Ðảng và Nhà nước ta vừa không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật, vừa luôn xây dựng các chính sách cụ thể để từng bước cải thiện, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân.

{keywords}
Việt Nam nhất quán với nguyên tắc tất cả vì tự do và hạnh phúc nhân dân, Ðảng và Nhà nước ta vừa không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo tiền đề pháp lý bảo đảm quyền con người, vừa luôn xây dựng các chính sách cụ thể để từng bước cải thiện, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân.

Khi lựa chọn định hướng phát triển theo xu hướng tiến bộ, các quốc gia đều cố gắng phấn đấu vì hạnh phúc của con người, vì thế bảo vệ các quyền của con người là một tất yếu khách quan. Việt Nam nhất quán với nguyên tắc tất cả vì tự do và hạnh phúc nhân dân, Ðảng và Nhà nước ta vừa không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật tạo tiền đề pháp lý bảo đảm quyền con người, vừa luôn xây dựng các chính sách cụ thể để từng bước cải thiện, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân.

Đổi mới về kinh tế đã đặt con người vào vị trí trung tâm

Đại hội VI của Đảng đã khởi xướng đường lối đổi mới toàn diện đất nước mà trước hết là đổi mới tư duy về lý luận, lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm, từng bước đổi mới về chính trị. Đổi mới về kinh tế đã đặt con người vào vị trí trung tâm, phát huy được nhân tố con người, gắn quyền con người với điều kiện kinh tế - xã hội, tôn trọng và thúc đẩy quyền con người trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Văn kiện Đại hội VI khẳng định: “Cùng với việc chăm lo đời sống nhân dân, các cơ quan nhà nước phải tôn trọng và bảo đảm những quyền công dân mà Hiến pháp đã quy định”.

Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), lần đầu tiên, khái niệm “quyền con người” được đề cập đến, đó là: “Nhà nước định ra các đạo luật nhằm xác định các quyền công dân và quyền con người, quyền đi đôi với nghĩa vụ và trách nhiệm”.

Qua các kỳ đại hội, tư duy và nhận thức về quyền con người ngày càng được đổi mới, hoàn thiện hơn. Văn kiện Đại hội XI của Đảng tiến thêm một bước cơ bản trong bảo vệ quyền con người với sự khẳng định: “Phải bảo đảm quyền con người, quyền công dân và các điều kiện để mọi người được phát triển toàn diện”.

Hiến pháp 1992 đánh dấu bước phát triển mới trong việc khẳng định, mở rộng và diễn đạt sâu sắc hơn nội dung một số quyền con người, quyền công dân. Với nguyên tắc hiến định “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân”(8), Hiến pháp năm 1992 đã bổ sung những quyền mới vào tập hợp các quyền công dân, như quyền được tham gia quản lý nhà nước và xã hội, quyền khiếu nại, tố cáo, quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu đối với các tư liệu sản xuất và các tài sản khác,… Khái niệm “quyền con người” được nêu ra và ghi nhận thành một điều khoản riêng: “Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được tôn trọng, thể hiện ở các quyền công dân và được quy định trong Hiến pháp và luật” 

Không ngừng hoàn thiện cơ sở pháp lý để bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người ở Việt Nam

Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, để bảo đảm tốt hơn các quyền cơ bản của con người, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao vai trò của các cơ quan lập pháp, hành pháp trong việc bảo đảm quyền con người, bảo đảm được quyền tự do bầu cử, ứng cử của người dân, vừa thực sự lựa chọn được người có đức, có tài phục vụ đất nước và nhân dân.

Rà soát lại hệ thống pháp luật hiện hành, xác định rõ những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung, bảo đảm tính thống nhất trong các văn bản luật và dưới luật, đồng thời tiếp tục nội luật hóa các điều khoản trong Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã ký kết cho phù hợp với hệ thống pháp luật quốc gia, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc bảo đảm độc lập dân tộc và quyền con người. Xử lý nghiêm minh những trường hợp cố tình vi phạm quyền con người của người dân.

Kết hợp chặt chẽ các chính sách phát triển kinh tế với chính sách xã hội để “tăng trưởng kinh tế gắn liền với công bằng xã hội”, tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ thu hút đầu tư nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho mọi người dân, có nhiều chính sách và biện pháp ưu tiên hơn nữa cho những nhóm đối tượng đặc biệt, thu hẹp dần khoảng cách phân hóa giàu nghèo, tạo cơ sở để thực hiện quyền bình đẳng và tự do dân chủ của con người.

Nâng cao nhận thức của mọi người dân, nhất là các cơ quan nhà nước về vấn đề quyền con người. Để làm tốt điều này, cần tăng cường giáo dục chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về quyền con người để mọi cán bộ và người dân có thể nhận thức rõ được âm mưu của các thế lực thù địch chống phá ta trên lĩnh vực nhân quyền.

Tiếp tục thực hiện một số các ưu tiên quốc gia trong lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo; tiếp tục cải cách pháp luật, hành chính; chăm sóc sức khỏe và nâng cao thể chất con người; ưu tiên phát triển mạng lưới an sinh xã hội, hạn chế tác động tiêu cực của kinh tế thị trường; ưu tiên bồi dưỡng thế hệ trẻ và đào tạo lớp người lao động có kiến thức cơ bản, có kỹ năng nghề nghiệp, có ý thức vươn lên về khoa học, công nghệ, xây dựng đội ngũ công nhân lành nghề, các chuyên gia và nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà kinh doanh, nhà quản lý.../.

Thu Thủy