Vùng dân tộc thiểu số và miền núi phía Bắc nước ta với những đặc trưng riêng về địa chất, khí hậu, lịch sử, văn hóa… là nơi tụ cư lâu đời của các dân tộc Dao, Thái, Mông, Tày, Nùng… không chỉ có những cảnh quan tuyệt tác mà còn lưu giữ những trầm tích văn hóa lâu đời, hội tụ linh khí của cỏ cây, trời đất, là “mỏ vàng” để phát triển kinh tế du lịch.

Mặc dù có lợi thế và tiềm năng lớn, song có thể khẳng định, hiệu quả kinh tế từ du lịch vùng núi phía Bắc còn chưa tương xứng. Có thể chỉ ra những vấn đề tồn tại chủ yếu của du lịch ở vùng DTTS và miền núi phía Bắc nước ta như sau:

Số lượng khách quốc tế và nội địa thời gian qua có tăng nhưng không tạo được đột phá, hiệu quả, thu nhập du lịch còn khiêm tốn. Chi tiêu du lịch còn thấp do sản phẩm du lịch đơn điệu, dịch vụ nghèo nàn và trùng lặp.

Hạ tầng du lịch chưa được quy hoạch một cách bài bản nên thiếu đồng bộ, dẫn đến việc chưa thu hút du khách với khả năng chi tiêu cao và lưu trú lâu dài; Hệ thống nhà hàng, khách sạn, dịch vụ vui chơi, giải trí, hệ thống quà lưu niệm du lịch đặc trưng các vùng miền trên phạm vi cả nước còn nghèo nàn, thiếu đồng bộ.

Tại các điểm du lịch văn hóa (di sản, làng nghề…), các nhà đầu tư chỉ quan tâm khai thác mà không chú ý đúng mức đến việc bảo tồn các giá trị văn hóa, bảo vệ môi trường và tái đầu tư cơ sở hạ tầng; Việc tổ chức các loại hình trình diễn nghệ thuật để phục vụ du khách, từ truyền thống đến đương đại, trình diễn các nghề truyền thống… còn nhiều hạn chế.

Đó còn là, các làng nghề truyền thống với cuộc sống, phương thức sinh hoạt, làm nghề và truyền nghề cùng các sản phẩm thủ công truyền thống là những tiềm năng lớn chưa được khai thác hết phục vụ phát triển du lịch. Việc cung cấp các sản phẩm lưu niệm mang dấu ấn văn hóa đặc trưng của các dân tộc còn hạn chế bởi các sản phẩm nghèo nàn, đơn điệu, không gian trưng bày thiếu đầu tư nên không hấp dẫn du khách. Hệ quả là các chủ thể văn hóa (cộng đồng) không thu được nguồn lợi để bù đắp chi phí, tái sản xuất, buộc phải chuyển nghề khác để kiếm sống.

Bên cạnh đó, môi trường văn hóa du lịch chưa được đảm bảo, gây nhiều phiền nhiễu cho du khách, Yếu tố môi trường chưa được coi trọng… cũng làm giảm sức hấp dẫn của một số vùng miền.

Theo các khảo sát đã được đăng tải trên các cơ quan truyền thông, có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, song cốt lõi là do Việt Nam chưa xây dựng được một ngành công nghiệp văn hóa – công nghiệp du lịch đúng nghĩa. Các hoạt động du lịch tổ chức manh mún, nhỏ lẻ, vụn vặt, thiếu sự quản lý thống nhất ở tầm vĩ mô, thiếu tính đồng bộ, tính kết nối và chưa dựa trên nền tảng khoa học công nghệ tiên tiến.

Để nâng cao hiệu quả quản lý văn hóa gắn với phát triển du lịch bền vững ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi phía Bắc, từ đầu năm 2020, Thủ tướng đã ký Quyết định số 147/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch đến năm 2030.

Với quan điểm phát triển du lịch theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả, trên nền tảng thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chiến lược du lịch quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2030 phấn đấu đón được ít nhất 50 triệu lượt khách quốc tế và 160 triệu lượt khách nội địa, tổng thu từ khách du lịch tương đương 130-150 tỷ USD; đưa Việt Nam trở thành điểm đến đặc biệt hấp dẫn, thuộc nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới.

Đó là những mục tiêu lớn cần đạt được trong khoảng thời gian khá hạn hẹp.

Thế nên, ThS. Nguyễn Thị Mai Anh (Học viện Chính trị quốc gia) và TS. Giang Khắc Bình (Uỷ ban dân tộc) góp bàn về việc cần có những giải pháp đột phá về tư duy, cách thức tổ chức, vận hành cả một ngành kinh tế còn đang mới mẻ ở nước ta.

Xét về các điều kiện tự nhiên và xã hội, có thể chia nước ta thành nhiều vùng văn hóa như vùng văn hóa miền núi phía Bắc, vùng văn hóa đồng bằng Bắc Bộ, văn hóa Tây Nguyên, văn hóa Tây Nam Bộ… Mỗi vùng văn hóa có những đặc điểm riêng, tạo sức hút, sức hấp dẫn riêng. Cần tô điểm, làm nổi bật những giá trị đặc sắc của từng vùng văn hóa, trong đó, cùng với việc bảo vệ cảnh quan, môi trường, thì yếu tố cần đặc biệt chú trọng là bảo tồn những giá trị văn hóa đặc sắc của các DTTS.

Vùng văn hóa miền núi phía Bắc đậm chất tâm linh, huyền bí, gắn với những giá trị văn hóa lịch sử lâu đời. Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, những tác động của kinh tế thị trường, của toàn cầu hóa đang khiến những giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS mai một nhanh chóng, tính đa dạng và độc đáo của văn hóa vùng miền ngày càng mờ nhạt.

Trong điều kiện đó, việc đẩy mạnh công nghiệp văn hóa có thể trở thành một động lực để đồng bào các dân tộc nói chung và các dân tộc vùng miền núi phía Bắc nói riêng, chủ động, tích cực hơn trong bảo tồn, gìn giữ những giá trị truyền thống đặc sắc của văn hóa dân tộc, đồng thời giúp cải thiện và nâng cao đời sống cả vật chất lẫn tinh thần.

Vùng DTTS và miền núi nước ta là nơi định cư chủ yếu của đồng bào các DTTS. Với hơn 75% diện tích cả nước, vùng DTTS và miền núi không chỉ có nguồn tài nguyên thiên nhiên vô cùng phong phú, mà còn có nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng – yếu tố thiết yếu của công nghiệp du lịch.

Chủ thể của nguồn tài nguyên văn hóa đó là đồng bào các DTTS, những tộc người đã trường tồn trong môi trường tự nhiên qua hàng bao thế kỷ, tạo nên những trầm tích văn hóa đặc sắc, góp phần tạo dựng nền văn hóa Việt Nam “tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Chỉ có đồng bào DTTS mới có thể thấu hiểu những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình và cũng chỉ có họ mới biết cách phát huy những giá trị văn hóa truyền thống vào phát triển kinh tế - xã hội mà không làm tổn hại, mai một những giá trị đó.

Xây dựng một nền công nghiệp như công nghiệp du lịch cần rất nhiều nguồn lực, trong đó có nguồn lực nhà nước, nguồn lực từ các doanh nghiệp, các nhà đầu tư lớn… nhưng không thể bỏ qua nguồn lực văn hóa của các chủ thể văn hóa.

Văn hóa các dân tộc là chất liệu, là “nguyên liệu đầu vào” không thể thiếu của công nghiệp du lịch, nhưng các cộng đồng dân tộc mới là những người sáng tạo, bảo vệ, lưu truyền và không ngừng bổ sung, làm giàu thêm những giá trị của văn hóa dân tộc mình. Nếu không coi trọng vai trò chủ thể văn hóa, sẽ rất khó để có thể khai thác hết những giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc, thậm chí có thể làm biến dạng, gây những tác động tiêu cực làm mai một văn hóa dân tộc.

Trong cơ cấu ngành công nghiệp du lịch, nếu như Nhà nước đóng vai trò chủ thể thì phải coi các cộng đồng dân tộc là đối tác phát triển. Các cộng đồng có thể tham gia vào các công đoạn của quy trình công nghệ như như sáng tạo, khai thác sản phẩm, quản lý, giám sát, bảo vệ di sản văn hóa, bảo vệ môi trường… Họ phải được hưởng lợi, được chia sẻ lợi ích thỏa đáng từ các hoạt động du lịch, có thể sử dụng nguồn lợi đó để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tái sản xuất các sản phẩm du lịch…

Trong cơ cấu quản lý ở Việt Nam, quản lý văn hóa không phải là một lĩnh vực biệt lập mà có sự gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế, quản lý xã hội, bảo vệ môi trường. Quản lý văn hóa chỉ thực sự hiệu quả khi gắn kết văn hóa với quá trình phát triển kinh tế - xã hội, trở thành “mục tiêu, động lực” và “nguồn lực nội sinh quan trọng” để phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII.

Thực hiện chủ trương tích cực, chủ động hội nhập quốc tế của Đảng, việc định hướng và đầu tư phát triển du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, trên cơ sở phát huy thế mạnh, tiềm năng (cả về tự nhiên, xã hội, đặc biệt là tiềm năng văn hóa) của từng vùng miền, từng dân tộc, trong đó có các DTTS vùng miền núi phía Bắc nước ta, có ý nghĩa quan trọng đối với việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc.

Bên cạnh đó, việc phát huy vai trò của đồng bào các dân tộc trong các hoạt động du lịch còn có ý nghĩa phát triển các cộng đồng (đặc biệt là các cộng đồng DTTS), cả về tâm lực, trí lực, tài lực, để các cộng đồng đó thực sự lớn mạnh, trên cơ sở đó mới có thể phát huy tối đa sức mạnh nội sinh của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngọc Tuân và nhóm PV, BTV