Tại Quảng Ngãi, lợi thế vị trí địa lý vịnh nước sâu, khu kinh tế Dung Quất đã thu hút được nhiều đầu tư của các doanh nghiệp và sự phát triển cảng biển đã mang lại nhiều hiệu quả trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, phát triển hệ thống cảng biển cũng để lại nhiều vấn đề về môi trường. Hoạt động tàu thuyền ra vào trong cảng tại khu kinh tế Dung Quất với tần suất cao, khó kiểm soát có thể gây ra các sự cố môi trường. Các nguồn thải từ các khu công nghiệp, tàu thuyền tại cảng cũng ảnh hưởng môi trường biển, tràn dầu trên biển.
Lúc này, việc kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải này đòi hỏi phải đảm bảo các quy định của pháp luật.
Để triển khai hiệu quả kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường, an ninh quốc phòng, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có nhiều giải pháp chú trọng như nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng, các tổ chức xã hội về vai trò của khai thác và sử dụng bền vững tài nguyên biển, đảo gắn với chủ quyền biển đảo. Người dân được tuyên truyền các chính sách như phát triển kinh tế biển gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và giữ gìn môi trường biển.
Tỉnh tập trung điều chỉnh các quy hoạch đảm bảo đồng bộ và có tầm nhìn dài hạn. Các huyện, thị xã, thành phố có biển chú trọng việc khai thác tài nguyên biển vào phát triển kinh tế, lấy biển làm trọng tâm trong các quy hoạch đảm bảo không chồng chéo trong công tác khai thác tài nguyên biển.
Tại Quảng Ngãi cũng thực hiện nhiều hoạt động hướng đến chung tay bảo vệ đại dương. Trong đó, đặc biệt chú trọng tuyên truyền về quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, công bằng, bền vững tài nguyên biển, hải đảo. Khuyến khích các hoạt động sản xuất kinh doanh thân thiện với môi trường biển.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi đã tập trung vào các giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học biển. Tập trung mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản thiên nhiên, di sản văn hóa biển. Khai thác, đánh bắt thủy sản an toàn, bền vững.
Các biện pháp như cập nhật, điều tra bổ sung dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo để đánh giá tiềm năng, lợi thế của hệ sinh thái biển.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng kiểm soát nghiêm ngặt các yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn về môi trường, công tác quy hoạch tại các dự án đầu tư đều được tích hợp các điều khoản bảo vệ môi trường, quản lý nguồn nước thải, chất thải rắn tại các khu công nghiệp ven biển, nước thải từ vùng nuôi trồng thủy hải sản.
Cùng với đó, công tác tái tạo nguồn lợi thuỷ sản cũng được tỉnh Quảng Ngãi chú trọng. Mỗi năm, ngành thuỷ sản tỉnh đều tổ chức các đợt thả cá, tôm cua ở rừng ngập mặn và hồ, biển để tái tạo nguồn lợi.
Từ năm 2016, Quỹ Khí hậu xanh (GCF) đã tài trợ dự án trồng và phục hồi rừng tại vùngnước mặn cửa sông ven biển Bàu Cá Cái, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, đến nay tỉnh đã trồng rừng được trên 100ha, bảo vệ hệ sinh thái ven biển và phát triển du lịch rừng ngập mặn tại đây.
UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng đưa ra nhiều quy định, kế hoạch triển khai về tài nguyên đất, nước, đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khi hậu, sự cố thiên tai. Tất cả các nội dung này đều tạo cơ sở cho hoạt động khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển, đảo.
Tháng 9/2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền đã ký văn bản số 4481 về thực hiện Nghị quyết số 48 của Chính phủ về Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030 tầm nhìn 2050 trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. UBND giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện hiệu quả Nghị quyết 48.