Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến người tiêu dùng tài chính (NTDTC) trên khắp thế giới trong đó có Việt Nam. Đại dịch đã làm trầm trọng thêm những khó khăn và rủi ro vốn có đồng thời gây ra nhiều khó khăn và rủi ro mới với NTDTC. Các khó khăn và rủi ro bao gồm: Giảm khả năng phục hồi tài chính do giảm thu nhập, mất việc làm; Tính dễ bị tổn thương đối với các trò gian lận và lừa đảo tài chính; Thực hiện các cam kết tài chính; Gia tăng nguy cơ loại trừ tài chính do thiếu kiến thức và kỹ năng sử dụng các sản phẩm tài chính kỹ thuật số, không tiếp cận được các sản phẩm dịch vụ tài chính (cả truyền thống và kỹ thuật số).
Các hành vi có dấu hiệu vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của NTDTC tại Việt Nam có xu hướng gia tăng và nhiều biểu hiện phức tạp.
Theo số liệu của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, trong 4 tháng đầu năm 2021, Cục đã tư vấn 66 cuộc gọi, tiếp nhận và giải quyết 47 yêu cầu, kiến nghị và khiếu nại của NTDTC. Tín dụng tiêu dùng và dịch vụ thẻ tín dụng nằm trong những ngành, lĩnh vực kinh doanh thường xảy ra tranh chấp và bị người tiêu dùng phản ánh, khiếu nại nhiều nhất.
Trong lĩnh vực tín dụng, các hành vi gây thiệt hại hoặc có nguy cơ gây thiệt hại cho NTDTC vẫn xảy ra nhiều như như ép buộc, lôi kéo khách hàng bất chính, thông tin sai, không trung thực hoặc không rõ ràng gây nhầm lẫn về lãi suất; cán bộ ngân hàng lừa khách hàng lập hồ sơ khống để vay vốn, để lộ, lấy cắp và bán thông tin khách hàng, nâng khống giá trị tài sản đảm bảo để cho vay mục đích nhận thù lao… Lợi dụng khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh, tín dụng đen, có xu hướng gia tăng mạnh với nhiều biểu hiện tinh vi và phức tạp hơn.
Trên thị trường chứng khoán, năm 2021 một lượng tiền nhàn rỗi lớn đổ mạnh vào thị trường khiến cho thị trường này có dấu hiệu tăng trưởng nóng không phản ánh đúng bản chất là hàn thử biểu, kênh dẫn vốn cho nền kinh tế. Sự tăng trưởng quá nhanh của thị trường trong khi môi trường quản lý và hạ tầng kỹ thuật chưa theo kịp như hiện tượng nghẽn mạch giao dịch, các CTCK tạm ngừng chức năng sửa, hủy lệnh đã gây rủi ro cao đặc biệt là với các nhà đầu tư lần đầu tham gia thị trường.
Các hành vi xâm phạm hoặc có nguy cơ xâm phạm quyền và lợi ích của nhà đầu tư bao gồm vi phạm nghĩa vụ công bố, minh bạch thông tin, trực tiếp hoặc gián tiếp thực hiện hành vi gian lận, lừa đảo, làm giả tài liệu, tạo dựng thông tin sai sự thật hoặc công bố thông tin sai lệch hoặc che giấu thông tin hoặc bỏ sót thông tin cần thiết gây hiểu lầm cũng có xu hướng tăng. Việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), đặc biệt là phát hành TPDN không có tài sản đảm bảo, trái phiếu của một số doanh nghiệp, tổ chức phát hành có kết quả kinh doanh yếu kém có dấu hiệu tăng nhanh và nóng, tiềm ẩn nguy cơ cho nền kinh tế và phương hại quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Thời gian gần đây, các hành vi gian lận giao dịch tài chính kỹ thuật số có chiều hướng gia tăng với nhiều thủ đoạn mới. Trong lĩnh vực tín dụng và thanh toán, các thủ đoạn điển hình bao gồm: đánh cắp, mạo danh cán bộ ngân hàng, cơ quan quản lý nhà nước yêu cầu cung cấp mã OTP để lấy dữ liệu rồi kết nối và rút tiền qua các ví điện tử của chủ ví, cố ý chuyển nhầm tiền rồi ép nạn nhân trả tiền gốc và lãi; cán bộ ngân hàng lợi dụng lỗ hổng quy trình và những sơ hở thiếu hiểu biết của khách hàng để gian dối, lừa đảo chiếm đoạt tiền của chủ tài khoản.
Trong lĩnh vực Fintech, do Việt Nam chưa có khuôn khổ pháp lý chính thức cho các hoạt động fintech, các tổ chức cung ứng dịch vụ thực chất chỉ là tổ chức cung ứng ứng dụng công nghệ, vốn điều lệ nhỏ, không quản lý khoản vay và kiểm soát rủi ro theo các quy định mà các ngân hàng phải tuân thủ, không thuộc đối tượng bảo vệ của công cụ bảo hiểm tiền gửi. Vì vậy, khi xảy ra rủi ro, người cho vay và người đi vay không có cơ sở pháp lý để bảo vệ. Lợi dụng bối cảnh, nguồn vốn nhàn rỗi lớn và dịch bệnh, tâm lý hám lợi nhưng thiếu hiểu biết của các nhà đầu tư lần đầu tham gia thị trường, các sàn giao dịch Forex tiền ảo và hoạt động cờ bạc trực tuyến đã bùng nổ trong năm 2021.
Theo thống kê của Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Nội, hiện nay thị trường Việt Nam có khoảng 300 sàn giao dịch ngoại hối trái phép. Forex tự phát đến nay vẫn là hoạt động chưa được pháp luật công nhận nên khi tham gia chơi Forex trái phép tại Việt Nam, người chơi không những phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ mà còn có thể bị xử phạt hành chính do vi phạm pháp luật. Điều này khiến NTDTC nhất là những đối tượng yếu thế, thiếu kiến thức tài chính đứng trước những rủi ro nghiêm trọng.
Trong bối cảnh đó, để thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh và bảo vệ tốt hơn NTDTC, TS. Vũ Nhữ Thăng - Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đề xuất, kiến nghị như sau:
Thứ nhất, hoàn thiện quy định về cạnh tranh và bảo vệ NTDTC.
Tăng cường xây dựng, ban hành các quy định, cơ chế quản lý bảo vệ NTDTC đối với các sản phẩm tài chính kỹ thuật số và các kênh phân phối liên quan (như ngân hàng di động, cho vay ngang hàng, các giao dịch chuyển tiền xuyên biên giới). Hệ thống hóa, hợp nhất các quy định về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu, chỉ định cơ quan cụ thể giám sát việc thực thi các quy định này. Rà soát lại chức năng nhiệm vụ của các cơ quan có thẩm quyền trong lĩnh vực bảo vệ NTDTC. Trong đó, phân định rõ ràng trách nhiệm của từng cơ quan quản lý về nhiệm vụ bảo vệ NTDTC cũng như cơ chế phối hợp chính thức và hiệu quả giữa các cơ quan này.
Thứ hai, tăng cường tính công khai minh bạch thông tin trên thị trường tài chính.
Quy định rõ ràng, chặt chẽ và cụ thể nghĩa vụ tiết lộ thông tin của các chủ thể cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính là yêu cầu cấp thiết để bảo vệ hiệu quả NTDTC cũng hiệu quả giám sát an toàn và cẩn trọng thị trường tài chính. Phát triển trang web so sánh giá để NTDTC dễ dàng so sánh và nhận định thông tin.
Thứ ba, khuyến khích và yêu cầu và các tổ chức cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính nâng cao trách nhiệm và đạo đức kinh doanh cũng như có chế tài cụ thể với người tiêu dùng.
Thứ tư, quy định rõ nhà cung cấp dịch vụ tài chính phải có quy định bằng văn bản và cơ chế phù hợp xử lý khiếu nại.
Theo đó, các nhà cung cấp dịch vụ tài chính cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn tối thiểu liên quan đến chức năng và thủ tục xử lý khiếu nại như duy trì và cung cấp cho cơ quan có thẩm quyền hồ sơ cập nhật và chi tiết về tất cả các khiếu nại cá nhân.
Thứ năm, tăng cường tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng sản phẩm tài chính.
Thực hiện khảo sát quốc gia về hiểu biết tài chính; xây dựng các chương trình thí điểm để nâng cao nhận thức và tăng cường năng lực tài chính hướng tới mục tiêu dài hạn là xây dựng chiến lược quốc gia về hiểu biết tài chính.
Tuấn Anh (lược ghi), Anh Dũng, Thanh Bình