Kể từ khi dân ca quan họ được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (năm 2009), tỉnh Bắc Giang luôn quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Giờ đây, mỗi khi đến Bắc Giang, du khách trong nước, quốc tế không chỉ ngỡ ngàng trước những danh lam, thắng cảnh mà còn được biết đến nhiều hơn các nét văn hóa đặc sắc của tỉnh này.
Những năm qua, người dân vùng cao nơi đây chú trọng gìn giữ và phát triển những nét văn hóa, bản sắc dân tộc. Đời sống tinh thần của bà con cũng bởi vậy được nâng cao.
Mỗi quý 1 lần, CLB hát Sình ca tổ chức sinh hoạt tại thôn Đèo Gia và Cống Luộc (xã Đèo Gia) nhằm giao lưu, truyền dạy cho hội viên tại nhà văn hóa cộng đồng địa phương. Từ năm 2016 đến nay, CLB truyền dạy cho 19 học sinh THCS và THPT trên địa bàn xã.
Ở các buổi sinh hoạt, từ nội dung sách hát Sình ca do ngành văn hóa biên soạn, chọn lọc những bài hát hay, phổ biến được in ra để mọi người học. Bà Đinh Thị Phương (64 tuổi, người dân tộc Cao Lan) cho biết: "Tôi cảm thấy vui mừng khi bà con hào hứng học điệu hát của dân tộc mình từ người lớn đến trẻ em".
Dân ca Cao Lan là sinh hoạt văn hóa truyền thống có từ lâu đời. Đó là lối hát đối đáp theo thể thơ tứ tuyệt. Đồng bào Cao Lan mê say dân ca bởi nó không chỉ là những bài hát giao duyên của trai gái mà còn có nhiều bài ca ngợi sản xuất, hát về thiên nhiên; phụng thổ công, thần nông, hát mừng nhà mới, đám cưới, ru con, hát đền ơn cha mẹ, hát đố, hát ghẹo…
Lùa Thị Thảo (lớp 7, dân tộc Cao Lan) chia sẻ: "Em cảm thấy biết ơn và trân trọng vì bản thân được tham gia vào việc tìm hiểu và giữ gìn nét đẹp của dân tộc mình qua những điệu hát Sình ca".
Ngoài Thảo, lớp còn rất nhiều học viên trẻ. Các em là những lứa học sinh mới nhất của CLB hát Sình ca này.
Đến nay, các thành viên CLB có thể thuộc 30-40 bài, tham gia giao lưu, biểu diễn ở nhiều nơi.
Để dân ca Cao Lan không bị mai một, bên cạnh những giải pháp trên, chính quyền, ngành chức năng cần tiếp tục quan tâm hơn nữa công tác bảo tồn thông qua việc thành lập, duy trì hoạt động của CLB, có cơ chế khuyến khích, động viên nhiều người tham gia, nhất là giới trẻ. Ngành văn hóa, giáo dục thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hội thi, giới thiệu, đưa dân ca dân tộc thiểu số vào các tiết học ngoại khóa… từ đó, tạo sức lan tỏa, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị di sản.