với cường quốc Trung Quốc. Hoa Kỳ và Trung Quốc hợp tác nồng ấm cũng tác động đến Việt Nam, mà căng thẳng với nhau cũng tác động đến Việt Nam.
Hơn lúc nào hết, để thực hiện phương châm giữ nước từ khi nước chưa nguy, việc quan trọng số một là phải tổ chức nghiên cứu, dự báo. Nếu không ta sẽ lầm đường, lạc lối, hoàn toàn bị động.
Về nhiệm vụ này, Đảng đã chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ ngoại giao, Bộ Tài chính, các trường đại học lớn như Đại học KHXH&NV Hà Nội cũng tích cực nghiên cứu và có nhiều sản phẩm tốt... Chúng ta đang làm và đã làm.
Mặt khác, đây là một trong những lĩnh vực hết sức quan trọng mà cần phải có hợp tác quốc tế, nếu không ta sẽ mò mẫm. Chúng ta nhìn thế giới từ góc của Việt Nam, chúng ta cũng cần biết nhìn thế giới từ Washingto, từ Bắc Kinh, Tokyo,…
Cần tạo điều kiện tốt nhất cho các học viện nhà trường. Thật ra công tác nghiên cứu, dự báo ở các trường đại học của ta có hiệu quả, hơn nữa do mang tính chính trị không cao nên dễ nói, dễ viết. Nhà nước phải quan tâm các trường đại học, các tổ chức NGO ở Việt Nam, đó là kênh thứ 2 rất quan trọng song song với kênh 1 là các cơ quan nghiên cứu các bộ.
Nhà báo Diệu Bình: Việc đẩy mạnh hội nhập quốc tế, tăng cường công tác đối ngoại, nâng cao uy tín, vị thế của đất nước giúp ích thế nào cho Việt Nam trong việc tận dụng nguồn lực từ bên ngoài, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế?
GS.TS Phạm Quang Minh: Giữa chính sách đối ngoại và chính sách đối nội có sự nhất quán. Người ta nói chính sách đối ngoại là cánh tay nối dài của chính sách đối nội có lẽ đúng một phần. Tư tưởng của Bác Hồ có lẽ là chính xác hơn. Bác nói, thực lực là cái chiêng, ngoại giao là cái tiếng. Cái chiêng càng lớn, tiếng nó càng vang xa.
Trong lịch sử, từ giai đoạn kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cho đến nay, sự phối kết hợp giữa bên trong và bên ngoài, giữa đổi mới, xây dựng đất nước ở bên trong và mặt trận ngoại giao bên ngoài có sự phối hợp rất chặt chẽ, không bao giờ được quên hay coi thường, xem nhẹ đối ngoại.
Bởi vì, có làm cho thế giới hiểu được Việt Nam, đem được tiếng nói chính nghĩa hay chủ trương đường lối của Việt Nam ra bên ngoài, chúng ta mới có sự ủng hộ của nhân dân và bạn bè thế giới.
Có lẽ chưa bao giờ chúng ta lại làm tốt công tác đó như là trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ. Khi Mỹ đưa quân sang xâm lược Việt Nam, thế giới chia làm hai phe là Tư bản Chủ nghĩa và Xã hội Chủ nghĩa. Không phải lúc nào thế giới cũng hiểu Việt Nam. Các lực lượng phương Tây bên ngoài vẫn cứ nói rằng miền Bắc xâm lược miền Nam, miền Bắc phá hoại Hiệp định Genève, rằng Mỹ đưa quân sang Việt Nam để ngăn chặn làm sóng của Chủ nghĩa Cộng sản...
Nhưng chúng ta đã xử lý tốt vấn đề này. Không phải ngẫu nhiên thế giới xuống đường biểu tình chống cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam, từ Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme (khi ấy đang là Bộ trưởng Giáo dục) cho đến sinh viên, thanh niên của các nước, đặc biệt là ở Mỹ. Chính trong lòng nước Mỹ đã có cuộc đấu tranh để phản đối chính sách xâm lược của Mỹ tại Việt Nam.
Chính vì tận dụng được sức mạnh, sự đoàn kết, ủng hộ của thế giới cho cuộc kháng chiến chống Mỹ nên chúng ta đã giành thắng lợi, được sự ủng hộ của Liên Xô và Trung Quốc ngay cả khi hai nước đó có mâu thuẫn với nhau. Chúng ta đã làm cho thế giới hiểu được Việt Nam và có được sự ủng hộ mạnh mẽ.
Giai đoạn sau chiến tranh Việt Nam, từ 1975 – 1985 là giai đoạn nước ta gặp nhiều khó khăn nhất, bị cô lập, bị Liên hợp quốc đưa ra những Nghị quyết phê phán. Rõ ràng lúc đó chúng ta chưa làm tốt, chưa tận dụng tốt đà thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Vì vậy, năm 1986, chúng ta quyết định tiến hành cải cách và Đại hội Đảng lần thứ VII năm 1991 có câu khẩu hiệu mà đến giờ vẫn được nhắc đến rất nhiều: “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước”. Bởi vì nhiều nước không hiểu Việt Nam, nhiều nước đang là bạn thành thù… nên chúng ta phải làm cho họ hiểu được. Sau đó, chúng ta giành được thắng lợi.
Trong giai đoạn đổi mới từ năm 1985 – 1995, chúng ta tận dụng cơ hội, tranh thủ để làm cho thế giới hiểu chúng ta. Đến năm 1995, chúng ta bình thường hóa quan hệ với Mỹ, trở thành thành viên của ASEAN. Trước đó, chúng ta ký được Hiệp định khung với Liên minh châu Âu. Năm 1995 được coi là năm thành công, Việt Nam nhận được sự thừa nhận và ủng hộ của quốc tế.
Ở đây có cả hai chiều. Việc chúng ta tranh thủ tận dụng được sự ủng hộ của quốc tế trước hết là phải do ta, ta phải có thay đổi, có điều chỉnh, ta phải tốt lên, phải mạnh lên, thì người ta mới cần mình. Nhưng mặt khác, thế giới cũng thay đổi, họ cũng không nhìn chúng ta bằng lăng kính của thời kỳ chiến tranh lạnh nữa. Ít khi có sự quan hệ, ủng hộ nào chỉ có 1 chiều. Cái gọi là nguyên tắc “có đi có lại” trong quan hệ quốc tế là vấn đề quan trọng.
Nhà báo Diệu Bình: Xin GS.TS Phạm Quang Minh đưa ra phân tích về ví dụ cụ thể là mới đây Việt Nam đã đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 và vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020 – 2021.
GS.TS Phạm Quang Minh: Năm 2020 là lần thứ 2 Việt Nam đảm nhiệm vị trí Chủ tịch luân phiên của ASEAN, lần 1 là năm 2010. Vị trí ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ cũng là nhiệm kỳ thứ 2, nhiệm kỳ thứ nhất là 2018 – 2019.
Việc được bầu tiếp ở nhiệm kỳ này thể hiện uy tín và vị thế của Việt Nam. Người ta nhìn nhận Việt Nam với tư cách là một quốc gia có tinh thần chủ động, quốc gia có tính trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế.
Còn Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN 2020 thì có thể nói là luân phiên nhưng người ta trông đợi, kỳ vọng rất nhiều vào vai trò lãnh đạo của Việt Nam. Chúng ta nhớ năm 2010 là thời điểm rất quan trọng. Lúc đó mâu thuẫn, quan hệ giữa ASEAN với Trung Quốc là không đơn giản.
Năm 2009, Hội nghị cấp cao ASEAN và các đối tác tại Thái Lan đã bị hoãn do những người biểu tình chống chính phủ tràn vào nơi tổ chức hội nghị. Vấn đề biển Đông không được đưa vào nghị trình của ASEAN.
Đến 2010 tại Hà Nội, tình hình hoàn toàn khác. Việt Nam đảm bảo được an ninh, an toàn cho Hội nghị thượng đỉnh diễn ra rất tốt đẹp. Vấn đề biển Đông được đưa vào. Cựu Ngoại trưởng Hillary Cliton nói, nước Mỹ có lợi ích quốc gia tại khu vực biển Đông. Cả hội nghị đồng thuận là sự ủng hộ rất mạnh mẽ
Năm 2010 cũng là năm cơ chế ADMM+, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng được hình thành tại đây. Chúng ta đã nâng được uy tín và vị thế không chỉ của Việt Nam mà còn của cả ASEAN.
Ở vị trí Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ cũng vậy. Chúng ta đã tham gia rất nhiều công việc của Hội đồng Bảo an LHQ. Đặc biệt, nhiệm kỳ 2020 – 2021, chúng ta đưa ra những vấn đề ví dụ như vào ngay đầu năm 2020, kỷ niệm thành lập LHQ, thực hiện Hiến chương LHQ, chúng ta tiến hành phiên họp có sự tham gia rất đông các quốc gia. Thứ 2, chúng ta thực hiện được cuộc họp giữa LHQ với ASEAN – một tổ chức toàn cầu và một tổ chức khu vực. Cuối năm chúng ta cũng thông qua được nghị quyết quan trọng, Nghị quyết phòng, chống dịch bệnh có tính chất toàn cầu.
Chúng ta đã thể hiện được mình có tiếng nói trên trường quốc tế và để được như vậy, bên trong chúng ta phải có thực lực thực sự. Chúng ta đổi mới, chuyển đổi nền kinh tế từ mô hình kế hoạch hóa sang mô hình kinh tế thị trường thành công. Chính trị ổn định, đời sống nhân dân được nâng cao, công cuộc xóa đói giảm nghèo đạt nhiều thành tựu. LHQ đánh giá rất cao vai trò của Việt Nam về việc chúng ta đã thực hiện rất tốt 17 mục tiêu phát triển bền vững. Đây là tấm gương rất tốt cho nhiều quốc gia trên thế giới.
Giai đoạn Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của ASEAN và Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ vừa qua thực sự là dấu ấn quan trọng trong ngoại giao của Việt Nam.
Nhà báo Diệu Bình: Nhiều ý kiến đánh giá trong những năm tới, tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp và có nhiều yếu tố không thuận lợi, dễ gây mất ổn định. Các ông có đồng ý với nhận định này và có thể đưa ra những dự đoán, phân tích về các yếu tố này cũng như tác động của chúng đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc?
PGS.TS, Thiếu tướng Lê Văn Cương: Việt Nam trong thời gian tới đây, trước mắt là giai đoạn 2021 – 2025, đến năm 2030 đối mặt nhiều thách thức rất lớn, bao gồm cả trong nước và ngoài nước.
Trong nước quan trọng nhất là tiềm lực, sức mạnh kinh tế của chúng ta còn khiêm tốn. “Có thực mới vực được đạo”, bảo vệ Tổ quốc cũng xuất phát từ đời sống kinh tế. Thách thức nữa là về chính trị, tức là nạn tham nhũng chưa tiêu diệt được, vẫn nhức nhối.
Thách thức ngoài nước chồng chất. Kinh tế thế giới đang trong quá trình chuyển tiếp, sau COVID-19, tất cả các quốc gia, trước hết là các cường quốc G7 điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế theo nguyên lý “không bỏ trứng vào một giỏ”.
Đại dịch COVID-19 khiến các nước phải điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế. Điều đó tác động đến Việt Nam cả tích cực và tiêu cực nhưng tiêu cực nhiều hơn. Thị trường thế giới là ẩn số, mà chúng ta phụ thuộc vào xuất khẩu, thách thức rất lớn.
Tuy nhiên, nếu chỉ nói là thách thức cũng không phải, đó cũng là cơ hội. Cơ hội lớn nhất hiện nay là Việt Nam chúng ta không đơn độc nữa. Chúng ta đã là thành viên của CPTPP, thành viên của khu vực kinh tế lớn nhất hành tinh này rồi, là thành viên của EVFTA... Chưa bao giờ chúng ta có cơ hội lớn về mặt kinh tế như thế này, có thể tận dụng tối đa thị trường toàn cầu.
Cơ hội lớn thứ hai là chúng ta đang ở khúc quanh của lịch sử thế giới từ 2021 – 2050. Từ nay đến giữa thế kỷ 21, một giai đoạn lịch sử mới, với trục chính là cuộc hợp tác - cạnh tranh mang tính đối đầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Mọi biến động trong quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ đều tác động đến Việt Nam.
Các cụ ngày xưa tổng kết “trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết” nhưng điều đó chỉ khái quát trong nền kinh tế lúa nước, chứ hiện trong điều kiện toàn cầu hóa kinh tế thì điều này chưa chắc đúng. Do vậy cơ hội cũng lớn lắm cả về phương diện quan hệ quốc tế lẫn chính trị với vị thế của Việt Nam hiện nay.
Cho nên chỉ nói thách thức thì không đủ. Đúng thực nhiều thách thức nhưng cơ hội cũng lớn. Tôi nghĩ, thời gian trước mắt, ít ra giai đoạn đến 2030, cơ hội với Việt Nam lớn hơn thách thức rất nhiều. Vấn đề là chúng ta phải nhìn rõ cơ hội để tận dụng, phát hiện ra thách thức để vượt qua.
GS.TS Phạm Quang Minh: Tôi cũng nghĩ rằng điều quan trọng là khả năng chúng ta biến nguy thành cơ. Một quốc gia có thể phát triển kể cả khi rất nghèo tài nguyên thiên nhiên, có nhiều điểm bất lợi nếu như có cơ chế chính sách tốt, thể chế tốt. Người ta nói, sự thất bại của các quốc gia phụ thuộc vào vấn đề thể chế. Một thể chế tốt là một thể chế biến cái không thể thành cái có thể,
Ví dụ, trước khi đổi mới, vẫn những con người đó, mảnh đất đó, chúng ta vẫn không đủ ăn, phải nhập khẩu lương thực. Thế nhưng, vẫn con người đó, mảnh đất đó có chính sách khoán ruộng. Năm 1981 chúng ta có chính sách khoán 100, năm 1988, chúng ta thấy khoán 100 chưa đủ, chúng ta điều chỉnh sang khoán 10. Rõ ràng, tình hình thay đổi hoàn toàn. Tôi nghĩ vấn đề ở đây chính là sự điều hành đất nước, thể chế có tầm nhìn, và tất nhiên là có cái tâm nữa.
Giữ nước từ khi nước chưa nguy, một mặt chúng ta phải củng cố, tăng cường nội lực của mình, một mặt phải nắm bắt thời cơ từ bên ngoài, xử lý một cách hài hòa, khéo léo các mối quan hệ, chúng ta sẽ có được thành công, vượt qua được thách thức.
Chúng ta có thể rút ra được những bài học từ kinh nghiệm lịch sử để vận dụng vào bối cảnh mới thì chắc chắn sẽ thành công.
VietNamNet (thực hiện)