10 loại nhựa khó phân hủy nhất
Theo báo cáo nghiên cứu của Viện hải dương học Nha Trang, việc tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân nhằm giảm thiểu rác thải nhựa là vô cùng cần thiết trong bối cảnh ô nhiễm trắng (loại ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa và túi nilon gây ra, có ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khoẻ con người) đang trở lên báo động.
Điều đáng chú ý, trong số những loại nhựa khó phân hủy nhất trong đời sống hàng ngày đều có ở Việt Nam. Chính thói quen tiêu dùng này đang khiến ô nhiễm trắng ngày càng nặng nề, nhất là tại các đô thị lớn. 10 loại rác khó phân hủy nhất có thể kể đến (tính theo năm rác tự phân hủy trong đại dương khi có sự ăn mòn của muối và axit) là: Đầu lọc thuốc lá (12,5 năm); Túi nilon nói chung (55 năm để có thể phân hủy thành vi nhựa). Vòng cố định đồ uống (90 năm); Quần áo thông thường có dùng sợi nhựa (110 năm); Nắp chai nước uống/ chai gia vị…(300 năm); Băng vệ sinh (375 năm); Bàn chải đánh răng (500 năm); Dây cước câu cá (600 năm); Chai nhựa nói chung (725 năm) và túi nhựa dày (1.000 năm).
Như vậy có thể thấy, chỉ cần bớt đi một vỏ chai nước, một túi nilon trong mua sắm hàng ngày là chúng ta đã góp phần bảo vệ môi trường sống, bảo vệ các đại dương khỏi tình trạng ô nhiễm trắng hiện nay.
Theo TS Vũ Hồng Khanh, Đại học Nha Trang: “Có thể thấy Trái đất đang gồng mình lên để bù đắp cho những lỗi lầm của con người. Rác thải nhựa không chỉ là kẻ thù của các đại dương, của môi trường sống và sức khỏe con người mà nó còn là mối nguy hại vĩnh viễn tới con cháu chúng ta, tương lai chúng ta. Chính vì vậy, hãy cân nhắc sử dụng các vật liệu nhựa mỗi khi mua sắm, mỗi khi dùng đến nhựa”.
Thực tế những năm gần đây số lượng rác thải nhựa trên toàn cầu tăng nhanh theo từng năm. Riêng ở Việt Nam, trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 - 2 triệu tấn rác nhựa, phần lớn trong số đó là có túi nilon.
Việt Nam cũng đứng thứ 4 trong 20 quốc gia ở top đầu phát thải rác nhựa ra đại dương (với khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn/năm, tương đương 6% tổng lượng rác thải nhựa ra biển của thế giới). Có thể thấy, rác nhựa theo sông suối đổ ra đại dương đang là vấn nạn toàn cầu. Việt Nam là quốc gia biển nên cảm nhận rõ nhất tình trạng ô nhiễm rác thải nhựa ra sao và những hậu quả đang dần hiện hữu.
Chung tay phòng chống rác thải nhựa
Vậy làm sao để hạn chế rác thải nhựa? “Thực tế mỗi người chúng ta hãy thay đổi thói quen tiêu dùng, thay thế nhựa bằng những vật liệu dễ phân hủy hơn (nếu có thể), phân loại rác và triệt để thu gom rác thải nhựa để tái chế, xử lý… Cùng hành động để ứng phó với tình trạng ô nhiễm trắng, cùng hành động nói không với rác thải nhựa, cùng hành động vì tương lai của con cháu chúng ta”, TS Vũ Hồng Khanh nhắn nhủ.
Theo TS Vũ Hồng Khanh, có rất nhiều ứng dụng của nhựa mà khó có thể thay thế bằng vật liệu khác được như: vỏ bọc cách điện, ống nước, da giả, bộ phận xe hơi, dụng cụ y tế… Tuy nhiên, cũng không vì thế mà nhiều vật dụng không cần đến nhựa lại bị chúng ta lạm dụng vô tội vạ, không kiểm soát, nhất là các sản phẩm nhựa sử dụng một lần (như bao nilon, cốc, thìa, bát nhựa, ống hút…).
Hãy thay thế những thói quen sử dụng rác thải nhựa một lần, ví dụ các nhà hàng có thể nói không với ống hút hoặc thay ống hút nhựa bằng các loại ống hút giấy. Các siêu thị chuyển từ túi nilon truyền thống sang các loại túi làm từ vật liệu có thể phân hủy nhanh. Các cơ quan giảm thiểu những đồ uống đóng chai, tuyên truyền cho các văn phòng, công sở hạn chế rác thải nhựa. Với các hộ gia đình, thay thế đồ dùng nhựa bằng các chất liệu truyền thống như thủy tinh, gốm sứ…
“Sẽ thật ám ảnh với những ao, hồ, sông ngòi ở nhiều nơi đang bị bao nilon bủa vây gây tắc nghẽn cống, rãnh, kênh rạch, gây ứ đọng nước thải, ô nhiễm môi trường. Số rác thải nilon ấy đi về đâu, xin thưa lại đi ra biển, trôi vào các đại dương. Cá ăn phải rác nhựa, và rồi chúng ta lại ăn cá. Một vòng tuần hoàn thật đáng sợ và không thể tưởng tượng. Chúng ta cần hành động để thay đổi thực trạng này ngay hôm nay và bắt đầu từ chính tôi và các bạn”, TS Vũ Hồng Khanh nhắn nhủ.