Đây là cơn bão mạnh nhất trên Biển Đông trong vòng 30 năm qua và trong 70 năm qua trên đất liền.
Ông Mai Văn Khiêm - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, bão số 3 và hoàn lưu sau bão có phạm vi ảnh hưởng rộng khắp khu vực Bắc Bộ đến tỉnh Thanh Hóa (26 tỉnh, thành phố) và gây mưa lớn cho miền Bắc.
Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia đánh giá, chưa có cơn bão nào đi vào Biển Đông mà mạnh lên thành cấp siêu bão. Thế nhưng, bão số 3 có quá trình mạnh lên rất nhanh, thời điểm vào Biển Đông (ngày 2/9) bão mạnh cấp 8, đến hơn 2 ngày sau bão đã mạnh thêm 8 cấp, đạt cấp siêu bão vào ngày 5/9.
Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm, liên tiếp ban hành 3 công điện khẩn để chỉ đạo các bộ ngành, địa phương khẩn trương, tập trung triển khai các biện pháp ứng phó với bão.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà liên tục có cuộc họp trực tuyến với các bộ ngành, 28 tỉnh, thành phố Bắc Bộ đến tỉnh Hà Tĩnh và trực tiếp đi kiểm tra, chỉ đạo tại 4 tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thái Bình.
Ngày 7/9, Thủ tướng quyết định thành lập Ban Chỉ đạo tiền phương tại Hải Phòng, giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo ứng phó với bão tại Quảng Ninh.
Sau những diễn biến phức tạp, bão Yagi và hoàn lưu sau bão đã làm 320 người chết, 25 người mất tích, ảnh hưởng đến 3,6 triệu người và hơn 322.000 ngôi nhà bị hư hỏng. Thiệt hại kinh tế ước tính là hơn 88.700 tỷ đồng, bằng 0,62% GDP năm 2023 và làm giảm khoảng 0,24% GDP năm 2024.
Trong các lĩnh vực, dịch vụ văn hóa và du lịch chịu thiệt hại lớn với gần 7.900 tỷ đồng, tương đương 57% tổng sản lượng; tiếp theo là nông nghiệp với gần 3.900 tỷ đồng; công nghiệp hơn 2.000 tỷ đồng; thương mại xuất khẩu thiệt hại hơn 12.200 tỷ đồng.
Trước, trong và sau bão số 3, Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp, lực lượng vũ trang và nhân dân cả nước đã triển khai mạnh mẽ, đồng bộ nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão lũ gây ra.
Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, cũng như các Công điện và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, đoàn viên, thanh niên, cộng đồng dân cư kịp thời giúp đỡ, sơ tán, cứu hộ, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Các lực lượng quân đội, công an đã huy động hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sĩ, phương tiện các loại, xe đặc chủng, hàng nghìn ô tô, tàu thuyền và cả máy bay trực thăng… hỗ trợ nhân dân trong công tác phòng chống, ứng phó, cứu nạn, cứu hộ và khắc phục thiệt hại. Đặc biệt, đã có cán bộ, chiến sĩ anh dũng hy sinh, nhiều đồng chí bị thương khi thực hiện nhiệm vụ.
Phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái, “Thương người như thể thương thân”, "Lá lành đùm lá rách", Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước quyên góp, ủng hộ để kịp thời trao đến tận tay người dân có hoàn cảnh khó khăn trong vùng lũ, sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống…
Theo Ban Phong trào - Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổng số tiền ủng hộ đạt gần 2.200 tỷ đồng.
Tại nhiều địa phương bị ảnh hưởng bão lũ, các đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành đã đến để chia sẻ với những khó khăn, động viên nhân dân; đồng thời chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai; triển khai đồng bộ, quyết liệt mọi giải pháp từ phòng ngừa đến cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ; triển khai nhanh nhất các biện pháp để đưa nhu yếu phẩm đến cho người dân và chú trọng bảo đảm an toàn cho lực lượng tham gia cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ...
Rất nhiều cá nhân, tập thể đã quyên góp thực phẩm, quần áo, đồ dùng, ủng hộ tiền mặt... Nhiều đoàn xe hướng về các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Tinh thần tương thân, tương ái, tình đồng chí, nghĩa đồng bào hơn lúc nào hết lại được thắp sáng trong những lúc gian khó. Trong hoạn nạn, nhiều quốc gia, tổ chức và bạn bè quốc tế đã nhanh chóng chia sẻ, hỗ trợ, cùng Chính phủ và nhân dân Việt Nam khắc phục hậu quả mưa lũ.