Trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 43 dân tộc, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 54%, có 7 dân tộc thiểu số tại chỗ gồm: Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ - Triêng, Gia Rai, Hrê, Brâu và Rơ Măm.

Trải qua nhiều thăng trầm, thổ cẩm Kon Tum nói chung và của đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng vẫn được gìn giữ, bảo tồn và từng bước được nâng tầm giá trị. Với mỗi cộng đồng dân tộc, các họa tiết thổ cẩm sẽ khác nhau, cách phối màu cũng khác nhau. 

Trong những năm qua, tỉnh Kon Tum đã có nhiều chính sách để giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ, trong đó có nghề dệt thổ cẩm truyền thống của 7 dân tộc bản địa của tỉnh là Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ -Triêng, Brâu, Rơ Măm, Gia Rai và Hrê.

Tháng 4/2017 tỉnh Kon Tum đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Đề án “Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh Kon Tum”. Trong đó, công tác truyền thông được đặc biệt chú trọng. Từ tỉnh xuống tới thôn, làng trong toàn tỉnh đã tổ chức tuyên truyền trực quan trên các cụm panô, tuyên truyền lưu động bằng xe ôtô, tuyên truyền thông qua loa truyền thanh tại các thôn, làng.

Cùng với đó, tỉnh đặc biệt chú trọng mở lớp dạy nghề dệt thổ cẩm tại cộng đồng, trong đó, chú trọng tới 2 dân tộc rất ít người của tỉnh là Rơ 21 Măm ở làng Le, xã Mô Rai, huyện Sa Thầy và dân tộc Brâu ở làng Đăk Mế, xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi, để các thế hệ kế cận có cơ hội nối tiếp, giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của ông cha để lại.

Ngoài ra, tỉnh Kon Tum còn chỉ đạo các cơ quan chức năng đưa sản phẩm dệt truyền thống tham gia, triển lãm xúc tiến thương mại tại các Hội chợ và các sự kiện khác trong và ngoài tỉnh như:  Hội chợ triễn lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực Miền Trung - Tây Nguyên tại Phú Yên; Hội chợ quốc tế Thương mại, du lịch và đầu tư hành lang kinh tế Đông Tây tại thành phố Đà Nẵng; Tuần văn hóa - Du lịch tỉnh Kon Tum; Hội chợ các sản phẩm địa phương tại các huyện, thành phố; dùng làm quà tặng cho khách dự các sự kiện lớn của tỉnh.

W-anhdetthocam.png
Cục Sở hữu Trí tuệ đã cấp chứng nhận nhãn hiệu Dệt thổ cẩm Kon Tum.

Đáng chú ý, vào tháng 10/2022, Cục Sở hữu Trí tuệ đã cấp chứng nhận nhãn hiệu Dệt thổ cẩm Kon Tum. Với việc nhãn hiệu được chứng nhận sẽ góp phần bảo tồn, phát triển các sản phẩm Dệt thổ cẩm đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa lâu đời của 7 dân tộc thiểu số tại chỗ của tỉnh Kon Tum gồm: Ba Na, Gia Rai, Xơ Đăng, Gié Triêng, Brâu, Rơ Măm, Hrê, từ đó phát triển kinh tế, cải thiện sinh kế của người làm nghề Dệt thổ cẩm trong xu thế hội nhập hiện nay.

Đặc biệt, tháng 2/2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quyết định công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, trong đó có nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Bahnar tại các huyện Đăk Hà, Sa Thầy, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum).

Tỉnh cũng bước đầu kiểm kê về trang phục truyền thống của 3 dân tộc thiểu số (dân tộc Ba Na, Gia Rai, Giẻ - Triêng) trên địa bàn. Tiếp đến, tỉnh đã lập 3 hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể về nghề dệt thủ công truyền thống, trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia là di sản văn hóa phi vật thể Nghề dệt thủ công truyền thống, trang phục truyền thống của 02 dân tộc thiểu số (Ba Na, Gia Rai).

Đây là những tín hiệu tích cực cho thấy những chuyển biến trong công tác bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của bà con dân tộc thiểu số ở Kon Tum.

Kiều Oanh và nhóm PV, BTV