Chiều nay (11/9), Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp trực tuyến triển khai công tác ứng phó với bão số 5. 

Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, hiện tại bão số 5 cách bờ biển Quảng Trị-Quảng Ngãi khoảng 130-140km, tốc độ di chuyển chậm, cường độ hiện tại cấp 9.

Dự báo 6-12h tới bão di chuyển theo hướng Tây với tốc độ chậm, cường độ suy yếu dần với khoảng cấp 8.

{keywords}
Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia Mai Văn Khiêm

Ở đảo Lý Sơn đã có gió mạnh, trên đất liền tại Đà Nẵng theo quan trắc cách đây 30 phút có gió giật cấp 5-6. 

Về dự báo quốc tế, hiện nay có một số sự khác biệt nhất định, nhìn chung xu thế đi vào khu vực Trung Trung Bộ, tốc độ suy yếu khi tiến sát vào bờ.

Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia nhận định, khu vực chịu tác động trọng tâm của bão là Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi.

Ở vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm các huyện đảo Lý Sơn, Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm) có gió mạnh cấp 7, cấp 8, sau tăng lên cấp 9, giật cấp 11; sóng biển cao từ 4-5m; biển động rất mạnh.

Trên đất liền thời gian có gió mạnh từ chiều nay đến trưa mai. Khu vực ảnh hưởng trực tiếp vùng ven biển Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam với gió mạnh cấp 7, vùng ven biển cấp 8, giật cấp 10.

Từ nay đến ngày 13/9 mưa tập trung trọng tâm ở Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi với lượng mưa dự kiến 200-300mm; Quảng Trị, Quảng Bình lượng mưa từ 150-200mm.

Đỉnh lũ trên các sông Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum ở mức BĐ1 và trên BĐ1; các sông từ Hà Tĩnh đến Huế lên mức BĐ1-BĐ2 và trên BĐ2.

Nguy cơ ngập lụt tại 40 huyện ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Một số khu vực có thể xảy ra nguy cơ ngập cục bộ, tập trung vào TP Huế, Tam Kỳ, Hội An, Đà Nẵng.

Một số huyện ở Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum có nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Hơn 500.000 quân ứng trực

Theo báo cáo của Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, tính đến 13h ngày 11/9, đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 71.500 phương tiện/349.088 lao động, trong đó có 89 tàu hoạt động ven bờ trên vùng biển từ Hà Tĩnh - Bình Định đang di chuyển về bờ; hiện không còn tàu thuyền trong khu vực nguy hiểm.

{keywords}
Dự báo hướng đi của bão số 5. Ảnh: Tổng cục Phòng chống thiên tai

Về sự cố tàu thuyền, có tàu cá Quảng Ngãi QNg-95058TS/5 lao động bị chết máy, phá nước. Hiện Cảnh sát biển vùng 3 đã huy động tàu đang trên đường ra cứu nạn và giữ liên lạc với tàu cá trên.

Các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, TP Đà Nẵng, Quảng Ngãi đã cấm biển.

Các địa phương từ Quảng Trị - Quảng Ngãi trong vùng ảnh hưởng của bão đã rà soát phương án sơ tán dân trong tình huống dịch Covid-19. Dự kiến sơ tán 331.392 dân khu vực ven biển (Quảng Trị 67.100; Thừa Thiên-Huế 69.366; Đà Nẵng 58.683; Quảng Nam 172.373; Quảng Ngãi 24.442).

Đồng thời, đã rà soát các đối tượng trong diện F0, F1 để có phương án cách ly, sơ tán riêng cũng như biện pháp y tế phù hợp để an toàn dịch bệnh (hiện có 2.031 ca F0/3 tỉnh, thành phố Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi) đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16. Các khu vực cách ly đã có phương án sơ tán dân đảm bảo an toàn tại chỗ. 

Đại tá Phạm Hải Châu, Phó Cục trưởng, Phó Chánh văn phòng UB quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho biết, để ứng phó với bão, hiện nay quân đội vẫn duy trì sẵn sàng huy động hơn 530.000 cán bộ chiến sĩ, dân quân tự vệ; hơn 3.000 phương tiện tham gia ứng phó các tình huống, đặc biệt trong đó có 15 máy bay, 105 tàu, hơn 1.100 xuồng các loại, 160 xe đặc chủng.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho hay, hiện nay việc chống bão trong điều kiện rất đặc biệt và là thách thức lớn khi bão đổ bộ ở một số nơi đang là “vùng đỏ” của dịch Covid-19.

Ông cho biết, bão số 5 khả năng đổ bộ đất liền sáng mai, ảnh hưởng trực tiếp từ tối nay và bày tỏ lo ngại bão di chuyển chậm nên thời gian mưa lớn dài.

Theo Thứ trưởng, thách thức lớn nhất là bão đổ bộ trong điều kiện dịch Covid-19 đang phức tạp, chỉ riêng Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đã có hơn 2.000 F0 và hàng nghìn F1. Vì vậy, trong chỉ đạo cần quyết liệt, cách làm khác hơn và kịch bản chi tiết hơn.

Thứ trưởng nhấn mạnh nguyên tắc là hạn chế tối đa di dân khi chưa cần thiết, các địa phương phải bám sát kịch bản, nếu bắt buộc phải di dân thì cố gắng di dân tại chỗ là chủ yếu.

Ông cũng lưu ý thuyền viên và người lao động dứt khoát phải lên bờ khi bão đổ bộ, tuyệt đối không để ngư dân trên chòi canh. Các địa phương cần rà soát những khu vực ngập lụt, có phương án đảm bảo tính mạng và tài sản của dân…

Nguy cơ ngập lụt tại 40 huyện:

Hà Tĩnh: TP Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh, Cẩm Xuyên.

Quảng Bình: Tuyên Hóa, Minh Hóa, Lệ Thủy, Quảng Ninh, Quảng Trạch, Bố Trạch, TP Đồng Hới, thị xã Ba Đồn.

Quảng Trị: Hướng Hóa, Đắk Rông, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng, Cam Lộ, TP Đông Hà, thị xã Quảng Trị.

Huế: A Lưới,Phong Điền, Nam Đông, Phú Vang, TP Huế, Phú Lộc, Quảng Điền.

Đà Nẵng: TP Đà Nẵng, Liên Chiểu, Hòa Vang.

Quảng Nam: TP Tam Kỳ, Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An.

Quảng Ngãi: Bình Sơn, Mộ Đức, Tư Nghĩa, TP Quảng Ngãi.

  

Mưa trắng trời, đường phố Đà Nẵng biến thành sông

Mưa trắng trời, đường phố Đà Nẵng biến thành sông

Mưa lớn kéo dài do ảnh hưởng của cơn bão số 5 khiến nhiều tuyến đường trung tâm TP Đà Nẵng ngập nặng.

Hương Quỳnh