Nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Chăm ở tỉnh An Giang tập trung chủ yếu tại xã Châu Phong, thị xã Tân Châu và xã Đa Phước, huyện An Phú. Thời gian vừa qua, dưới tác động của kinh tế thị trường, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh đang đứng trước nguy cơ mai một. Chất lượng, mẫu mã sản phẩm không cạnh tranh được với các sản phẩm dệt may trên thị trường. Hàng hóa làm ra khó tìm thị trường tiêu thụ, đời sống người làm nghề gặp nhiều khó khăn...

Bởi vậy, bắt tay triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là cơ hội để An Giang khôi phục, bảo tồn, phát huy nghề dệt thổ cẩm của cộng đồng dân tộc Chăm trong tỉnh.

Để bảo tồn, gìn giữ và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống, việc cần làm trước tiên là phải tìm được đầu ra cho sản phẩm. Thời gian qua, Sở Công thương tỉnh An Giang đã tích cực phối hợp với các địa phương đẩy mạnh chương trình xúc tiến thương mại, đưa sản phẩm làng nghề tham gia các hội chợ của các tỉnh, thành trên cả nước. Hỗ trợ làng nghề đưa sản phẩm vào các kênh phân phối hiện đại như: Các trang thương mại điện tử, hội chợ triển lãm... để góp phần quảng bá các sản phẩm làng nghề.