Việc tổ chức khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số rất ít người là hoạt động nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Dự án 6 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Bảo tồn, lưu giữ nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo dân tộc Lự đang là nhiệm vụ quan trọng của ngành văn hóa.
Lự là một dân tộc ít người trong cộng đồng 54 dân tộc anh em ở Việt Nam; họ sinh sống chủ yếu ở một số xã vùng cao thuộc các huyện Tam Đường, Tân Uyên, Sìn Hồ (Lai Châu). Đây là một trong các dân tộc thiểu số có số dân dưới 10.000 người ở nước ta.
Tin vui đến với cộng đồng, hôm 31/7, Thứ Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy đã ký văn bản số 2024/QĐ-BVHTTDL về tổ chức Hội thảo "Bảo tồn và phát huy giá trị trang phục truyền thống của dân tộc Lự tỉnh Lai Châu gắn với phát triển du lịch". Thời gian: Quý III, IV năm 2023. Địa điểm: huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu.
Vụ Văn hóa dân tộc chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức hội thảo tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu nhằm đánh giá thực trạng bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống của dân tộc Lự ở Việt Nam; làm rõ các kết quả đạt được trong quá trình thực hiện, những hạn chế, khó khăn và nguyên nhân.
Thông qua đó, Ban Tổ chức xin ý kiến các chuyên gia trong lĩnh vực văn hóa, dân tộc học và nghệ nhân, già làng, trưởng thôn, bản, am hiểu bản sắc văn hóa là người dân tộc Lự… về các vấn đề lý luận, thực tiễn bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống; giải pháp bảo tồn, phát huy giá trị trang phục truyền thống dân tộc Lự gắn với phát triển du lịch trong thời gian tới. Các đại biểu chia sẻ bài học kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và mô hình bảo tồn, phát huy giá trị trang phục các dân tộc thiểu số ở Việt Nam gắn với phát triển du lịch.
Năm ngoái, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2579/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số rất ít người.
Trên tinh thần đó, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức khảo sát, điều tra, thống kê, thu thập thông tin tư liệu, dữ liệu tổng thể về các loại hình văn hóa phi vật thể của dân tộc Lự trên địa bàn tỉnh Lai Châu.
Một trong những nội dung đáng chú ý đã được thiết kế nhằm lưu giữ kho tàng văn hóa dân tộc Lự là việc khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc thiểu số rất ít người - dân tộc Lự sinh sống trên địa bàn huyện Tam Đường và huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu.
Hai chương trình bảo tồn, phát huy nghề dệt thổ cẩm; hai chương trình bảo tồn, phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian, hai chương trình bảo tồn, phát huy tập quán xã hội, một chương trình bảo tồn, phát huy Tết cơm mới và một chương trình bảo tồn, phát huy trò chơi dân gian.
Bên cạnh đó, để phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Lự gắn với phát triển du lịch, ngành văn hóa cũng triển khai 2 lớp tập huấn nâng cao năng lực bảo tồn của chính đồng bào dân tộc.
Cơ quan chức năng sẽ tiến hành giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa tiêu biểu của đồng bào dân tộc Lự đến du khách trong và ngoài nước; tuyên truyền về mô hình bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch; xuất bản, phát hành ấn phẩm giới thiệu, tuyên truyền về văn hóa truyền thống của dân tộc Lự.
Nhờ những chính sách này, một số bản làng của người Lự ở tỉnh Lai Châu sẽ dần trở thành điểm du lịch văn hóa sinh thái hấp dẫn du khách.
Qua đó có thể thấy, việc bảo tồn, phát huy các loại hình văn hóa tiêu biểu của dân tộc thiểu số rất ít người, rất cần những hỗ trợ của cơ quan chức năng để động viên, khích lệ đồng bào dân tộc thiểu số tích cực tham gia vào hoạt động bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống; phát huy vai trò chủ thể văn hóa, khơi dậy lòng tự hào đối với các giá trị văn hóa truyền thống. Trong đó, việc từng bước nhân rộng mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch là biện pháp hữu hiệu đã được thực tế chứng minh.