Từ hơn 700 năm trước, Thừa Thiên Huế đã là vùng đất tích tụ nhiều giá trị văn hóa lịch sử. Với vị trí trọng yếu, là địa bàn mang tính chiến lược nên luôn được lựa chọn để xây dựng thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa... 

Ở Huế tập trung nhiều cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, nhiều đình chùa, đền miếu và niệm phật đường, hầu hết những công trình này đều mang giá trị kiến trúc độc đáo luôn hài hòa với cảnh quan thiên nhiên.

W-anhminhhoa-6.png
Kiến trúc thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu ở Huế nhìn từ trên cao

Những ngôi danh lam cổ tự như Thiên Mụ, Túy Vân, Diệu Đế, Bảo Quốc, Thiền Tôn, Từ Hiếu, Từ Đàm... ra đời rất sớm cùng một số trung tâm được hình thành trong giai đoạn hiện nay như Trung tâm văn hóa Huyền Trân, Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã, tượng đài Quán Thế Âm là những địa điểm đang ngày càng được du khách quan tâm, mọi người muốn tìm hiểu các giá trị kiến trúc độc đáo và cảm nhận về các giá trị tinh thần.

Ngày nay, Huế là Cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu...; cùng hàng vạn hiện vật quý hiếm, hàng ngàn bài thơ chữ Hán được chạm khắc trên các công trình kiến trúc, trên hệ thống bia ký và văn bản Hán Nôm đã thể hiện tính sáng tạo cùng những nội dung mang triết lý nhân văn sâu sắc. 

Huế là một trong 3 trung tâm có hệ thống bảo tàng độc đáo. Sự ra đời của 06 bảo tàng (Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế; Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng tỉnh; Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế; Bảo tàng Thiên nhiên khu vực miền Trung tại Huế; Bảo tàng Văn hóa Huế, Bảo tàng ngoài công lập Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn) và 02 nhà trưng bày (Nhà trưng bày tác phẩm Điềm Phùng Thị, Trung tâm nghệ thuật Lê Bá Đảng) là nơi lưu giữ nhiều cổ vật, di vật gắn liền với văn hóa cung đình, văn hóa dân gian, về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, lịch sử cách mạng, các anh hùng, danh nhân tiêu biểu, nghệ sỹ tài hoa của quê hương đất nước, trong đó có nhiều hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia.

Cùng với Hội An, Huế đã khoanh vùng được khu trung tâm lịch sử, kèm theo các hướng dẫn, quy hoạch, và chính sách bảo tồn di sản hiệu quả.

Từ câu chuyện của Huế, và Hội An, phát biểu tại Hội nghị bảo tồn và phát triển đô thị di sản Huế, tổ chức tại Dinh Độc Lập, TSKH.KTS. Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, cách bảo tồn di sản đơn giản mà hiệu quả nhất là thông qua quy hoạch sử dụng đất đô thị, trong đó, quy hoạch phân khu và nhất là quy hoạch chi tiết cần khống chế phong cách kiến trúc, mật độ xây dựng, và tầng cao của các công trình di sản nói riêng, và của các khu trung tâm lịch sử nói chung. Bởi, không có nhà đầu tư thông minh nào lại muốn phá bỏ một cụm biệt thự di sản hai tầng, để chỉ được xây lại mới với cùng mật độ, chiều cao, và phong cách kiến trúc.

Thanh Hà và nhóm PV, BTV