PGS.TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, chỉ rõ những thời cơ, thuận lợi cũng như những thách thức trong việc bảo vệ, bảo đảm Quyền con người tại Việt Nam hiện nay.

Nhiều thời cơ, thuận lợi…

Chúng ta có một hệ thống các quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng thể hiện trong tất cả các văn kiện của Đảng, các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư liên quan đến Quyền con người trên các lĩnh vực. Đây là điều rất thuận lợi.

Không phải bây giờ Đảng ta mới nói về Quyền con người. Ngay từ Cương lĩnh chính trị năm 1930, rồi đến Luận cương về Cách mạng Việt Nam năm 1951 đều đã giải thích rõ thế nào là nhân quyền và quyền công dân.

Đại hội Đảng VI chưa nói đến từ “Quyền con người” nhưng khẳng định rõ tôn trọng, bảo vệ quyền công dân. Khái niệm về Quyền con người lần đầu tiên được đưa vào Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH năm 1991, nhưng khi ấy mới chỉ nói Nhà nước định ra các đạo luật để quy định “Quyền công dân, quyền con người. Quyền đi đôi với nghĩa vụ và trách nhiệm”. Từ quy định đó chúng ta có Điều 50 của Hiến pháp 1992.

Bắt đầu từ Đại hội Đảng IX, chúng ta đưa vào vấn đề tôn trọng, bảo vệ Quyền con người, tôn trọng, thực hiện các điều ước quốc tế về Quyền con người.

Đặc biệt, Đại hội Đảng XI đã thông qua 4 điểm trong Cương lĩnh thể hiện một hệ thống quan điểm toàn diện của Đảng lấy con người làm trung tâm, tôn trọng bảo vệ quyền con người, chủ động đối thoại với các nước trên lĩnh vực về quyền con người.

Về các nghị quyết, chỉ thị của Ban Bí thư. Năm 1992, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 12/7/1992 về Vấn đề quyền con người và quan điểm, chủ trương của Đảng ta. Năm 2010 chúng ta có Chỉ thị số 44-CT/TW của Ban Bí thư về công tác nhân quyền trong tình hình mới (ngày 20/7). Và đầu năm nay, Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII ban hành Thông báo Kết luận tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TW.

Thứ 2 là từ quan điểm của Đảng đến hệ thống pháp luật. Trong Hiến pháp 2013, Quyền con người từ vị trí Chương 5 (Hiến pháp 1992) được đưa lên Chương 2, và không chỉ quy định trong 36 điều mà còn được đề cập đến trong hầu hết các điều khoản của Hiến pháp. Chúng ta cũng khẳng định Chính phủ có nhiệm vụ bảo vệ quyền con người, có quy định Tòa án có nhiệm vụ bảo vệ công lý, quyền con người, quy định Viện KSND có nghĩa vụ bảo vệ pháp chế XHCN và nghiệm vụ bảo vệ quyền con người… Luật tổ chức Tòa án cũng thay đổi rất mạnh. Trước kia Tòa án đầu tiên là bảo vệ chế độ, giờ chúng ta đưa bảo vệ công lý, quyền con người lên trước.

Sau khi Hiến pháp 2013 được thông qua, tất cả các bộ luật, từ luật Tố tụng hình sự, Luật Dân sự, Luật Báo chí, Luật tiếp cận thông tin… chúng ta đều ban hành theo hướng tiếp cận bảo vệ quyền con người. Bộ luật Dân sự có những chương, điều riêng nói về bảo vệ quyền nhân thân, rồi tòa án không được từ chối giải quyết đến dân sự với lý do chưa có luật…

Thuận lợi tiếp theo là chưa bao giờ Việt Nam lại có một vị thế trên trường quốc tế như bây giờ. Còn nhớ vào những năm 90 của thế kỷ trước, vấn đề quyền con người ở Việt Nam chúng ta gặp vô vàn khó khăn. Năm 1993, tại Hội nghị thế giới về nhân quyền, các lực lượng phản động, thù địch liệt kê chúng ta vào các nước vi phạm nhân quyền, thậm chí còn dùng từ ngữ nghiêm trọng. Ngay đến những năm 2000 cũng còn rất khó khăn.

Nhưng giờ chúng ta đã là thành viên của Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2014 – 2016. Bây giờ chúng tôi trao đổi với các học giả Mỹ về quyền con người có thể thấy họ thay đổi quan điểm rất nhiều về chúng ta.. Nhìn nhận, đánh giá chung của các nước trong khu vực và trên thế giới về Quyền con người của Việt Nam thay đổi hẳn so với trước. 

{keywords}
Chúng ta có nhiều thuận lợi trong bảo vệ, bảo đảm quyền con người. Ảnh minh họa

Thứ 4 là nhận thức của các cán bộ lãnh đạo, quản lý. Chẳng hạn, trước kia Quyền con người chưa được đưa vào giảng dạy trong lớp Cao cấp lý luận, hoặc rất ít. Nhưng từ năm học 2017 – 2018, Lý luận và pháp luật về quyền con người đã được đưa vào giảng dạy với số lượng 50 tiết.

Thứ 5, nhận thức của người dân hiện cũng đã được nâng cao rất nhiều. Thông qua giáo dục, truyền thông, các kênh thông tin đại chúng, người dân nhận thức cao hơn về những vấn đề như công khai minh bạch trong hoạt động nhà nước, xây dựng chính phủ liêm chính, trách nhiệm giải trình, sự tham gia của người dân…

Thứ 6 là điều kiện kinh tế của chúng ta phát triển hơn hẳn so với trước tạo điều kiện thuận lợi để thực thi việc bảo vệ, bảo đảm quyền con người.

…nhưng cũng không ít thách thức

Trước tiên, một trong những thách thức lớn nhất hiện nay đó là nước ta mặc dù vậy vẫn là một nước nghèo, thu nhập trung bình. Như C.Mác đã nói, kinh tế là yếu tố quyết định, kinh tế không phát triển thì bảo vệ bảo đảm Quyền con người thực sự gặp khó khăn, nhất là quyền kinh tế, xã hội. Nhiều vùng của chúng ta còn khó khăn lắm, đường xá, bệnh viện, trường học còn chật chội, xuống cấp…

Thứ 2, nhận thức chung đã thay đổi nhưng tư duy của một bộ phận cán bộ đảng viên, lãnh đạo các cấp vẫn quá chính trị hóa quyền con người, xem đây là vấn đề nhạy cảm, nói đến Quyền con người lại thiên về hướng là chúng ta phải đấu tranh chống cái gì đó, và nhân quyền như một khái niệm của phương Tây, trong khi lại xem nhẹ việc bảo vệ, ít quan tâm thực chất đến vấn đề nhân quyền, không xem đó như vấn đề thiết thân như đời sống hàng ngày.

Nhưng chỉ đơn giản như vấn đề hàng giả, thực phẩm không an toàn, thuốc giả… cũng là vi phạm quyền của người tiêu dùng, cũng là vấn đề thuộc về nhân quyền đó. Chúng ta phải nhìn vấn đề nhân quyền trong cái nhìn đời thường như vậy chứ đừng chính trị hóa.

Thứ 3, tác động đa chiều của thông tin đại chúng cũng vừa là thời cơ vừa là thách thức. Thông tin không đúng sự thật, theo chiều hướng không chính xác, ví dụ các lực lượng phản động sử dụng các mạng xã hội “có ít xít ra nhiều”, bóp méo sự thật, không đúng sự thật.

Thứ 4, các lĩnh vực đô thị hóa, công nghiệp hóa bộc lộ yếu kém trong quản lý. Tiếp cận giáo dục, nước sạch, chăm sóc sức khỏe ở các đô thị không an toàn ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Nhiều khu dân cư quy hoạch chật chội, có chỗ tính trung bình 8 người/ 1 m2, giáo dục thì có những lớp tiểu học lên đến 60 – 70 em một lớp trong khi đúng tiêu chuẩn chỉ khoảng 30 em.

Thách thức nữa là các thế lực phản động thù địch tiếp tục sử dụng chiêu bài dân chủ nhân quyền, tự do, tôn giáo, dân tộc, bình đẳng để gây sức ép, phá hoại, kích động bạo lực. Lực lượng này rất lớn, mà dù chúng ta có đạt được những bước tiến thành tựu đến đâu họ cũng không bao giờ chịu thừa nhận.

Trên đây là khái quát một số thuận lợi cũng như thách thức trong công tác bảo vệ, bảo đảm quyền con người ở Việt Nam.

PGS.TS Tường Duy Kiên, Viện trưởng Viện Quyền con người, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Xuân Nhân (ghi)