Từ khi đưa vào hoạt động đến nay, cáp quang biển AAG (Asia America Gateway) đã nhiều lần xảy ra sự cố đứt, riêng trong năm 2015 đã gặp sự cố tới 4 lần, gần đây nhất tuyến cáp quang này phải bảo trì từ ngày 7/6 – 17/6/2015, làm đường truyền internet bị ảnh hưởng, gây bức xúc cho người sử dụng. Chính vì thế, tại Hội nghị Giao ban quản lý nhà nước với các doanh nghiệp viễn thông vừa diễn ra hôm nay (3/7), các chuyên gia cho rằng cần có nhiều phương án để giảm sự phụ thuộc vào tuyến cáp quang này. Bên cạnh đó, cần xây dựng hành lang bảo vệ tuyến cáp.

Theo ông Giang Văn Thắng, Trưởng phòng Hạ tầng Kết nối – Cục Viễn thông, 70% nguyên nhân gây sự cố với cáp quang biển là các hoạt động hàng hải, sau đó là các hoạt động thiên tai và hi hữu hơn là cáp quang biển bị cắt trộm. Mỗi lần sự cố xảy ra, quá trình sửa chữa rất mất thời gian và tốn kém, do phải kí hợp đồng, cấp phép để đối tác sửa chữa, mỗi lần mất ít nhất một tuần, gây nhiều tác hại về kinh tế.

“Một số quốc gia đã ban hành quy định và chế tài cụ thể để bảo vệ cáp viễn thông, ví dụ như New Zealand và Australia quy định bán kính 3,7 km, độ sâu 2000m cấm các hoạt động đánh cá, neo đậu tầu thuyền quanh khu vực có cáp biển”, ông Thắng nói.

Ngoài ra, xác suất xảy ra sự cố ở từng vùng địa lý khác nhau. Chẳng hạn, ở Vũng Tàu, phần bờ biển nông, tàu thuyền nhiều nên dễ gây sự cố va chạm, trong khi đó, cũng là cáp biển AAG nhưng ở Đà Nẵng biển sâu nên ít gây ảnh hưởng. Do đó, theo ông Thắng, nhà nước nên ban hành hành lang bảo vệ cáp quang biển.

Hiện cơ sở hạ tầng viễn thông quốc tế của Việt Nam có 3 tuyến cáp quang biển chính, ngoài ra còn có cáp quang đất liền đi qua Trung Quốc, Lào, Campuchia, hai vệ tinh Vinasat. Đối với băng thông Internet, chủ yếu là qua các tuyến cáp quang biển, vì thế mỗi lần cáp quang biển gặp sự cố sẽ ảnh hưởng rất lớn. Hiện tại, trong khu vực Đông Nam Á, Indonesia có 10 tuyến cáp quang biển, Thái Lan mặc dù dân số ít hơn Việt Nam nhưng cũng có tới 5 tuyến cáp quang biển.

Về vấn đề cáp quang biển, đại diện của VNPT cho biết hiện tại doanh nghiệp rất lo lắng, mỗi lần xảy ra sự cố khách hàng phản ứng rất nhiều, nếu không bảm đảo được đường truyền, khách hàng sẽ rời mạng.

VNPT hi vọng, đến đầu năm 2017 tập đoàn này sẽ tham gia khai thác đến 5 điểm cáp quang biển quốc tế, nhiều hơn cả cáp đất liền. Tập đoàn này cũng đang dành kinh phí để phối hợp với Cục Cảnh sát biển, Sở thông tin địa phương để tuyên truyền phù hợp với người dân.

Đề cập tới một giải pháp có thể triển khai trước mắt, ông Đặng Tùng Sơn, Phó TGĐ CMC Telecom, đưa ra thông tin, hiện rất nhiều doanh nghiệp không sử dụng hết băng thông của họ, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng có thể thuê lại phần này với giá rẻ hơn, để đảm bảo đường truyền thông suốt cho khách hàng.

Hiện tại, Viettel cũng đang có phương án đầu tư vào hai tuyến cáp quang biển mới là tuyến APG và AAE, để đảm bảo về băng thông mạng, giảm bớt sự phụ thuộc vào tuyến AAG.