Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai ứng phó bão số 4 chiều 28 tháng 8, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, trong 6 giờ qua, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây (30km/h).
Khoảng từ trưa đến chiều tối 30/8, bão số 4 sẽ đi vào đất liền các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Bình. Khi vào đất liền, bão số 4 sẽ có sức gió mạnh cấp 8-9, gió giật cấp 10-11.
Từ đêm nay đến ngày 2 tháng 9, ở khu vực Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế có mưa to đến rất to.
Tổng lượng mưa cả đợt tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị là 250-400mm; các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ là 200-300mm; khu vực nam đồng bằng Bắc Bộ và Thừa Thiên Huế là 100-200mm; khu vực trung du, vùng núi Bắc Bộ, Đà Nẵng là 50-120mm.
Đỉnh lũ ở thượng nguồn sông Mã, sông Cả có khả năng lũ báo động 2; nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh Trung Bộ và Bắc Bộ.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài, khu vực bờ biển từ Nghệ An đến Bình Thuận hiện có 24 điểm trên 41,93km đang có diễn biến sạt lở đặc biệt nguy hiểm cần xử lý cấp bách, nhất là tại Quỳnh Thọ - Nghệ An, Quảng Phú - Quảng Bình, Hải Dương - Thừa Thiên Huế, Vĩnh Mốc - Quảng Trị, Hội An - Quảng Nam…
Hiện các đơn vị đã huy động trực gồm 6 tàu hải quân, 5 tàu cảnh sát biển, 5 tàu biên phòng, 4 tàu SAR và 4 máy bay.
Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An Đinh Viết Hồng khẳng định, từ chiều nay tỉnh đã có công điện cấm biển, từ 5 giờ hôm nay sẽ không cho tàu thuyền ra khơi nữa.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, yêu cầu đảm bảo tuyệt đối an toàn tính mạng người và tài sản. Các đơn vị, bộ ngành, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến cơn bão để chủ động triển khai các phương án ứng phó, tránh để tình trạng thiệt hại đáng tiếc như một số trường hợp trước đây.